Gieo mầm văn hóa đọc

03/04/2015 09:49

(Baonghean) - Với mong muốn tạo thói quen, xây dựng văn hóa đọc cho học sinh, những năm qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực tạo môi trường thu hút học sinh bằng nhiều cách như: Xây dựng các tủ sách hấp dẫn; thư viện thân thiện; thi kể chuyện theo sách; tổ chức ngày hội đọc sách…

(Baonghean) - Với mong muốn tạo thói quen, xây dựng văn hóa đọc cho học sinh, những năm qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực tạo môi trường thu hút học sinh bằng nhiều cách như: Xây dựng các tủ sách hấp dẫn; thư viện thân thiện; thi kể chuyện theo sách; tổ chức ngày hội đọc sách…

Thư viện làng Sen là một không gian rất riêng, nằm yên tĩnh giữa khu dân cư đông đúc của xã Kim Liên - Nam Đàn. Trong thư viện, nguyên tầng 1 rộng hơn 120m2 vừa là nơi trưng bày, vừa là nơi đọc sách, được sắp xếp khoa học, theo chủ đề với nhiều bộ sách quý như “Đại Việt Sử ký toàn thư”, “Đại Nam thực lục” và nhiều cuốn sách văn học kinh điển như: “Cuốn theo chiều gió”, “Những người khốn khổ”, “Thép đã tôi thế đấy”… Và có riêng 1 giá sách về Bác Hồ với hàng trăm cuốn được sưu tầm và lưu giữ nhiều năm nay. Thư viện cũng có một tủ sách thiếu nhi để phục vụ riêng cho các bạn đọc “nhí”, gồm nhiều cuốn sách nổi tiếng đã từng đi theo nhiều thế hệ học trò như “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Không gia đình”…

Ngày hội đọc sách ở Trường Tiểu học Vinh Tân (TP. Vinh).
Ngày hội đọc sách ở Trường Tiểu học Vinh Tân (TP. Vinh).

Thư viện Làng Sen được xây dựng nhờ tấm lòng của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng với mong muốn là nơi tạo nguồn trí thức và hình thành văn hóa đọc cho bà con trong vùng. Sau hơn 6 năm đi vào hoạt động, thư viện đã trở thành điểm đến quen thuộc của người dân xã Kim Liên và các xã lân cận. Với trên 10.000 đầu sách, hiện thư viện đã phát gần 1.000 thẻ đọc và mở cửa hầu hết các ngày trong tuần, kể cả thứ 7, chủ nhật.

Đặc biệt, từ khi có thư viện, con em trong làng đang học ở các trường đại học, cao đẳng khi cần tìm tài liệu tham khảo, hoặc làm luận văn cũng tìm về đây để tra cứu. Riêng về sách giáo khoa, năm nào thư viện cũng ưu tiên cho các học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn được mượn dài hạn. Nhiều bạn đọc của thư viện thấy được hoạt động thiết thực này đã tự nguyện tặng sách, hoặc gửi tặng lại những tờ báo, tạp chí cho thư viện để sử dụng chung. Trung tâm Văn hóa huyện Nam Đàn đã cử 1 cán bộ có chuyên môn quản lý và tổ chức các hoạt động cho thư viện.

Mấy năm trở lại đây, Trường Tiểu học Vinh Tân (TP. Vinh) tổ chức ngày hội đọc sách với nhiều hoạt động bổ ích và hết sức phong phú. Em Phan Chiến Thắng, học sinh lớp 5A nhớ mãi kỷ niệm 2 năm về trước trong ngày hội đọc sách, em được đóng vai Bác Hồ để trình diễn một nội dung trong câu chuyện “Bác Hồ đến với các cháu mồ côi ở trại Kim Đồng”. Đó là một lần “hóa thân” đặc biệt vì lần đầu tiên Thắng được mặc áo bà ba, được đứng giữa thầy cô giáo nhắc lại từng câu nói mà Bác Hồ đã trò chuyện với các bạn ở trại Kim Đồng. Tham gia hoạt cảnh, Thắng cũng hiểu hơn nội dung câu chuyện mà người kể muốn truyền tải, đó là phải biết quý trọng những điều chúng ta có, dù là nhỏ; phải biết quan tâm, giúp đỡ những người nghèo khổ, phải biết thương yêu bạn bè cùng trang lứa…

Ngày hội đọc sách của Trường Tiểu học Vinh Tân thường diễn vào ngày 23/4, ngày “Sách và bản quyền thế giới”. Trong ngày này, các thầy cô giáo sẽ thi trình bày và giới thiệu sách, học sinh sẽ tham gia đóng các trích đoạn về các câu chuyện mà các em được học, thi kể chuyện theo sách; phụ huynh và học sinh cũng sẽ tham gia quyên góp sách cho thư viện hoặc tặng sách cho các bạn học sinh nghèo… Chương trình với nhiều hoạt động phong phú thực sự đã làm thay đổi nhận thức của học sinh và phụ huynh về sách, đặc biệt là trong bối cảnh rất nhiều học sinh của trường còn khó khăn không có điều kiện tiếp cận với sách nhiều.

Qua các hoạt động này, suy nghĩ về sách và thói quen đọc sách của học sinh trong trường chuyển biến tích cực, các em hào hứng hơn về sách và thích thú với những câu chuyện giáo dục đạo đức và cách ứng xử. Cô Nguyễn Thị Thảo - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Văn hóa đọc phải được rèn luyện từ nhỏ và trường học là môi trường tốt nhất để rèn thói quen này cho các em. Hiện ở Trường Tiểu học Vinh Tân, ngoài tổ chức ngày hội đọc sách thì còn xây dựng các tủ sách thư viện lưu động ở các lớp hoặc triển khai nhiều hoạt động thú vị tại thư viện trường như: đọc sách và ra những câu đố vui cho các em giải với mục đích tạo cho các em có thêm khả năng tư duy; giới thiệu sách hay trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, giới thiệu dưới cờ, thông qua chương trình phát thanh măng non của nhà trường, học sinh tham gia sưu tầm và triển lãm văn bản (trang bìa sách, đoạn văn hay, bài thơ hay, hình ảnh đẹp, truyện cười, …).

Thư viện của trường THCS Nghĩa Đồng ( Tân Kỳ)
Thư viện trường THCS Nghĩa Đồng ( Tân Kỳ)

Thư viện Trường THCS Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) được xây dựng với không gian mở theo hướng thân thiện. Tại đây, ngoài việc tham gia đọc sách, học sinh được khuyến khích thể hiện suy nghĩ, cảm xúc ở góc sáng tạo. Rất nhiều học sinh đã chia sẻ những câu chuyện hay, những nhân vật mà các em yêu thích, để từ đó thu hút thêm bạn đọc. Nhà trường cũng đặc biệt ưu tiên đầu tư cho thư viện, trong đó sử dụng công nghệ thông tin vào việc tìm kiếm nhằm tạo thuận lợi cho học sinh trong quá trình tra cứu tài liệu. Nhà trường vừa tổ chức thành công cuộc thi “Sáng tác lại đoạn kết cho truyện cổ tích” với trên 50% học sinh trong trường tham gia hưởng ứng.

Với hình thức như thi viết, vẽ tranh theo từng khối, lớp, cuộc thi là cơ hội để học sinh thể hiện khả năng tư duy, sáng tạo, trí tưởng tượng giúp cho các câu chuyện trở nên mới mẻ mà vẫn mang màu sắc cổ tích. Nhiều bài viết đã biết xây dựng cốt truyện, biết tạo tình huống hẫp dẫn, kịch tính... thể hiện được sự sáng tạo tinh tế, cách nhìn mới, độc đáo, bất ngờ của lứa tuổi học sinh. Mỗi bài viết đều mang tính giáo dục sâu sắc. Nói về vai trò của thư viện và hiệu quả của việc đọc sách, thầy Nguyễn Văn Mạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Đồng cho biết thêm: “Thư viện là nơi để xây dựng thói quen tự đọc, tự học, tự nghiên cứu của học sinh, từ đó khuyến khích các em học và làm nhiều việc tốt theo truyện và từng bước tạo cơ sở thay đổi phương pháp dạy và học, nhất là trong xu hướng đổi mới về cách học hiện nay…”.

Như vậy, bằng nhiều cách làm khác nhau, chúng ta vẫn có thể nhen nhóm và làm lan tỏa tình yêu sách đến với tất cả mọi người, đặc biệt là với những người trẻ tuổi. Để rồi từ những cuốn sách hay, từ những bài học bổ ích… mọi người có thể viết thêm nhiều câu chuyện mới, câu chuyện về sự bao dung, chia sẻ với những cái kết có hậu, đem đến niềm vui và hạnh phúc cho mọi người.

Bài, ảnh: Mỹ Hà

Mới nhất
x
Gieo mầm văn hóa đọc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO