Giàu nhờ nuôi ba ba

22/08/2015 13:26

(Baonghean) - Tại xã Tăng Thành (Yên Thành) hiện có nhiều hộ nông dân giàu lên nhờ nuôi ba ba.

Xóm 7 có hàng chục hộ nuôi, trong đó anh Thái Hữu Hiền được mệnh danh là “vua ba ba”; anh kể: Trước đây cả làng này theo nghề nuôi rắn độc, nguy hiểm lắm. Năm 1999 tôi bị rắn cắn phải chặt đi một ngón tay, nên bỏ nghề nuôi rắn chuyển sang nuôi ba ba. Năm 2000 tôi đầu tư trên 20 triệu đồng nuôi quy mô chỉ 30 m2 với giống ba ba Thái Lan và ba ba miền (ba ba rừng). Vụ đầu tiên nuôi thất bại do ba ba bị dịch bệnh chết gần hết. Tôi lại lặn lội vào Hà Tĩnh học hỏi các mô hình nuôi ba ba, về đầu tư lại hoàn toàn, xây dựng ao ở nơi dễ thoát nước, có nguồn nước độc lập đảm bảo cấp nước sạch không bị ô nhiễm, có cả chỗ cho ba ba nghỉ ngơi dưới nước và trên bờ. Giai đoạn này tôi chủ yếu nuôi ba ba thương phẩm giống Thái Lan lấy ở Hà Tĩnh, quy mô nuôi từ 250 - 300 con. Nhờ đáp ứng được các tiêu chí kỹ thuật nên ba ba không bị dịch bệnh, phát triển tốt; cứ nuôi 1 năm là cho thu hoạch, trọng lượng bình quân 3 kg/con, bán với giá 250.000 đồng/kg, thu về trên 200 triệu đồng/năm...

Ông Thái Hữu Hiền bên trang trại ba ba.
Ông Thái Hữu Hiền bên trang trại ba ba.

Được biết từ năm 2010 lại nay, do thị trường ưa chuộng ba ba miền (giống ba ba rừng) nên anh Hiền đã đầu tư kinh phí để nuôi. Giống ba ba miền rất đắt, phải đặt hàng ở tận Lào Cai, mỗi con ba ba giống nặng 1 kg giá khoảng 1 triệu đồng. Trong năm 2012 anh Hiền nuôi trên 150 con ba ba miền, tỷ lệ sống đạt trên 70%. Để tạo thêm việc làm cho bà con hàng xóm, anh Hiền vận động nhiều hộ nuôi ba ba, anh chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật. Có rất nhiều hộ tích cực nuôi với quy mô 25 - 50 con ba ba miền. Anh Hiền lý giải: Chỉ 25 con ba ba, tỷ lệ sống đạt 20 con, sau 1 năm nuôi có thu hoạch 3 kg/con, giá 700.000 đồng/con đã có thu 42 triệu đồng.

Riêng xóm 7 hiện có gần 20 hộ nuôi ba ba, nhờ tăng số hộ nuôi nên mọi nhà dễ dàng liên kết cùng nhau bảo vệ ba ba khỏi mất trộm, đặc biệt là tạo được vùng sản xuất hàng hóa thuận lợi cho tiêu thụ. Đến thời điểm này, tại vườn nhà anh Hiền có 6 ao nuôi to nhỏ đều được kè. Các loại ba ba đều được phân theo lứa tuổi để nuôi cho phù hợp. Anh Hiền chỉ tay ra ao: Hiện có trên 500 con ba ba, trong đó có 300 con ba ba miền và 200 con rùa... Nuôi quy mô này nếu không rủi ro thì doanh thu hàng năm đạt trên 600 triệu đồng. Nhờ nghề nuôi ba ba mà gia đình anh Hiền đã có tiền tu sửa lại nhà cửa cho khang trang, sắm sửa khá đày đủ các tiện nghi sinh hoạt, nuôi con cái học hành chu tất.

Hộ anh Đào Văn Khai ở xóm 2, Tăng Thành cũng khám khá nhờ nuôi ba ba. Trước đây nhà làm ruộng, đủ ăn đã khó. Thấy mô hình nuôi ba ba của anh Thái Hữu Hiền hiệu quả, anh Khai đã mạnh dạn đầu tư nuôi. Năm 2008 anh đã dốc hết tiền của, vay mượn, đào ao trên 700 m2, nuôi hơn 1.000 con giống ba ba Thái Lan trị giá gần 100 triệu đồng. Do thiếu kinh nghiệm nuôi nên ba ba chết nhiều, lỗ. Anh Khai vẫn không bỏ cuộc, kiên trì nghiên cứu tài liệu và nhờ anh Hiền tư vấn về kỹ thuật. Năm 2009 anh Khai tiếp tục thả trên 1.000 con giống ba ba Thái Lan, nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên vụ ấy thắng lớn, được gần 800 kg ba ba, bán với giá 300.000 đồng/kg, doanh thu gần 240 triệu đồng. Tiền ấy anh Khai chủ yếu để đầu tư cải tạo, nâng cấp ao. Rồi anh vào Hà Tĩnh học nghề ấp trứng ba ba để chủ động nguồn giống cho mình và cung ứng cho bà con xung quanh. Anh mua trứng ba ba ở Hà Tĩnh rồi xây lò ấp, riêng từ nghề này cũng thêm thu nhập từ 120-150 triệu đồng/năm.

Theo anh Khai, nuôi ba ba không khó lắm, vấn đề là phải biết cách để phòng dịch bệnh cho ba ba. Còn khâu chăm sóc cho ăn khá đơn giản, ba ba là giống tạp ăn, tận dụng xác chết của động vật, ăn các loại cá tạp được mua ở vùng biển, xen thêm loại rau, chuối, cám. Từ năm 2012, anh Khai tập trung nuôi thêm trên 250 con ba ba miền, đạt 600 kg/lứa bán với giá 700.000 đồng/kg, thu về 420 triệu đồng. Như thế, tổng doanh thu từ ba ba của gia đình anh Khai khoảng 700 triệu đồng/năm. Năm 2015 này, anh Khai mạnh dạn thuê vùng đất ở cánh đồng kém hiệu quả, khoảng trên 1.000 m2, thuê máy xúc đào 3 ao để nuôi ba ba gai; hiện đã hoàn chỉnh được 1 ao và tiến hành nuôi trên 100 con ba ba miền, số tiền giống 100 triệu đồng. Anh Khai chia sẻ thêm: Ba ba miền có trọng lượng lớn, gấp đôi so với ba ba thường. Chất lượng thịt ngon, thơm hơn các loại ba ba thông thường nên bán rất được giá. Nguồn giống ba ba rừng này lâu nay rất khan hiếm chủ yếu phải mua ở các tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái... Chúng tôi đã từng mày mò để nhân giống ba ba miền nhưng không được, vì nơi nhân giống cần có địa điểm khe suối, thác nước nhỏ. Tuy nhiên, hiện nay tại xã Thanh Đức (Thanh Chương) đã có một cơ sở nhân giống thành công loại ba ba rừng; đó là một thuận lợi cho chúng tôi trong chủ động nguồn nuôi thả...

Trong năm 2015, xã Tăng Thành đã cho đấu thầu hàng chục ha đất trồng lúa kém hiệu quả để bà con chuyển sang nuôi ba ba; đến nay, toàn xã có gần 100 hộ nuôi, tập trung ở các xóm 2, 3, 6, 7. Số hộ nuôi ba ba với quy mô lớn còn ít, chủ yếu nuôi quy mô nhỏ. Có thể khẳng định nghề nuôi ba ba là một trong mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương, hàng năm cho doanh thu từ 5-6 tỷ đồng. Xã Tăng Thành đang xây dựng website quảng bá thương hiệu ba ba và có kế hoạch thành lập Hội nghề nuôi ba ba...

Văn Trường

Mới nhất
x
Giàu nhờ nuôi ba ba
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO