(Baonghean) - Năm 2006, Nghệ An có chủ trương xây dựng các lò giết mổ tập trung nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như an toàn thực phẩm (ATTP) cho người tiêu dùng. Năm 2010, “Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm” được thực hiện tại Nghệ An đã góp phần đáng kể vào vấn đề này. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai gặp không ít khó khăn…
Lò mổ của ông Trần Văn Hòa (xóm 4, Nam Nghĩa, Nam Đàn) là một trong những cơ sở giết mổ gia súc tập trung đầu tiên trên địa bàn Nam Đàn cũng như cả tỉnh. Đi vào hoạt động từ 8 năm nay, thời gian đầu, mỗi ngày đêm cơ sở của ông nhận giết mổ 30 - 40 con gia súc, đến nay, bình quân số bò, dê, lợn, me được đưa vào giết mổ lên đến 100 - 150 con/ngày đêm. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, những cơ sở hoạt động hiệu quả như thế này trên địa bàn tỉnh không nhiều. Theo chủ cơ sở, để làm được, là nhờ sự vào cuộc, ủng hộ quyết liệt của chính quyền cấp xã. Mới đây, được sự cam kết hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới từ Dự án canh tranh nông nghiệp trong chăn nuôi, ông Hòa đã đầu tư trên 4 tỷ đồng để mở rộng, nâng cấp hệ thống cơ sở giết mổ. “Chúng tôi được hỗ trợ 30.000 USD, nhưng phải xây dựng, hoàn thiện, nghiệm thu đạt mọi yêu cầu phía dự án đưa ra thì mới được nhận tiền”, ông Hòa cho biết.
![]() |
Thực phẩm giết mổ bán ở chợ Quán Lau (TP. Vinh) |
Xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc tập trung được coi là giải pháp quan trọng trong việc đưa các sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng cũng như góp phần kiểm soát, hạn chế dịch bệnh phát sinh trên đàn vật nuôi. Quy tập được việc giết mổ nhỏ lẻ vào một điểm tập trung, đảm bảo được khâu vệ sinh, an toàn dịch bệnh, tạo điều kiện cho vấn đề kiểm soát vệ sinh thú y, kinh doanh về động vật trước khi giết mổ. Bằng những chính sách, biện pháp khá quyết liệt, chỉ trong thời gian từ 2006 - 2010, Nghệ An đã xây dựng được 70 cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại hầu hết các huyện, với số vốn đầu tư nhiều tỷ đồng. Thế nhưng đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh chỉ còn 31/63 cơ sở đang hoạt động, nhiều nhất là Yên Thành với 16 cơ sở, Diễn Châu 6 cơ sở, còn lại ở Đô Lương, Nam Đàn và Nghi Lộc. Riêng TP. Vinh, dù đã có 4 cơ sở được xây dựng với quy mô lớn nhưng hiện tại chỉ có 1 cơ sở còn hoạt động với 30 - 40 con lợn được đưa vào giết mổ ngày đêm. Trong khi đó, giết mổ nhỏ lẻ tại hộ đang chiếm phần lớn và ngày càng phát triển. Toàn tỉnh hiện có tới 2.350 hộ tham gia giết mổ. Các điểm này nằm rải rác khắp nơi, chưa kiểm soát được và nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm và lây lan, phát sinh dịch bệnh rất lớn.
Nguyên nhân khiến các cơ sở giết mổ gia súc tập trung hoạt động cầm chừng, èo uột và thậm chí “chết” hẳn, trước hết do những thói quen cố hữu của người dân. Tình trạng giết mổ cũng như tiêu thụ sản phẩm được giết mổ nhỏ lẻ, tự phát tồn tại từ lâu và chưa dễ thay đổi trong nhận thức người kinh doanh, tiêu dùng. Không giống như nhiều địa phương khác, ở Nghệ An, khi đưa gia súc đến các lò giết mổ, người có nhu cầu giết mổ ngoài việc trả tiền phí thuê lò, kiểm tra thú y, còn phải tự mình giết mổ gia súc hoặc thuê làm. Ông Trần Văn Hòa cho biết: “Phí thuê lò là 20 nghìn đồng/con lợn, 30 nghìn đồng/con me, nhưng nếu thuê giết mổ thì phải bỏ thêm 70 nghìn đồng/con me và 50 nghìn đồng/con lợn nữa”. Do đó, người làm nghề giết mổ luôn tìm cách trốn tránh không đưa gia súc vào cơ sở giết mổ tập trung vì vừa mất phí, vừa phải tự làm. Số gia súc giết mổ tập trung quá ít so với số được giết mổ thực tế, dẫn đến hiệu quả hoạt động của các cơ sở giết mổ không cao, ảnh hưởng lớn đến việc duy trì hoạt động, triển khai nâng cấp cơ sở giết mổ cũ và xây dựng cơ sở mới. Điều này dẫn đến cơ sở vật chất ở các cơ sở giết mổ chưa đảm bảo đầy đủ các yếu tố, điều kiện cần thiết của khâu vệ sinh ATTP, chưa làm tốt khâu xử lý về môi trường. Trong khi đó, hầu hết chính quyền cấp huyện, xã chỉ đạo công tác quản lý giết mổ gia súc tập trung còn thiếu quyết liệt, chưa thực sự quan tâm.
Với cách làm xây dựng mô hình để triển khai ra diện rộng, Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm đã chọn ra 10 lò mổ trên địa bàn các địa phương thuộc vùng dự án để đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất. Với mức đầu tư tối đa 30.000 USD/cơ sở, dự án yêu cầu các cơ sở giết mổ phải đảm bảo quy mô, theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và thiết kế, có khu vực kiểm dịch, nơi giết mổ phải đảm bảo về vệ sinh và an toàn thực phẩm, hệ thống xử lý chất thải rắn, chất thải lỏng nhằm đảm bảo các sản phẩm nước thải của khu lò mổ đã được xử lý tốt trước khi ra môi trường. Ông Lưu Công Hòa, Trưởng phòng Chăn nuôi - Sở NN&PTNT, cho biết: Với những yêu cầu khắt khe như vậy, để xây dựng một cơ sở giết mổ, số tiền đầu tư không dưới 1,5 tỷ đồng và số kinh phí do dự án hỗ trợ chỉ được một phần chi phí xây lắp, số còn lại do chủ cơ sở bỏ ra và chỉ được nhận tiền hỗ trợ khi công trình đã được nghiệm thu xong.
Bởi vậy, việc giải ngân, giám sát, quản lý chất lượng và đăng ký thêm số chủ lò mổ đủ điều kiện tham gia dự án còn rất khó khăn. Thực tế, qua khảo sát, rất nhiều hộ dân muốn đăng ký tham gia, nhưng sau khi tìm hiểu về các điều kiện bắt buộc của bên đầu tư, bà con lại chần chừ. Vốn đầu tư xây dựng lớn, trong khi nếu hoạt động theo kiểu như hiện nay thì phần phí thu về sẽ thấp, việc hoàn lại vốn đầu tư không khả thi. Qua 3 năm khảo sát, vận động, đến nay mới chỉ có 2 cơ sở ở Nam Nghĩa (Nam Đàn) và Hợp Thành (Yên Thành) chấp thuận và đã xây dựng xong, 2 lò khác ở Nghi Công (Nghi Lộc) và Diễn Thọ (Diễn Châu) đã có thiết kế và đang tiến hành cải tạo, một lò ở Thượng Sơn (Đô Lương) đã được người dân đăng ký làm.
Trước thực trạng đó, một hướng đi được coi là giải pháp tình huống nhưng đang được coi là cách làm hiệu quả trong giai đoạn hiện nay, đó là hỗ trợ cải tạo các điểm giết mổ có quy mô nhỏ trong vùng dự án. Hiện tại, dự án đang tập trung khảo sát để thực hiện ở 8 cơ sở, trong đó dự án sẽ hỗ trợ sửa chữa, cải tạo mái, xây dựng khu vệ sinh sạch, láng nền, một số thiết bị cần thiết như bàn mổ, bể chọc tiết, thiết bị gây tê… Đây là cách làm rất phù hợp với điều kiện cụ thể hiện tại của Nghệ An. Tuy nhiên, về lâu dài, xây dựng các cơ sở giết mổ có quy mô, thiết kế đảm bảo là hướng đi cần phải tính đến và tập trung thực hiện.
Để hình thành cơ sở giết mổ tập trung, tỉnh và các địa phương cần có quy định về việc giết mổ gia súc, gia cầm trong kinh doanh rõ ràng, đồng thời có chính sách đầu tư, có cơ chế ưu đãi hỗ trợ về vốn, đất đai, thuế… để khuyến khích đối với những thành phần, nhất là doanh nghiệp tham gia đầu tư. Trong đó, điểm giết mổ tập trung phải được tính toán kỹ lưỡng, vừa có thể thu hút được tiểu thương cũng như người dân đưa gia súc, gia cầm đến vừa đảm bảo các yếu tố về môi trường. Đồng thời duy trì cả hai phương thức là giết mổ tập trung và giết mổ nhỏ lẻ tại gia đình. Vấn đề là phải tăng cường công tác kiểm soát tại các điểm giết mổ nhỏ lẻ, chính quyền xã, xóm phải vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y để kiểm tra, kiểm soát việc giết mổ, kiểm tra sức khỏe gia súc trước khi giết mổ. Một yếu tố quan trọng tác động đến việc kiểm soát dịch bệnh cũng như bảo vệ quyền lợi, sức khỏe là người tiêu dùng cần có thói quen mua thực phẩm được kiểm dịch rõ ràng.
Bài, ảnh: Phú Hương