Giáo sư Lê Thước

27/11/2011 16:41

(Baonghean.vn) Giáo sư Lê Thước sinh năm 1891 tại làng Trung Lễ, xã Ngu Lâm, nay là xã Đức Trung, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà...

(Baonghean.vn) Giáo sư Lê Thước sinh năm 1891 tại làng Trung Lễ, xã Ngu Lâm, nay là xã Đức Trung, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp Quốc học Huế năm 1909, ra dạy tiểu học tại Vinh. Thời gian tiếp theo, ông học thêm chữ Hán và năm 1918 đi thi, đỗ Giải nguyên (tức đỗ đầu thi Hương) ở trường Nghệ. Lại tiếp tục công việc vừa dạy, vừa học, năm 1921, ông tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, về làm Hiệu trưởng Trường Cao Xuân Dục, Vinh, kiêm chức thanh tra các trường sơ học và tiểu học tại Nghệ An.

Bởi thế, trong Tổng niên giám Đông Dương (Annuaire Général de L’ Inđochine) ở mục Thanh tra các trường Pháp - Việt có ghi “1922-23: Pihé: Đốc học và Lê Thước: tập sự”. Không lâu, ông lại được chuyển sang dạy tại Quốc học Vinh. Vì thấy ông thường liên lạc với các cựu chính trị phạm như Lê Huân, Nguyễn Đình Kiên và các nhà tân học hoạt động chính trị như Tôn Quang Phiệt, Trần Phú, Hà Huy Tập, Trần Mộng Bạch, Phan Kiêm Huy…nên năm 1927 nhà cầm quyền đổi ông ra trường Xarô (Albert Sarraut), để qua tiếng Pháp mà dạy tiếng Việt cho số học sinh phần đông là con các quan chức và các nhà tư sản người Pháp. Sau đó, người ta chuyển ông lên dạy tại Cao Bằng rồi lại về Thanh Hoá. Đến năm 1943, ông phải về hưu. Chắc vì ông là một thầy giáo có tinh thần yêu nước, ghét cường quyền?!

Hơn ba mươi năm dạy và học ấy, giáo sư Lê Thước đã để lại trong các môn sinh những ấn tượng đẹp đẽ. giáo sư, nhà khoa học Nguyễn Xiển đã viết trên báo Tổ quốc (số 10- 1975): “Thu hoạch quý hơn hết trong thời gian chúng tôi theo học ở Trường quốc học Vinh là những bài giảng của cụ (Lê Thước) là về tiếng Việt, tiếng Pháp và lịch sử. Tập luận án tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm của cụ có nhan đề “Hán học Việt Nam”, lần đầu tiên nêu vấn đề Ý thức dân tộc trong lịch sử nước ta… dạy cho chúng tôi phải yêu tiếng mẹ đẻ. Cụ đã gây cho chúng tôi lòng tự hào đối với di sản văn học của nước nhà…”. Phần thứ hai là những trước tác của Lê Thước. Đến lúc ấy ông đã có các sách: Truyện cụ Nguyễn Du (1924), Sự nghiệp và văn chương Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ (1928) và ăm ắp vốn tư liệu vê những công trình khảo cứu lịch sử và văn học mà ông đang ấp ủ.

Nghỉ hưu lúc mới 52 tuổi, Lê Thước trở về với điền viên, cày ruộng và dạy cho con cháu học. Tất nhiên, con người chính trong ông vẫn là nhà nghiên cứu. Cách mạng Tháng Tám thành công, Lê Thước vui được làm người dân của một nước độc lập tự do. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông cùng gia đình hăng hái gương mẫu trong các nghĩa vụ ở hậu phương. Ông có con trai là Lê Thiệu Huy, hy sinh trên sông Mê Công vào tháng 3-1946, khi đang làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào. Một con trai khác bị thương và một con rể của ông hy sinh trong kháng chiến.

