"Giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường là tất yếu"
Chủ trương giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nhận được sự ủng hộ cao từ lãnh đạo các trường và các chuyên gia giáo dục.
“Đó là quy luật tất yếu” - thầy Lê Quốc Hạnh, nguyên Trưởng phòng Đào tạo Đại học Hà Nội nói. Theo ông Hạnh, việc Bộ nắm giữ dữ liệu tuyển sinh, quy định sử dụng phần mềm xét tuyển chung đã biến tất cả hơn 400 trường đại học, cao đẳng thành một trường.
“Tôi rất vui khi Bộ đã lắng nghe ý kiến đóng góp của dư luận, các nhà giáo, đặc biệt là những người làm công tác tuyển sinh,” ông Hạnh nói.
Đây cũng là chia sẻ của ông Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Đại học FPT. Ông Minh cho rằng việc để các trường tự chủ tuyển sinh là xu thế bắt buộc. “Cần có thay đổi để cởi mở hơn trong vấn đề xét kết quả tuyển sinh, làm giảm sức nóng của vấn đề này, vốn là tình trạng năm nào cũng xảy ra,” ông Minh nói.
Theo ông Minh, việc số lượng trường đại học nhiều hơn đã giúp người học có nhiều lựa chọn hơn. Theo đó, khi thị trường rộng hơn, sinh viên có quyền lựa chọn tốt hơn. Các trường đều đang phải tự tìm cách để cải thiện nâng cao chính mình để thu hút sinh viên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo hy vọng sẽ khắc phục được những hạn chế của kỳ tuyển sinh năm 2015. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+) |
Là người từng kiến nghị nhiều lần việc Bộ phải giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường, ông Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng đây là một chủ trương hợp lý.
“Tới đây, Bộ chỉ nên quy định về thời gian xét tuyển và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Thời gian xét tuyển nên rút ngắn cho mỗi đợt, khoảng một tuần. Điểm thi nên có giá trị trong một năm và mỗi năm nên có hai đợt xét tuyển. Cũng cần phải có các phương án để khắc phục tình trạng thí sinh ảo,” ông Lập đề xuất.
Cũng bàn về việc thay đổi phương thức tuyển sinh, Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ Đỗ Văn Xê kiến nghị Bộ nên sử dụng dữ liệu dùng chung để tuyển sinh. Khi đó, thí sinh sẽ không cần phải nộp phiếu báo điểm và không phải đi rút hồ sơ.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh Hồ Đắc Lộc lại cho rằng, việc các trường nhóm trên ấn định mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển thấp là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng thí sinh rút, nộp hồ sơ hỗn loạn.
“Tôi nghĩ các trường nhóm trên, theo thống kê của Bộ là khoảng 30 trường, nên có mức điểm xét tuyển cao hơn, để thí sinh có cơ sở chính xác hơn trong việc cân nhắc chọn trường,” ông Lộc nói.
Đồng ý với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho rằng trong mùa tuyển sinh năm 2016, Bộ đang tính đến phương án có thể chia làm nhiều đợt xét tuyển theo từng mức điểm từ cao xuống thấp để giảm rủi ro cho thí sinh và giảm thí sinh "ảo" cho các trường. Trong đó, các trường nhóm trên có thể kết hợp với nhau thực hiện tuyển sinh bằng phần mềm xét tuyển và cơ sở dữ liệu thí sinh đăng ký chung để giảm ảo, tạo thuận lợi cho cả thí sinh và nhà trường.
Hiện Bộ đang lấy ý kiến đóng góp từ các trường, các tổ chức, cá nhân để có thể đưa ra phương án xét tuyển đại học, cao đẳng tốt nhất cho năm 2016. Trong khi đó, các trường đại học cho biết họ cũng bắt đầu nghiên cứu các phương án tuyển sinh cho mình để có thể sớm công bố cho thí sinh biết ngay sau khi Bộ chốt về vấn đề này./.
Theo VIETNAM+