Giáo viên và nhà trường loay hoay với dạy học tích hợp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Năm học này, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã bước sang năm thứ 3 triển khai với bậc THCS. Tuy vậy, bài toán cho việc dạy học các môn tích hợp vẫn khó tìm lời giải, nhất là trong bối cảnh thiếu giáo viên như hiện nay.

Tái diễn tình trạng giáo viên phải dạy liên môn

Cô giáo Nguyễn Thị Minh là giáo viên hợp đồng đã dạy 3 năm ở Trường THCS Nghi Phương (Nghi Lộc). Dù chưa là giáo viên chính thức nhưng nhiệm vụ của cô ở trường không khác gì một giáo viên trong biên chế, vì vừa đảm nhiệm công tác giảng dạy, vừa làm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, vừa làm giáo viên chủ nhiệm và còn kiêm nhiệm thêm một số môn học khác… Trong đó, khó nhất là dạy học môn Khoa học tự nhiên (tích hợp giữa ba môn Sinh học - Hóa học, Vật lý).

Dù chuyên môn chính là Sinh học nhưng cô giáo Nguyễn Thị Minh - THCS Nghi Phương phải đảm nhiệm thêm nhiều môn học khác.JPG
Nhiều giáo viên ở Trường THCS Nghi Phương đang phải đảm nhiệm nhiều môn học. Ảnh: Mỹ Hà

Trước đó, cô giáo Nguyễn Thị Minh tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Sinh học. Triển khai chương trình dạy học mới, cô đảm nhiệm bộ môn Khoa học tự nhiên và ngoài Sinh học, chị kiêm nhiệm thêm các môn Hóa học – Vật lý. Ngoài ra, cô còn dạy thêm môn Tin học vì trường đang thiếu giáo viên bộ môn này.

Nói về công việc của mình, cô giáo Nguyễn Thị Minh cho biết: “Môn tổ hợp Khoa học tự nhiên là một môn học mới nên việc tiếp cận của học sinh chưa quen. Trong khi đó, giáo viên cũng chưa có nhiều tài liệu để tham khảo. Hiện tại, chúng tôi phải học hỏi rất nhiều từ các đồng nghiệp đi trước hoặc đầu tư thời gian để tìm hiểu các kho tư liệu trên mạng. Trước mỗi bài dạy, chúng tôi phải nghiên cứu bài giảng, qua mỗi bài dạy phải thảo luận với tổ chuyên môn để xem hiệu quả phù hợp hay chưa để có thể điều chỉnh”.

Đã vào năm thứ 3 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng thầy giáo Nguyễn Công Sơn – Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Phương vẫn chưa thôi lo lắng, khi nhiều năm liên tục trường luôn trong tình trạng thiếu giáo viên và đội ngũ giáo viên biệt phái biến động theo từng năm. Việc này ảnh hưởng rất nhiều đến việc bố trí và tổ chức dạy học ở nhà trường. Như hiện tại, trường không có giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học nên tất cả các giáo viên còn lại đều phải kiêm nhiệm thêm một trong các môn học này, dù không có chuyên môn. Ở bộ môn tích hợp Khoa học tự nhiên, theo quy định, giáo viên muốn dạy hiệu quả phải có chuyên môn dạy môn tích hợp. Tuy vậy, hiện nay, nhà trường đang phải điều giáo viên bố trí “2 trong 1”, “3 trong 1”, thậm chí nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, việc nâng cao chất lượng là điều hết sức khó khăn.

bna_Trường THCS Nghi Phương họp bàn giải pháp bố trí giáo viên.jpg
Bước vào năm học mới nhưng nhiều trường học vẫn gặp lúng túng khi bố trí giáo viên. Ảnh: Mỹ Hà

Tại Trường THCS Trà Lân (thị trấn Con Cuông), dù được xem là trường điểm của huyện Con Cuông nhưng trước thềm năm học mới, hiệu trưởng nhà trường cũng phải cân nhắc rất kỹ mới có thể bố trí được giáo viên đứng lớp. Nhà trường cũng không tránh khỏi tình trạng, một giáo viên phải kiêm nhiệm nhiều môn vì không đủ giáo viên, trong đó cô giáo Trần Oanh, giáo viên chuyên môn Vật lý nhưng phải dạy thêm Hóa, Sinh; cô Lê Sa, cô Hồ Hà, giáo viên chuyên môn Toán nhưng lại dạy thêm môn Sinh học. Cô giáo Nguyễn Thị Bích Nguyệt – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Việc dạy kiêm nhiệm chỉ phù hợp với các lớp đầu cấp như lớp 6, lớp 7. Nhưng lên lớp 8, điều này sẽ không hiệu quả vì chương trình nặng, đòi hỏi chuyên môn sâu”.

Băn khoăn về tổ chức các kỳ thi

Hơn 25 năm làm giáo viên môn Vật lý, có nhiều học sinh giỏi nhưng cô giáo Nguyễn Thị Hiệp - Giáo viên Trường THCS Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò) thừa nhận, “chương trình mới khiến cho bản thân gặp nhiều lúng túng, từ cách dạy, cách ra đề, cách kiểm tra và cả cách đánh giá học sinh”.

Ở Trường THCS Nghi Thủy, thay vì giáo viên phải dạy liên môn thì nhà trường vẫn cố gắng sắp xếp để các giáo viên đều dạy độc lập. Tuy nhiên, việc chỉ một môn Khoa học tự nhiên nhưng lại có đến 3 giáo viên Lý – Hóa – Sinh cùng dạy lại dẫn đến những khó khăn trong việc tổ chức dạy học.

Tiết học Vật lý của Trường THCS Nghi Thủy - thị xã Cửa Lò.jpg
Tiết học Vật lý dành cho học sinh lớp 8 của Trường THCS Nghi Thu - thị xã Cửa Lò. Ảnh: Mỹ Hà

Chia sẻ về điều này, cô Hiệp nói thêm: “Năm ngoái, chúng tôi tổ chức dạy học theo chuyên đề, nghĩa là hoàn thành xong phân môn này rồi mới tiếp tục dạy môn khác. Vậy là có thời điểm chúng tôi dạy trên 25 tiết/tuần, dù quy định của giáo viên THCS chỉ 19 tiết/tuần. Nhưng có thời điểm chúng tôi lại rảnh rỗi vì đến thời gian của phân môn khác. Nhưng năm nay, nhà trường lại thay đổi cách dạy, thay vì dạy theo chuyên đề, chúng tôi lại được bố trí độc lập theo từng môn. Nhưng điều này lại dẫn đến những cái “trái” nhau. Ví dụ, hiện tôi đang dạy những bài đầu tiên của Vật lý lớp 8 nhưng sách giáo khoa lại phân bổ đến chương 3, bài 8. Trong khi các em học môn Sinh lại học ở tận chương VIII, rất bất hợp lý”.

Cô giáo Nguyễn Thị Hiệp còn cho biết, mục đích của môn tích hợp Khoa học tự nhiên là để tạo một chuỗi logic có sự liên kết giữa các môn. Tuy vậy, qua thực tế giảng dạy 3 năm lớp 6,7,8, cô nhận thấy kiến thức liên thông giữa các môn không nhiều. Vì vậy, tổ chức dạy học như môn tích hợp hiện nay là bất cập và không phù hợp với thực tiễn ở cơ sở.

Trước đó, trong 2 năm đầu tiên triển khai, cô còn gặp khó khăn trong việc triển khai bài kiểm tra của học sinh. Vì thế, dù đã 3 lần thay đổi cách thức kiểm tra nhưng cô vẫn chưa hài lòng. “Lần thứ nhất chúng tôi ra đề chung có sự liên kết cả 3 môn nhưng đến khi chấm bài thấy rất lúng túng. Lần 2 chúng tôi ra đề theo từng môn thì gặp khó khăn khi chấm bài, khi vào điểm. Lần 3, chúng tôi ra đề theo hình thức trắc nghiệm, có đáp án sẵn giáo viên dễ chấm hơn vì nhìn vào đáp án là có thể chấm điểm. Nhưng cuối cùng, các giáo viên lại không biết được năng lực của học sinh mình đến đâu vì một giáo viên có thể chấm đến 3 môn mà không cần biết chất lượng bài làm của học sinh”, cô Hiệp chia sẻ.

Chương trình giáo dục phổ thông mới đang khiến nhiều trường THCS gặp nhiều khó khăn.jpg
Chương trình Giáo dục phổ thông mới khó khăn cho cả người dạy và người học. Ảnh: Mỹ Hà

Năm học 2023 – 2024, được xem là năm học tăng tốc bởi hiện tại Chương trình giáo dục phổ thông mới đã triển khai ở các lớp 6,7,8 và năm sau sẽ về đích. Vậy nhưng, cho đến thời điểm này, việc tổ chức dạy học và việc triển khai các kỳ thi vẫn chưa khỏi lúng túng.

Nói về điều này, cô giáo Trần Thị Thúy Thanh – Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Thủy nói thêm: “Năm lớp 8, học sinh THCS sẽ bắt đầu tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp thị, cấp thành phố. Nhưng hiện tại chúng tôi chưa có hướng dẫn các em sẽ thi môn gì. Nếu thi theo môn tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội thì học sinh sẽ học quá tải vì các em phải học từ 2 – 3 môn. Nhưng nếu chia các môn riêng lẻ ra để thi thì không đúng với tinh thần đổi mới, học môn gì thi môn ấy. Kỳ thi đã sắp bắt đầu nhưng trường chúng tôi vẫn còn lúng túng và đến nay vẫn chưa thành lập được đội tuyển”.

Đây cũng là tình trạng chung ở tất cả các trường học khác trên địa bàn tỉnh. Nhiều giáo viên còn lo ngại, học sinh ở bậc THCS, áp lực lớn nhất là kỳ thi chuyển cấp vào lớp 10, kỳ thi vào các trường chuyên. Vậy với môn học tích hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội liệu sau này các lớp chuyên truyền thống như Lý, Hóa, Sinh, Địa, Lịch sử có còn, hay sẽ có những môn chuyên mới để phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018? Trong khi vẫn chưa có một hướng dẫn cụ thể thì các nhà trường, các giáo viên và cả học sinh sẽ vẫn còn gặp nhiều hoang mang trong việc tổ chức dạy, học và tham gia các kỳ thi.

Để tạo điều kiện cho các nhà trường trong quá trình tổ chức dạy học, năm nay Sở Giáo dục và Đào tạo cũng có những điều chỉnh như đối với môn Khoa học tự nhiên, các nhà trường có thể chủ động phân công giáo viên dạy học môn học bảo đảm yêu cầu phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên và có thể xây dựng kế hoạch dạy học, bố trí thời gian, thời điểm dạy học các mạch nội dung linh hoạt trong từng học kỳ. Tuy nhiên, các câu hỏi khác hiện vẫn chưa có giải đáp và đang chờ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trước đó, tại hội nghị tổng kết năm học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, sẽ điều chỉnh môn tích hợp và đảm bảo không gây xáo trộn quá nhiều. Về phía các giáo viên và các nhà trường mong muốn trước khi thay đổi, Bộ cần lắng nghe ý kiến từ cơ sở để việc tháo gỡ được sát với thực tiễn và phù hợp với nguyện vọng của giáo viên, học sinh.

tin mới

Bản đồ

Hướng về các ngày lễ lớn của dân tộc, thế hệ trẻ gửi nhiều thông điệp về tình yêu đất nước

(Baonghean.vn) - Những ngày tháng Tư lịch sử, đất nước hướng về các ngày lễ trọng đại: Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, những hình ảnh hào hùng đó một lần nữa lại được thế hệ trẻ tái hiện với nhiều thông điệp ý nghĩa.

Thư viện

Để sách trở thành người bạn của học trò

(Baonghean.vn) - Internet phát triển, điện thoại di động, mạng xã hội và rất nhiều mối quan tâm khác khiến giới trẻ ngày nay không còn nhiều người mặn mà với sách. Chính vì thế, gây dựng và phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường là điều hết sức cần thiết, dù với ở độ tuổi nào.

Sáp nhập

Sáp nhập trường lớp ở huyện Thanh Chương: Trao cơ hội học tập tốt nhất cho học trò

(Baonghean.vn) - Sáp nhập trường lớp là xu hướng tất yếu nhằm tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học của các trường. Đây cũng là mục tiêu huyện Thanh Chương đang kiên trì thực hiện, với mong muốn đem đến môi trường giáo dục tốt nhất cho các học trò.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.

Trường nghề

Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Lớp 12

90 ngày 'đếm ngược' của sỹ tử lớp 12

(Baonghean.vn) - “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” là phong trào thi đua đang được các trường học trong toàn tỉnh triển khai, với mục tiêu cùng với ngành Giáo dục tỉnh nhà tăng ít nhất 4 bậc về thứ hạng trong mùa thi năm nay.