Giữ dân ca, yêu lấy sân đình

17/12/2014 10:53

(Baonghean) - …Đình làng xứ Nghệ cũng là nơi diễn ra các lễ hội truyền thống, nơi sinh hoạt văn hóa, tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống, văn hoá văn nghệ, hội họp của làng… Trong mường tượng của nhiều người dân quê hương Dân ca ví, dặm, thì loại hình nghệ thuật truyền thống này là một phần gắn bó với không gian diễn xướng sân đình. Ở đó, dưới ánh trăng, đình làng không đèn không đuốc, những nam thanh, nữ tú hát giao duyên, gửi lời đối đáp hẹn hò.

Buổi luyện tập của Câu lạc bộ Dân ca ví, dặm xã Diễn Hoa (Diễn Châu) ở đình Phượng Lịch có sự tham gia đầy đủ của 16 thành viên. Người thợ xây sau buổi trộn hồ xếp gạch, chị nông dân xong việc đồng áng, cháu học sinh được nghỉ học, họ đến đình làng để đàn, hát một cách mê say. Trước là hát điệu, hát bài, sau là phân vai diễn xướng. Sự cuốn hút của ví, dặm đã kéo rất nhiều người dân đến với sân đình thưởng thức…

Tập hát Dân ca ví, dặm ở Đình Phượng Lịch.Ảnh: Thanh Hải
Tập hát Dân ca ví, dặm ở Đình Phượng Lịch. Ảnh: Thanh Hải

Giờ nghỉ giữa buổi tập, ông Cao Văn Bảo, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca ví, dặm xã Diễn Hoa đã kể cho chúng tôi nghe: Đình Phượng Lịch được dân làng xây dựng từ năm 1866 làm nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa của làng; cũng là nơi thờ vọng vị Thành hoàng làng công chúa Hồng Thị Châu Nương (vợ 3 của Thượng tướng Trần Quang Khải). Công chúa đã về đây chiêu dân lập ấp, dạy cho dân cách trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, trồng bông, dệt vải… Nghệ nhân Cao Xuân Thưởng, đạo diễn, “thầy gà” của Câu lạc bộ cho hay: Ngày còn nhỏ, ông đã được các cụ cao niên ở làng kể về những buổi hát ví, dặm ở sân đình này. Và dân ca ví, dặm đã có mặt ở vùng đất Phượng Lịch này từ lâu lắm rồi, có lẽ là từ lúc khai sinh ra nghề dệt vải ở đây. Xưa, vải Bùi Phượng Lịch nổi tiếng lắm, đã có câu thành ngữ rằng: “Sống mặc vải Bùi, chết vùi vàng tâm”; dân ca ví, dặm thì có câu hát “Nguyệt dạ canh trường, năm ba o ta ngồi lại/ Trước thì làm nghề canh cửi, sau thì đàn hát vui chơi/ Mượn trăng, mượn gió thay lời/ Nước non, non nước, tình người thẳm sâu”… Đình là trung tâm chính trị văn hóa của làng xưa, đưa câu lạc bộ ra đây tập là nhằm sống lại không khí đó. Qua những buổi tập, mọi người sẽ yêu, sẽ quý không gian này hơn, qua đó sẽ bảo tồn được đình Phượng Lịch – di tích lịch sử văn hóa, vừa tạo được tác động lan tỏa, tạo sự phát triển cho dân ca ví, dặm.

Theo chị Cao Thị Nga - Trưởng Ban Văn hóa xã Diễn Hoa: Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đình Phượng Lịch được Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch và UBND huyện Diễn Châu giao cho xã Diễn Hoa bảo quản và gìn giữ. Tuy nhiên, ngân sách địa phương có hạn nên việc trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị chưa được nhiều. Trước đây, để phát huy giá trị của đình, huyện và xã đã nhiều lần tổ chức các chương trình biểu diễn ca trù, dân ca ở đây; đã có rất nhiều người dân trong xã cũng như các đoàn khách trong ngoài tỉnh đến xem, tán thưởng nghệ thuật diễn xướng, cũng như các giá trị của công trình này… Di tích đình Phượng Lịch bây giờ dẫu qua nhiều lần tôn tạo song đã hư hại, xuống cấp khá nhiều. Yêu sân đình, yêu dân ca ví, dặm – nghệ nhân Cao Xuân Thưởng tha thiết và mong muốn đưa ví, dặm trở thành sản phẩm du lịch. Việc tổ chức hát dân ca ví, dặm ở đình Phượng Lịch phục vụ du lịch sẽ tạo thêm một điểm đến mới trên địa bàn cùng với biển Diễn Thành, Đền Cuông. Ví, dặm biểu diễn ở sân đình Phượng Lịch hút khách sẽ giúp loại hình nghệ thuật này thêm lan tỏa, địa phương có kinh phí tu bổ đình.

