Gieo cấy giống mới ở Tân Kỳ: Hiệu quả nhờ trình diễn tập trung
(Baonghean) - Gieo cấy trình diễn giống mới để chọn ra những bộ giống phù hợp với đất đai, khí hậu tại địa phương là rất cần thiết. Tuy nhiên, lâu nay huyện Tân Kỳ gieo cấy giống lúa, ngô trình diễn rải rác trên nhiều xứ đồng, khiến công tác đánh giá hội thảo đầu bờ không khách quan, mất nhiều thời gian và tốn kém. Vụ xuân vừa qua, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tân Kỳ đã đổi mới bằng cách gieo cấy trình diễn tập trung, mang lại hiệu quả cao trong công tác hội thảo đầu bờ.
Trên cánh đồng Trường Bảy, của xóm Viên Thái, xã Nghĩa Thái, huyện Tân Kỳ, lúa xuân chín vàng rực. Một vài đám ruộng bà con đang tất bật thu hoạch lúa. Dưới cái nắng như đổ lửa, những giọt mồ hôi chảy thành dòng, ướt đẫm vạt áo, nhưng nắng nóng không làm vơi niềm vui được mùa của bà con.
Lão nông Nguyễn Trọng Sơn dạo quanh đám ruộng của nhà mình, gật đầu phấn khởi, bởi theo ông, chưa khi nào gia đình có được ruộng lúa đẹp thế này. Ông cầm trên tay vài bông lúa, nhìn thật kỹ từng hạt một, rồi hồ hởi khoe rằng: “Cả bông lúa chín vàng, không có hạt lép nào, năng suất chắc sẽ đạt 3,5 tạ/sào. Giống lúa mà gia đình tui được cấy trình diễn trong vụ xuân này là Bắc thơm 9. Cũng quy trình chăm sóc như thế, nhưng giống lúa này ít sâu bệnh, lúa trổ đều, bông dài, hạt lúa chắc mẩy, chín đều, khác hẳn với các giống lúa thường gieo cấy trước đây. Chưa biết chất lượng gạo như thế nào, nhưng đứng cạnh đám ruộng đã dậy mùi thơm của hương lúa”.
Cạnh đó là đám ruộng 1,4 sào của lão nông Trần Văn. Khác với ruộng của ông Sơn, ông Văn cấy trình diễn giống lúa Gia lộc 159, nhưng theo đánh giá của ông, giống lúa này năng suất sẽ không cao hơn so với các giống lúa trước đây gia đình thường gieo cấy. Dù hơn hay kém, nhưng không ai phàn nàn, ngược lại họ đồng tình với cách trồng lúa trình diễn tập trung như thế này. Vụ này có thể giảm năng suất, nhưng vụ sau chắc sẽ bội thu, bởi đã chọn ra giống lúa phù hợp hơn.
Kiểm tra giống lúa mới Bắc thơm 9 trên cánh đồng Trường Bảy, xã Nghĩa Thái. |
Anh Nguyễn Văn Trình, Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện đi cùng, cho biết: Được sự phối hợp tích cực của chính quyền địa phương, và sự nhất trí cao của bà con nông dân, trên cánh đồng này, chúng tôi gieo cấy trình diễn 5 giống lúa thuần: DQ 11, Hồng Quang 15, Gia lộc 159, Thiên ưu 8, Bắc thơm 9 và 4 giống lúa lai: Thịnh dụ 11, Phúc ưu 868, Tép vàng, Xuyên hương 178. Mỗi giống lúa, chúng tôi gieo cấy trên diện tích 4 - 5 sào. Kết quả cho thấy, có 4 giống lúa phù hợp với đồng đất này, quá trình lúa sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất cao nhất, ước đạt trên 3 tạ/sào, đó là Thiên ưu 8, Xuyên hương 178, Thịnh dụ 11 và Bắc thơm 9. Anh Trình cho biết: Những giống lúa này, các huyện miền xuôi đã gieo cấy nhiều vụ, nhưng với Tân Kỳ coi như là giống mới, tạo được sự hào hứng cho bà con.
Trước khi thực hiện gieo cấy các giống lúa trình diễn, Trạm cam kết với nông dân, nếu giống lúa nào không phù hợp, năng suất thấp kém sẽ được đền bù, do vậy gia đình nào cũng nhiệt tình thực hiện. Trước khi bà con thu hoạch lúa, Trạm đã tổ chức hội thảo đầu bờ, với sự có mặt chứng kiến của chính quyền các xã trong huyện và bà con nông dân trong xã Nghĩa Thái. Sở dĩ chúng tôi chọn cánh đồng này để cấy lúa trình diễn là do cánh đồng này chủ động được nguồn nước, bà con nông dân có kinh nghiệm thâm canh lúa và sự quan tâm tích cực của chính quyền địa phương. Để khẳng định một lần nữa, vụ mùa này, Trạm Bảo vệ thực vật huyện tiếp tục phối hợp với bà con nông dân Nghĩa Thái gieo cấy trình diễn 4 giống lúa đã được khẳng định trong vụ xuân vừa qua. Nếu thấy phù hợp, Trạm sẽ báo cáo với UBND huyện để mở rộng diện tích, tạo điều kiện cho bà con trong huyện tiếp cận với những giống lúa mới năng suất cao hơn.
Bà con nông dân ở đây bộc bạch, cánh đồng này hoàn toàn phụ thuộc nguồn nước tưới bằng hệ thống thủy lợi của trạm bơm, lấy nước từ dòng Sông Con, nên khi lúa chín vàng, trạm bơm ngừng hoạt động, đất ruộng khô, nông dân thu hoạch lúa rất thuận lợi. Ngoài hạt lúa, bà con còn tận dụng rơm làm thức ăn cho trâu, bò. Không đưa máy móc vào đồng ruộng, mà gia đình nào cũng gặt theo truyền thống, gánh về sân, gọi máy đến tuốt, rơm được phơi phóng cẩn thận, gác lên ràn, làm thức ăn dự trữ cho trâu, bò. Với những giống lúa mới, hạt gạo thơm ngon, thì rơm rạ cũng thơm. Nhà nông là thế, chấp nhận vất vả mấy ngày mùa thì mới tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp để chăn nuôi. Về mùa Đông giá rét, trâu, bò phải nuôi nhốt trong chuồng, rút rơm cho chúng nhai cả ngày. Thứ rơm được cất trữ ở vụ xuân này là tốt nhất, bởi cây lúa sinh trưởng tốt, rơm phơi được nắng, thơm nức.
Là địa phương có thế mạnh sản xuất ngô, với diện tích đất bãi ven sông gần 2.000 ha, hàng năm Tân Kỳ sản xuất 2 vụ ngô, đạt sản lượng khoảng 20.000 tấn ngô hạt. Cũng giống như cây lúa, từ trước đến nay địa phương thường trồng trình diễn một số giống ngô trên nhiều cánh đồng, khiến công tác đánh giá chất lượng giống ngô gặp khó khăn. Vụ xuân hè này, Trạm Bảo vệ thực vật huyện trồng trình diễn 10 giống ngô mới khác nhau trên cùng một cánh đồng tại xã Kỳ Tân.
Đến cánh đồng bãi Mưng của xóm 1, xã Kỳ Tân thời điểm này, ngô xuân hè đang giai đoạn 6 – 7 lá. Ngô được bà con trồng thẳng hàng trên từng luống, được chăm sóc hợp lý nên phát triển đều. Tại nhóm hộ số 1 của gia đình anh Việt và ông Nắm, đám ngô rộng gần 7 sào, những luống ngô đều tăm tắp. Anh Việt cho biết, đây là giống ngô P.4311, do Trạm Bảo vệ thực vật huyện cấp với số lượng 7 kg cho gia đình trồng trình diễn. Trước mắt cho thấy, từ lúc gieo hạt đến nay cây ngô phát triển bình thường, chưa xuất hiện sâu bệnh gì. Theo anh Việt, cách trồng trình diễn các giống ngô mới trên cùng một cánh đồng là phù hợp. Trước đây anh cũng được mời dự hội thảo đầu bờ, nhưng chỉ có một giống ngô được trồng trình diễn, nên dù giống ngô đó cho năng suất cao, nhưng vì không có giống ngô khác để đối chứng, so sánh nên vẫn chưa tin.
Bà con nông dân xóm Viên Thái, xã Nghĩa Thái thu hoạch lúa giống mới. |
Trên cánh đồng này, hiện Trạm Bảo vệ thực vật trồng trình diễn 10 giống ngô, do các đơn vị kinh doanh giống ngô cung ứng: P.4311, GS.6868, NK.6410, CP.501, CP.111, SSC.131, GS9989… với diện tích gần 3 ha. Trong số các loại giống ngô này đã có một số giống đã từng trồng trên đất Tân Kỳ, cho năng suất khá. Nhưng để đánh giá một cách thực tế khách quan với các giống ngô khác, nên đây là điều kiện để bà con nông dân so sánh với các giống ngô khác, nhằm chọn ra những giống ngô chủ lực để trồng đại trà vào vụ sau.
Ông Nguyễn Bá Thức - Trưởng phòng NN&PTNT huyện, cho biết: Từ trước đến nay, việc ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp, luôn được huyện quan tâm thực hiện, trong đó có gieo trồng trình diễn một số giống lúa, ngô cho bà con tham khảo, tuyển chọn. Tuy nhiên, do thực hiện rải rác trên nhiều địa bàn, mỗi địa phương trồng 1 giống khác nhau, nên công tác đánh giá giống lúa, ngô mới tại các buổi hội thảo đầu bờ không được khách quan, vì không cơ sở để so sánh với các giống lúa khác. Việc gieo trồng trình diễn lúa, ngô tập trung trên cùng một cánh đồng như Trạm Bảo vệ thực vật thực hiện ở xã Nghĩa Thái vừa rồi, cho thấy, giảm được kinh phí và giảm bớt thời gian hội thảo đầu bờ. Từ cuộc hội thảo tập trung đó, người dân được so sánh có sự đối chứng giữa các giống lúa với nhau một cách khách quan, nông dân được chọn cho mình giống phù hợp để sản xuất. Qua đây, giúp cho huyện lấy làm cơ sở để chọn những giống phù hợp để gieo cấy đại trà, nhằm tăng sản lượng lúa và chất lượng gạo đảm bảo lương thực cho bà con nông dân.
Xuân Hoàng