Mùa thu năm 1954. Lê Thước được mời ra công tác ở Vụ Bảo tàng thuộc Bộ Văn hoá rồi làm ở Ban Tu thư của Bộ Giáo dục. Công việc của ông chủ yếu là dịch và hiệu đính sách cùng các tài liệu lịch sử, văn học Hán - Pháp. Một điều vô cùng quý khác là ông luôn luôn niềm nở góp ý, giúp đỡ đối với các lớp nghiên cứu trẻ. Họ biết ơn ông, một bậc thầy đạo cao đức trọng. Năm 1964, ông xin nghỉ.

Thế là trong đời mình, ông có hai lần về hưu. Nhưng cả với lần thứ hai này, đối với ông, về hưu không có nghĩa là thôi không làm công việc nghiên cứu nữa. Vẫn như trước kia, từ đó ông còn có nhiều bài viết quan trọng in trên cá tạp chí Văn học, Lịch sử, báo Tổ quốc và chuyên mục Tư liệu văn học trên Tuần báo Văn Nghệ.

Điểm qua đôi nét về con đường học vấn, sức tư duy, sự chịu đựng và cống hiến của vị giáo sư họ Lê như vậy để ta tìm xem, trong cuộc đời của ông, nhất là thời gian học ở Quốc học Huế, Lê Thước đã có sự quen biết như thế nào và giữ những kỷ niệm gì đối với người bạn học cùng trường: Nguyễn Sinh Cung (tên khai sinh là Nguyễn Tất Thành)?

Lê Thước thua Nguyễn Sinh Cung 1tuổi, nhưng hồi ở Quốc học, ông học trên cậu Cung 1 lớp. Bởi vì tuổi thơ của cậu Thước có được suôn sẻ hơn so với cậu Cung. Năm 1900, anh em cậu Cung đang sống tại Huế thì thân mẫu của các cậu qua đời. Họ phải theo thân phụ trở về quê ngoại (Hoàng Trù). Năm 1901, sau khi ông Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh cậu Nguyễn Sinh Cung) đỗ Phó bảng, gia đình cậu về lại quê nội là làng Kim Liên (cùng tổng với Hoàng Trù). Mùa Thu năm 1905, cậu Cung mới theo cha trở vào Huế và tiếp tục học ở các trường Pháp- Việt.

Hai người ở cách tỉnh nhưng nếu chịu qua hai con đò (trên sông Lam và phụ lưu của nó là sông La) thì theo đường chim bay, từ Kim Liên sang Trung Lễ độ đường cũng chẳng bao xa. Những năm làm công chức của Lê Thước chủ yếu là tại Vinh. Sau khi đỗ Phó bảng mà chưa đi làm quan, ông Sắc đã sang Đức Thọ dạy học. Cậu Cung cũng được theo bố đến thăm quê hương của các vị lãnh tụ Cần vương nói trên. Rồi đến lúc, hai cậu con trai Lê và Nguyễn lại cùng học một trường, mặc dầu mỗi người có một hoàn cảnh riêng và học cách lớp nhưng họ không thể không có quan hệ với nhau. Đến khi Nguyễn Sinh Cung trở thành lãnh tụ tối cao của dân tộc, là Chủ tịch Hồ Chí Minh, có ảnh hưởng lớn lao cả trên trường quốc tế, Lê Thước không thể không ôn lại chuyện những ngày hai người đã cùng sinh sống. học tập tại Huế. Tuy nhiên, với đức khiêm tốn rất mực của mình, giáo sư không sớm bộc lộ điều gì. Mãi về sau, ta mới biết, tại Phòng tư liệu của Viện Sử học Hà Nội hiện còn lưu giữ ba mẩu hồi ký, với bút tích là những trang chép tay của ông viết về mối quan hệ quý giá ấy...

Giáo sư Lê Thước qua đời vào tháng 10- 1975 tại Thủ đô Hà Nội. Với sự ra đi của ông, chúng ta mất đi một kho tư liệu sống ở một vị Giải nguyên kiêm một giáo sư tân học uyên bác giàu tâm huyết, luôn luôn sẵn sàng đóng góp cho đời!


Chu Trọng Huyến

Mới nhất
x
Giáo sư Lê Thước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO