Giữ biển quê hương

25/11/2014 09:30

(Baonghean) - Cũng như nhiều miền biển nằm trên dải đất hình chữ S, suốt chiều dài lịch sử, vùng biển quê hương đã trải qua bao sóng gió nhưng rất đỗi oai hùng. Những chiến thắng trên biển đã trở thành hào khí muôn đời của người dân Nghệ An. Hào khí ấy đã tiếp sức cho quân và dân Nghệ An giữ vững ý chí bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương trong tình hình mới.

Bộ đội Biên phòng Nghệ An động viên ngư dân trước lúc ra khơi.
Bộ đội Biên phòng Nghệ An động viên ngư dân trước lúc ra khơi. Ảnh: Trần Hải

Sóng nước Cửa Hội đón đoàn công tác trong đất liền ra thăm cán bộ, chiến sỹ đảo Mắt, đảo Ngư trong ngày bình yên. Những chiếc thuyền vươn khơi, bám biển trở về theo con trăng đầy ắp cá tôm, nụ cười vui trên gương mặt đen sạm vì nắng, gió của ngư dân… Nơi đây, năm 1285, nhân dân Nghệ An dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn đã chặn đánh hướng tiến công từ Nam ra Bắc của giặc Nguyên Mông; các vị vua triều Trần, Lê nhiều lần từng cưỡi thuyền rồng vượt qua vùng biển này để trừng phạt quân Chăm-pa xâm lấn…

Đảo Mắt hiện ra với 3 mặt vách đá dựng đứng, sóng vỗ liên kỳ trận. Tự bao đời nay, đảo Mắt và đảo Ngư là bức tường thành che chắn phong ba bão táp cho mảnh đất Nghệ An. Sử vàng dân tộc khắc ghi: Trong thời kỳ chống Mỹ, đảo Mắt đã đánh 297 lượt máy bay, 64 trận với tàu chiến, bắn cháy 10 khu trục hạm, 2 tàu dương hạm, 1 tàu biệt kích, đánh giải vây cho 3.210 lượt thuyền, cứu vớt 172 người bị nạn”… Giữa trưa trên cao điểm, những chiến sỹ đứng gác ở đây cảm nhận rõ hơn ai hết hết sự khắc nghiệt của mùa Đông sương muối, mùa Hè thiếu nước ngọt. Nhìn về phía Tây cảm nhận rõ sự đổi thay của quê hương để vững chắc tay súng. Đại úy Nguyễn Thanh Thủy, Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn hỗn hợp đảo Mắt nêu quyết tâm: “Trong chiến tranh, đảo Mắt là đơn vị anh hùng, là thành lũy thép bất khả xâm phạm, nơi quân thù phải khiếp sợ cả trên bầu trời lẫn mặt biển. Ngày nay, cán bộ, chiến sỹ trên đảo tiếp tục cầm chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu, tuyệt đối không để bị động trước mọi tình huống của kẻ thù, bảo vệ tuyệt đối an toàn vùng trời, vùng biển của quê hương và trở thành điểm tựa vững chắc cho ngư dân giữa trùng khơi bão tố, xứng đáng với nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó”.

Ở đảo Ngư anh hùng, chúng tôi đã gặp Thượng úy Trần Tố Út, từ Thành đội Vinh, anh viết đơn tình nguyên xin ra đảo trong những này Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Đảo Ngư hôm nay tràn trề sức trẻ.… Lịch sử phát triển của đất nước gắn chặt với việc bảo vệ các vùng biển và hải đảo. Biển rất giàu tài nguyên, nhưng biển chúng ta cũng mặn mòi máu, nước mắt cha ông. Khi Biển Đông “dậy sóng”, vai trò của Hòn Mắt, Hòn Ngự tại Nghệ An càng có ý nghĩa chiến lược. Đại tá Hà Tân Tiến - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: Đảo Mắt và đảo Ngư là căn cứ tiền tiêu có ý nghĩa quan trọng trong tác chiến phòng thủ tuyến biển của tỉnh Nghệ An. Các chiến sỹ ở đây luôn nêu cao quyết tâm chắc tay súng, thực hiện tốt việc sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện bổ sung, khắc phục bão lụt, gìn giữ bình yên cho biển, đảo Tổ quốc.

Về khối 4, phường Nghi Tân (TX.Cửa Lò) thăm người được mệnh danh là “ra đa sống” ông Nguyễn Thanh Trinh - Nguyên là chỉ huy trưởng đội trực chiến Nghi Tân, nghe ông kể chuyện giữ biển quê hương. Gần 50 năm trước, 12 giờ trưa ngày 6/2/1966, trên núi Lò cao điểm 100, Tiểu đội phòng không thuộc Trung đội tự vệ Nghi Tân do ông Trinh chỉ huy đã bắn rơi chiếc F4-H. Ông Trinh kể: Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, giữa những trận mưa bom, nhân dân Nghi Tân không kể già trẻ, gái trai, ai còn sức là ra biển, lên thuyền lấy gạo, vận chuyển vũ khí lên các đoàn xe, thành lập đội vận tải tàu thuyền chuyển lương thực, vũ khí tiếp sức cho miền Nam ruột thịt. Thời kỳ chống quân bành trướng Trung Quốc, nhân dân Nghi Tân lương - giáo đoàn kết một lòng làm hàng nghìn bàn chông phòng địch đánh đổ bộ đường biển. Tiếp nối truyền thống, hàng năm địa phương có 10 - 15 thanh niên xung phong lên đường nhập ngũ, nhiều người tham gia lực lượng hải quân, canh giữ biển, đảo…

Chiến sỹ đảo Ngư luyện tập sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Phan Toàn
Chiến sỹ đảo Ngư luyện tập sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Phan Toàn

Giữ biển quê hương không chỉ là trách nhiệm của tiền nhân, của lực lượng vũ trang chính quy, hiện nay các địa phương trong tỉnh đã có nhiều cách làm thiết thực. Đơn cử, các xã miền biển Quỳnh Lưu đã liên tục mở các lớp tập huấn về thông tin liên lạc trên biển cho thuyền trưởng, máy trưởng trên địa bàn; Ban chỉ huy quân sự các xã ven biển Nghệ An phối hợp với các đồn biên phòng xây dựng trung đội dân quân biển; Các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Thị xã Hoàng Mai đã vận động và tạo điều kiện để ngư dân phát triển tàu đánh bắt xa bờ, vận động ngư dân thành lập được nhiều cụm tàu vươn khơi an toàn trên biển, đánh bắt xa bờ… Trên cầu cảng Lạch Quèn, chúng tôi đã gặp cán bộ Đảng ủy, UBND xã Quỳnh Long ra động viên, tặng quà chúc cho những con tàu chuẩn bị ra khơi gặp nhiều may mắn. Ông Vũ Ngọc Lương, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Long cho hay: “Các phần quà chỉ là 1 lá cờ Tổ quốc, 1 thùng bia hoặc thùng mì tôm và 100 nghìn đồng nhưng nó chứa đựng tình cảm, là nguồn động viên khích lệ cho ngư dân bám biển. Mỗi một ngư dân trên biển chính là một cọc tiêu sống khẳng định chủ quyền”.

Chủ tàu NA 93040 TS, ông Đậu Ngọc Thắng xúc động đón nhận những món quà tình nghĩa của chính quyền Quỳnh Long. Khuôn mặt lão ngư Đậu Ngọc Thắng đen bóng, rắn rỏi màu sóng gió, lão trầm ngâm: Tổ tiên, cha ông chúng tôi gắn liền với biển, có chết cũng phải giữ biển. Và hơn ai hết, chúng tôi hiểu rằng, quyết tâm bám biển vươn khơi, khai thác nguồn lợi hải sản trên vùng biển chủ quyền của đất nước là hành động thể hiện tinh thần yêu nước, ý thức giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. Ông Thắng tâm đắc với nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII về nguyên tắc hành động vì lợi ích quốc gia dân tộc, và phương châm “Vừa hợp tác vừa đấu tranh” của Việt Nam… Tàu ông và nhiều tàu của ngư dân Quỳnh Lưu nhiều lần giáp mặt với tàu Trung Quốc, nhưng họ tuyệt đối không nao núng trước những hành vi ngang ngược của đối phương.

Trên cầu Cảng Lạch Quèn, chúng tôi gặp những chiến sỹ biên phòng đến động viên, thăm hỏi ngư dân. Nhiều năm qua lực lượng biên phòng Nghệ An luôn là điểm tựa cho ngư dân bám biển vươn khơi. Tại thời điểm này, Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận đang thực hiện đợt tuyên truyền giáo dục phổ biến chính sách pháp luật cho học sinh các xã ven biển Quỳnh Lưu. Thượng úy Nguyễn Tiến Lượng, giáo viên đứng lớp, cho hay: Đợt tuyên truyền này bắt đầu từ ngày 26/9 kéo đến hết tháng 11, cho hơn 3.600 học sinh của 10 trường thuộc 9 xã ven biển Quỳnh Lưu. Ở mỗi buổi tuyên truyền, các giảng viên truyền đạt cho các em những kiến thức chung về biển, đảo như lãnh hải, Công ước Luật biển quốc tế, tình hình biển, đảo hiện nay. Xong đợt tuyên truyền cho học sinh, Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận sẽ mở đợt tuyên truyền mới cho ngư dân…

Rời mảnh đất vùng biển, chúng tôi mãi nhớ những vần thơ mà Thượng úy Lượng đọc cho học sinh nghe: “Lịch sử dạy ta rằng đảo, sóng Biển Đông/ Là máu thịt của giang sơn Tổ quốc/ Là một nửa của hồn thiêng đất – nước/ Chẳng thể đem cho, đem bán vật vờ!/ Ta hiểu cuộc đời không phải giấc mơ/ Nên trang sách phải tựa mình bên giá súng”.

Thành Chung

Mới nhất

x
Giữ biển quê hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO