Giáo dục truyền thống cách mạng từ sự nêu gương

11/09/2015 08:55

(Baonghean) - Báo Nghệ An trò chuyện với cụ Nguyễn Thục (SN 1919) ở phường Hưng Bình (TP. Vinh), cựu công nhân thợ nguội Nhà máy xe lửa Trường Thi 85 năm trước khi Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh khởi phát.

Ông Nguyễn Thục
Ông Nguyễn Thục

- Là công nhân thợ nguội của Nhà máy xe lửa Trường Thi - nơi diễn ra phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, cụ có thể chia sẻ về những ngày được giác ngộ cách mạng?

- Năm 1939, tôi xin vào làm công nhân thợ nguội ở Nhà máy xe lửa Trường Thi. Trước khi vào làm việc ở đây, tôi được biết trong cao trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh nhiều lớp nông dân và công nhân ở Vinh - Bến Thủy đã tự có ý thức tạo ra các mối quan hệ vô cùng mật thiết trong các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng cho mình, phản đối chính sách khủng bố của bọn đế quốc và phong kiến tay sai mà đỉnh điểm là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Điển hình là cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 của hơn 1.200 công nhân và nông dân Vinh - Bến Thủy với cờ đỏ búa liềm phấp phới ngay giữa trung tâm công nghiệp của thực dân Pháp. Tôi đã được giác ngộ cách mạng. Sau đó, tôi tham gia vào đội tự vệ công nhân cứu quốc của nhà máy và cùng nhiều anh em trong nhà máy tham gia cướp chính quyền năm 1945. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (12/1946), tôi chuyển sang làm công nhân quốc phòng, tham gia sản xuất vũ khí phục vụ kháng chiến trong xưởng Lê Đình Dụ đóng ở Nghĩa Đàn (xưởng đầu tiên sản xuất súng BAZOKA trên địa bàn Quân khu IV)... Năm 1949, tôi vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

- Được biết, năm 1956 khi ngành công nghiệp cả nước phục hồi, công nhân được trở lại các nhà máy, xí nghiệp, cụ được điều ra công tác ở Nhà máy dệt Nam Định cho đến lúc về hưu năm 1980. Sau khi về hưu cụ vẫn không nghỉ việc, tham gia tích cực phong trào ở địa phương?

- Xin nói thế này, Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931 còn là bài học nhắc nhở người đảng viên cộng sản trên quê hương Nghệ An hơn bao giờ hết phải khẳng định và phát huy vai trò tiên phong gương mẫu, tinh thần vì nước, vì dân để khơi dậy ý chí kiên cường, quyết chiến, quyết thắng của nhân dân, tạo phong trào cách mạng của quần chúng sôi nổi và rộng khắp, làm nên khối sức mạnh đoàn kết, xây dựng quê hương Nghệ An giàu mạnh, văn minh. Về hưu, tôi vẫn tham gia làm phó bí thư chi bộ, chi hội trưởng người cao tuổi... Khi được miễn sinh hoạt Đảng, tôi vẫn tham gia tâm huyết, trách nhiệm đóng góp ý kiến xây dựng khối, phường. Giờ tuổi cao sức yếu, tôi chỉ có thể răn dạy con cháu mình sống sao cho chân thành, trong sáng, tận tụy với công việc, sống có ích cho gia đình và xã hội...

- Vâng, theo cụ, để những người thuộc thế hệ sau hiểu được sự kiên cường, bất khuất của những chiến sỹ cách mạng tiền bối đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập của Tổ quốc, trách nhiệm của lớp đảng viên đi trước trong việc bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay như thế nào?

- 85 năm qua, âm vang của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh và cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 vẫn còn mãi vang vọng. Tên tuổi và khí phách anh hùng của những liệt sỹ đã trở thành biểu tượng về lòng yêu nước, sự xả thân vì nghĩa lớn và cốt cách con người xứ Nghệ. Để khơi dậy niềm tự hào về truyền thống cách mạng, khẳng định ý nghĩa, giá trị lịch sử của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, người cao tuổi cần nêu gương cho người trẻ, đảng viên nêu gương cho quần chúng; đặc biệt giáo dục lý tưởng sống cao đẹp cho thế hệ trẻ cần đi liền với nâng cao vị thế vai trò của tổ chức Đoàn, tạo môi trường thuận lợi để thanh niên cống hiến, trưởng thành, xứng đáng với truyền thống của cha anh.

- Xin trân trọng cảm ơn cụ về cuộc trò chuyện này!

Thanh Lê (Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Giáo dục truyền thống cách mạng từ sự nêu gương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO