Giáo dục tiểu học phải toàn diện: đức-trí-thể-mỹ

24/11/2011 17:26

(Baonghean) - Chúng tôi đến Trường Tiểu học Hưng Lộc (TP. Vinh) vào giờ ra chơi. Nhóm này chơi nhảy dây, chỗ kia chơi ô ăn quan, chơi cờ gánh, chơi thẻ, đá bóng, đi cà kheo,… và đông nhất là nhóm múa sạp. Tất cả giáo viên đều ra sân cùng chơi với học sinh, cô và trò trở thành “bạn” của nhau.

(Baonghean) - Chúng tôi đến Trường Tiểu học Hưng Lộc (TP. Vinh) vào giờ ra chơi. Nhóm này chơi nhảy dây, chỗ kia chơi ô ăn quan, chơi cờ gánh, chơi thẻ, đá bóng, đi cà kheo,… và đông nhất là nhóm múa sạp. Tất cả giáo viên đều ra sân cùng chơi với học sinh, cô và trò trở thành “bạn” của nhau.

Cô Nguyễn Thị Hồng Mai - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: từng được dự các lớp tập huấn do Sở và Bộ tổ chức để hướng dẫn lại cho giáo viên, trong cô hình thành ý nghĩ: phải thay đổi cách làm giáo dục tiểu học, phải đổi mới chứ không thể theo lối mòn cũ. Ở tiểu học, thực hiện giáo dục toàn diện chứ không thể chỉ tập trung các môn văn hoá. Bởi có chăm lo giáo dục toàn diện thì mới thực hiện được mục tiêu của cấp học là “giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học trung học cơ sở”. Và, để nhà trường thực hiện tốt giáo dục toàn diện, cô chọn lối đi: tổ chức nghiêm túc hoạt động ngoài giờ và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.



Nhảy múa sạp trong giờ ra chơi ở trường tiểu học Hưng Lộc.

Vạn sự khởi đầu nan: Khó về điều kiện cơ sở vật chất, về phương pháp và cách làm,… Nhưng khó nhất lại là nhận thức của đội ngũ giáo viên và của cha mẹ học sinh. Không còn cách nào khác là phải tuyên truyền, vận động; lấy kết quả của lớp thí điểm, kết quả của những việc làm trước để thuyết phục, động viên giáo viên làm những việc tiếp theo. Bây giờ thì giáo viên không còn băn khoăn, so đo vì phải mất thời gian vào việc thiết kế, vào việc tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp; phải đọc, phải nghiên cứu để tích hợp được vào các bài giảng việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Ngược lại, tất cả đều say sưa, tâm huyết để thực hiện những đổi mới mà nhà trường đề ra. Số cha mẹ học sinh chỉ chăm chăm lo cho con mình học toán, học văn tuy vẫn còn nhưng không nhiều như trước. Đại bộ phận cha mẹ học sinh đã ủng hộ cách tổ chức hoạt động giáo dục của nhà trường khi thấy các con thực sự tiến bộ về nhiều mặt: biết chăm học; biết lễ phép; biết nhường nhịn nhau; biết tự phục vụ; biết giúp đỡ cha mẹ và mọi người trong gia đình; tự tin, hoạt bát hơn trong sinh hoạt, trong giao tiếp;...

Cuối tuần qua, Trường Tiểu học Lê Lợi (TP. Vinh) dành một ngày tổ chức Hội khỏe Phù Đổng. Để chuẩn bị cho ngày hội này, các cô giáo chủ nhiệm đã thông báo rất sớm về kế hoạch cho lớp của mình, phổ biến các luật thi, tuyển chọn học sinh tham gia đội kéo co, đội chuyền bóng, đánh cờ vua. Cả lớp rất hào hứng và đến trường sớm hơn thường ngày. Cô giáo không quên chuẩn bị nước uống, sữa tươi, bimbim để bồi dưỡng cho trò.

Cô Hồng Vân, giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học Lê Lợi, cho biết: Tôi thấy những hoạt động như thế này rất bổ ích, những học sinh thường ngày rụt rè, thì nay các em đã hòa đồng và còn phát huy những thế mạnh giúp đội và lớp giành chiến thắng trong cuộc thi. Đây thực sự là môi trường, cơ hội để cô giáo trang bị cũng như rèn luyện kỹ năng sống cần thiết cho học sinh; học sinh biết bảo vệ bản thân; xuýt xoa, hỏi han khi bạn bị ngã, lấy khăn lău mồ hôi, lấy nước cho bạn uống để tiếp tục thi, động viên các bạn trong đội cố lên dành chiến thắng. Nhìn những hành động đó cô cảm động vô cùng, thấy các em đang lớn lên.

“Thực ra việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đã được các nhà trường thực hiện từ lâu, nhưng không bài bản, không hệ thống, không được quan tâm đúng mức. Vài ba năm nay, có sự chỉ đạo của cấp trên, các trường quan tâm đúng mức hơn, làm sâu hơn. Thực tế ở Trường Tiểu học Lê Lợi, lớp nào tổ chức có hiệu quả hoạt động ngoài giờ lên lớp, chăm lo việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thì lớp đó có nề nếp hơn, ý thức của học sinh tốt hơn, các em chăm học hơn và chất lượng học tập tiến bộ nhanh hơn”. Đó là những chia sẻ của cô giáo Ngô Thị Thu Dung, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi.

Trường Tiểu học Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu đã gắn rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ thông qua phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Qua đó, nhà trường nâng cao tinh thần trách nhiệm cho mỗi giáo giáo viên và phụ huynh trong rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ từ lời ăn tiếng nói, hành vi ứng xử, quan tâm đến các hoạt động chăm sóc cây xanh, vệ sinh môi trường; đặc biệt là xây dựng mối đoàn kết, giúp nhau trong khó khăn, hoạn nạn. Với quan điểm “trường là nhà, học sinh là con”, những năm qua Trường tiểu học Quỳnh Hậu đã có nhiều hoạt động có ý nghĩa, được phụ huynh, giáo viên đồng tình cao.

Với phương châm của giáo dục tiểu học “giáo dục toàn diện, hình thành và phát triển hài hòa nhân cách trẻ”, vấn đề được ngành giáo dục đặt ra đầu tiên cần được tháo gỡ đó là nhận thức của giáo viên; cơ sở vật chất và kinh phí cho hoạt động. Đến nay, dù còn nhiều khó khăn nhưng đa số các trường tiểu học trên địa bàn đều lồng ghép, tổ chức nhiều hoạt động bổ ích, trí tuệ, tạo điều kiện cho tất cả các em tham gia vào các phong trào. Nhiều trường đã xây dựng và hoàn thiện các quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường, thành lập CLB dân ca... Thực tế đã có nhiều nơi làm khá tốt, đạt hiệu quả cao, như vùng cao có các huyện Quỳ Châu, Con Cuông; miền núi có Thanh Chương, Quỳ Hợp; đồng bằng, thành phố, thị xã có Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Đô Lương. Những huyện này đã có bước tiến quan trọng trong việc đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần tạo điều kiện cho việc hoàn thiện nhân cách học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Ông Trần Thế Sơn - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&DT Nghệ An, cho biết: Sở đã chỉ đạo lồng ghép kỹ năng sống trong từng môn học, khuyến khích phát triển các câu lạc bộ, các phong trào để các em có kiến thức về cuộc sống, về ứng xử. Thế nhưng, một số huyện, một số trường học vẫn gặp phải rào cản lớn về nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý; điều này cần phải được khắc phục để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ năm học. Thực tế cho thấy ở đâu đôi ngũ cán bộ quản lý tiên phong thực hiện, chỉ đạo thì ở đó việc đổi mới giáo dục tiểu học đạt kết quả cao.

Đổi mới giáo dục tiểu học trên địa bàn cả tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên cơ sở đẩy mạnh hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là một chủ trương cần thiết và đúng đắn giúp các em học sinh tự tin bước vào cuộc sống. Với ý nghĩa đó, ngành giáo dục và đào tạo Nghệ An đang nỗ lực hết mình cho chủ trương này và xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng phải thực hiện bằng được ngay trong năm học 2011-2012.


Thảo Nhi

Mới nhất
x
Giáo dục tiểu học phải toàn diện: đức-trí-thể-mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO