Giữ chân du khách bằng thái độ phục vụ
(Baonghean) - Xây dựng nét đẹp văn hóa du lịch, bên cạnh sự nỗ lực của các ban, ngành, chính quyền địa phương và người dân thì vai trò của nhân lực trong ngành du lịch là rất quan trọng. Sau đây là ý kiến của những người đang trực tiếp làm việc ở các lĩnh vực khác nhau trong ngành du lịch mà PV báo Nghệ An đã có dịp trao đổi.
Anh Bùi Thế Vũ - Hướng dẫn viên Công ty Du lịch Thái Sơn
“Là người miền Bắc, trước khi vào Nghệ An công tác, tôi đã từng làm ở nhiều công ty lữ hành và đã đến gần như tất cả các điểm du lịch nổi tiếng trong cả nước. Theo cảm nhận của tôi, so với nhiều tỉnh, thành khác như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bình Thuận…, dù có tiềm năng rất lớn về thiên nhiên, văn hóa nhưng Nghệ An có quá ít sản phẩm du lịch nên chưa thu hút nhiều du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Do vậy, các ngành chức năng và các đơn vị kinh doanh du lịch cần phối hợp nhiều để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng được nhiều sản phẩm hấp dẫn thu hút và giữ chân du khách.
Tuy nhiên, trước khi tạo thêm các sản phẩm du lịch thì việc tạo dựng ấn tượng cho du khách về một mảnh đất Nghệ An giàu bản sắc văn hóa, độc đáo, mới lạ nhưng lại gần gũi, thân thiện là rất quan trọng, và để làm được điều này, có vai trò không nhỏ của hướng dẫn viên du lịch. Phải khẳng định rằng, hướng dẫn viên du lịch không chỉ có ngoại hình tốt, có sức khỏe, thông thạo ngoại ngữ mà còn phải có kiến thức chuyên sâu về nhiều mặt, đặc biệt là kiến thức văn hóa địa phương nơi có điểm du lịch. Vì công việc của một hướng dẫn viên là người phát ngôn viên cho một địa phương, địa danh nên đòi hỏi các thông tin phải đảm bảo chính xác, cách truyền đạt phải hấp dẫn, giúp du khách có cái nhìn đúng đắn về văn hóa vùng đất đó. Nói cách khác, hướng dẫn viên du lịch chính là “cầu nối văn hóa” giữa khách du lịch và địa phương nơi họ đến.
Nếu tất cả hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn Nghệ An đều ý thức được điều đó thì cùng với việc nỗ lực củng cố kỹ năng giao tiếp, trình độ ngoại ngữ, họ sẽ trở thành những tuyên truyền viên năng động, tích cực trong việc quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người Nghệ An, du lịch Nghệ An đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế”.
Chị Nguyễn Thị Hòa - Nhân viên phục vụ buồng Khách sạn Phương Đông
“Theo tôi được biết, đối với du khách lưu trú, ấn tượng của họ về nhân viên phục vụ ở các cơ sở lưu trú như khách sạn, nhà nghỉ… cũng gần như là ấn tượng ban đầu về người dân ở địa phương nơi có điểm du lịch. Ở khách sạn Phương Đông, trong những năm qua, các nhân viên phục vụ như nhân viên lễ tân, nhân viên buồng phòng thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ giao tiếp với khách hàng, xây dựng phong cách phục vụ chuyên nghiệp.
Đặc biệt, ngoài phong cách phục vụ chuyên nghiệp, tính trung thực, thật thà là yêu cầu hàng đầu mà lãnh đạo khách sạn thường xuyên nhắc nhở nhân viên, nhất là đội ngũ nhân viên buồng phòng. Bởi có như vậy thì khi đến với khách sạn, khách du lịch sẽ có cảm giác như ở nhà mình: ấm áp, thân thiện và an toàn, yên tâm tuyệt đối về tài sản. Bản thân tôi và nhiều anh chị em khác ở bộ phận buồng đã từng tự giác trả lại của rơi nhặt được trong lúc làm nhiệm vụ, trong đó có nhiều tài sản trị giá hàng trăm triệu đồng. Tôi nghĩ, không chỉ lãnh đạo và nhân viên của các cơ sở lưu trú trên địa bàn mà những người bán hàng, những lái xe đưa đón du khách cũng cần thể hiện sự trung thực, thật thà trong quá trình làm việc, giao tiếp với du khách, để hình ảnh con người Nghệ An trở nên thân thiện hơn, đẹp hơn”.
Anh Nguyễn Trọng Bình - Chủ Nhà hàng Bình Cúc, Thị xã Cửa Lò
“Xây dựng “Nhà hàng văn minh” là một chủ trương hết sức cần thiết. Bởi cảnh quan có đẹp đến bao nhiêu, hải sản có ngon đến mức độ nào nhưng nếu những người kinh doanh dịch vụ không thân thiện, văn minh thì sẽ làm mất lòng du khách, khó kéo được du khách trở lại lần thứ hai. Để được công nhận là “Nhà hàng văn minh”, chúng tôi phải đảm bảo các tiêu chí như: phải niêm yết giá công khai và không được nâng ép giá; đội ngũ nhân viên phải có trình độ nghiệp vụ về du lịch, có thái độ phục vụ niềm nở, nhiệt tình; công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm được đảm bảo… Và trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình, tôi cũng luôn suy nghĩ làm thế nào để không chỉ giữ mà còn phát huy danh hiệu “Nhà hàng văn minh”. Vì vậy, những ngày đầu của mùa du lịch 2014 này, tôi thường xuyên chú ý sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất; giám sát, sàng lọc đội ngũ nhân viên để luôn tạo được phong cách phục vụ nhanh nhẹn và niềm nở; đa dạng hóa việc chế biến các món ăn…
Theo cảm nhận của tôi, việc xây dựng “Nhà hàng văn minh” đã tạo ra một phong trào nâng cao chất lượng phục vụ du khách ở các nhà hàng trên địa bàn thị xã, góp phần xây dựng hình ảnh Cửa Lò thân thiện, mến khách. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhà hàng kỹ thuật chế biến món ăn và phong cách phục vụ đơn giản, chưa chuyên nghiệp, mà giá lại đắt. Bên cạnh đó, nguồn hải sản tại địa bàn ít nên các nhà hàng chúng tôi phải lấy từ các địa phương khác nên chưa chủ động được giá cả cũng như chất lượng. Vì vậy, tôi hy vọng rằng trong thời gian tới, các ngành chức năng cần quan tâm khắc phục những tồn tại trên để có thêm nhiều nhà hàng văn minh, thu hút du khách nhiều hơn và cùng nhau phát triển”.
Minh Quân (Ghi)