Rõ ràng kiến nghị, đề xuất phát triển dân ca ví, dặm trở thành một sản phẩm du lịch để gìn giữ bảo tồn các di sản văn hóa lịch sử liên quan của nghệ nhân Cao Xuân Thưởng là một ý kiến hay, khả thi khi Dân ca ví, dặm đã trở thành Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An đã có trên 50 Câu lạc bộ Dân ca ví, dặm được thành lập, với khoảng gần 1.500 thành viên. Phong trào đưa dân ca vào trường học và dạy, học hát dân ca trên đài phát thanh - truyền hình được thực hiện từ năm 1996 đến nay đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp, giúp cho các thế hệ người Nghệ hiểu và yêu thích dân ca ví, dặm, góp phần làm cho ví, dặm thấm sâu trong mọi người, nhất là lớp trẻ thanh, thiếu nhi trong cuộc sống hiện nay.

Hiện nay, Nghệ An có trên 100 ngôi đình, trong đó có 20 đình được xếp hạng (12 đình cấp quốc gia, 8 đình cấp tỉnh). Nhiều đình làng đã xuống cấp trầm trọng. Trong những qua, nhiều địa phương đã phối hợp với Ban Quản lý Di tích Danh thắng của tỉnh Nghệ An nghiên cứu để tìm ra phương án trùng tu, phục hồi nguyên trạng. Song thực tế cho thấy, các di tích được xếp hạng thì được cấp vốn nhưng không nhiều, còn các di tích chưa được xếp hạng vẫn chưa có nguồn bố trí để phục dựng, tu sửa. Bà Võ Thị Loan - Trưởng phòng Tu bổ di tích, Ban Quản lý Di tích Danh thắng tỉnh Nghệ An cho biết: Hàng năm, nguồn kinh phí của tỉnh dành cho công tác tu bổ, tôn tạo các di tích khoảng 600 triệu đồng. Nguồn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cũng có, nhưng vì có quá nhiều di tích xuống cấp nên kinh phí phải chia ra nhiều phần và với việc đầu tư dàn trải hiện nay thì hiệu quả mang lại không cao.

Chúng tôi đã về vùng 5 Nam, huyện Nam Đàn nơi có các ngôi đình nổi tiếng Hoành Sơn, Trung Cần đã được giới chuyên môn liệt vào bậc nhất trong hệ thống chùa chiền còn ở miền Trung về nghệ thuật trang trí điêu khắc. Cả hai đình bây giờ đều đã bị xuống cấp trầm trọng, đặc biệt là đình Hoành Sơn có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Tìm hiểu về phía chính quyền địa phương, ông Nguyễn Trọng Canh - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Sơn cho biết: Xã ý thức rõ nguy cơ tồn vong của ngôi đình Hoành Sơn; việc khôi phục đình làng xuất phát từ nhu cầu đời sống của nhân dân, không thể dựa vào nguồn kinh phí của trên, mà cần có sự tham gia đóng góp của Nhà nước và nhân dân, dòng họ, con cháu song ngặt nỗi là rất khó huy động khinh phí khi mà địa phương còn nghèo… Ông Canh cũng bày tỏ mong muốn tạo nên một sản phẩm du lịch Dân ca ví, dặm sân đình ngay tại quê mình để hút khách, có kinh phí khôi phục, tôn tạo di tích.

Phát triển Dân ca ví, dặm, tạo thành sản phẩm du lịch để giữ gìn di tích – điều này hiện đang là trăn trở của những nhà làm chuyên môn cũng như các địa phương. Nghệ sỹ Ưu tú Phạm Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: “Hiện nay khi một số phường nghề phổ biến gần như đã mất đi thì những không gian đó cần được thay thế bằng lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống, đình chùa di tích lịch sử, văn hóa. Không gian này vẫn có thể hút hồn Dân ca ví, dặm khi được diễn xướng tại đây”.

Còn Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Hồng Lựu - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Dân ca xứ Nghệ thì nhìn nhận: “Môi trường bây giờ không như ngày xưa, mình không thể bắt phải có các phường chài, phường cấy, phường vải thủ công được nữa. Nhưng vẫn còn đó những sân đình, đền chùa, di tích. Phát triển Dân ca ví, dặm thành sản phẩm du lịch, diễn xướng ngay tại đình, đền chính là bảo tồn để phát huy và phát huy để bảo tồn”.

Để đưa Dân ca ví, dặm trở thành sản phẩm du lịch, qua đó bảo tồn các di tích không cần những nhà đầu tư có tầm mà chỉ cần những con người có tâm và cơ quan chức năng có trách nhiệm. Việc xây dựng sản phẩm du lịch dân ca ví, dặm có thể thực hiện theo mô hình nhóm hát xoan Phú Thọ, quan họ Bắc Ninh. Khi ấy, các câu lạc bộ không chỉ là nhóm sở thích mà nhóm có mục đính và chắc chắn ví, dặm sẽ phát triển lan tỏa, di tích – không gian diễn xướng sẽ được gìn giữ bảo tồn tốt hơn nữa.

TIN LIÊN QUAN

Thanh Sơn

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Giữ dân ca, yêu lấy sân đình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO