Giữ gìn bản sắc dân tộc - Nét đẹp ở Lam Khê
(Baonghean) - Từ trung tâm xã Chi Khê (Con Cuông), ngược theo Quốc lộ 7A, men theo chiếc cầu treo bắc qua sông Lam, chúng tôi tìm đến bản Lam Khê, nơi cư trú của hơn 180 hộ đồng bào dân tộc Thái. Dừng chân giữa cầu treo và phóng tầm nhìn sang phía tả ngạn, những ngôi nhà sàn lợp ngói hiện ra thấp thoáng dưới những tán cây cao và in bóng xuống mặt sông lững lờ chảy. Trong mắt chúng tôi, Lam Khê hiện ra với vẻ đẹp vừa cổ kính, vừa trù phú và mang đậm vẻ hữu tình.
(Baonghean) - Từ trung tâm xã Chi Khê (Con Cuông), ngược theo Quốc lộ 7A, men theo chiếc cầu treo bắc qua sông Lam, chúng tôi tìm đến bản Lam Khê, nơi cư trú của hơn 180 hộ đồng bào dân tộc Thái. Dừng chân giữa cầu treo và phóng tầm nhìn sang phía tả ngạn, những ngôi nhà sàn lợp ngói hiện ra thấp thoáng dưới những tán cây cao và in bóng xuống mặt sông lững lờ chảy. Trong mắt chúng tôi, Lam Khê hiện ra với vẻ đẹp vừa cổ kính, vừa trù phú và mang đậm vẻ hữu tình.
Đặt chân đến đầu bản, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, vì ở một bản vùng cao nhưng đường đi lối lại đã được đổ bê tông, nhà cửa được sắp đặt và quy hoạch ngay hàng, thẳng lối. Tiếp chuyện với khách, Trưởng bản Kha Văn Dần liền “khoe”: “Năm nay, cán bộ và nhân dân Lam Khê vừa được tỉnh tuyên dương về thành tích thực hiện Cuộc vận động học, noi theo tấm gương đạo đức Bác Hồ. Cả bản ai cũng vui mừng và nhắc nhở nhau phải giữ gìn tình đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế để bộ mặt bản làng ngày càng khang trang, cuộc sống ngày càng vui hơn”.
Theo thông tin của anh Dần, chúng tôi được biết Lam Khê hiện có 182 hộ với hơn 820 nhân khẩu. Nguồn thu nhập chính của bà con dân tộc Thái ở Lam Khê là trồng lúa nước, một phần nữa là từ cây sắn và cây mét. Nhờ sớm biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, năng suất cây trồng luôn đạt mức cao, đời sống thường xuyên được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đều được giảm xuống. Hiện chỉ còn 21 hộ nghèo.
Lam Khê được công nhận danh hiệu Làng Văn hóa từ năm 2005. Là một bản thuần Thái nên Lam Khê có điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng như phát triển kinh tế- xã hội. Điều đó giải thích vì sao bà con ở đây vẫn còn giữ được những nếp nhà sàn, sự hiện diện của những nếp nhà sàn ấy đã góp phần quan trọng làm nên không gian đặc trưng của bản làng người Thái. Theo số liệu của trưởng bản, hiện Lam Khê có khoảng 140/182 ngôi nhà sàn. Những hộ ở nhà đất chủ yếu là các cặp vợ chồng vừa mới ở riêng, chưa có điều kiện dựng nhà sàn. Người già ở đây thường dặn dò con cháu, nhà sàn chính là “hồn” của bản nên cần phải được lưu giữ. Mấy năm trước, người từ dưới xuôi thường lên hỏi mua nhà sàn nhưng tuyệt nhiên trong bản không có hộ nào dỡ bán.
Ở Lam Khê, nghề dệt thổ cẩm vẫn còn được duy trì, những chiếc khung cửi vẫn hiện diện bên hiên nhà sàn. Tính đến thời điểm hiện nay, khoảng 80 hộ trong bản có khung dệt. Chúng tôi tìm đến gia đình bà Kha Thị Tiến, dù đã ở độ tuổi 74, bà vẫn miệt mài với con thoi, cuộn chỉ. Đang làm dở chiếc chân váy, bà Tiến tạm ngừng để trò chuyện với khách: “So với trước, bây giờ mắt bà đã kém, tay đã run, lưng đã mỏi nên làm chậm hơn. Nhưng bà luôn xem chiếc khung cửi là bạn, nó giúp mình tìm được niềm vui, sự khuây khỏa lúc tuổi già. Những ngày đau ốm không ngồi dệt được, bà lại thấy nhớ...”.
Chị Vi Thị Nêu, con dâu bà Tiến là một “tay” dệt có tiếng trong bản. Ban ngày, chị tất bật với đám lúa, với nương sắn, rồi chài cá, bắt cua, lo cái ăn cho cả gia đình. Đêm đến, chị lại ngồi vào khung dệt đến tận khuya. Nghề dệt đã mang lại cho gia đình chị một nguồn thu đáng kể, giúp chị có thêm món tiền để trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Theo chị Nêu, ở Lam Khê, nghề dệt thổ cẩm vẫn còn “đất” sống. Bởi lẽ, phụ nữ Thái ở đây, dù già hay trẻ vẫn còn duy trì thói quen sắm cho mình những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình để mặc vào những dịp cưới hỏi, lễ tết. Trước khi về nhà chồng, các cô gái phải sắm sửa cho mình một ít của hồi môn, trong đó không thể thiếu chăn nệm, váy áo và khăn. Ngày nay không yêu cầu người con gái tự tay dệt lấy nhưng những sản phẩm ấy nhất thiết phải được dệt bằng thổ cẩm.
Bà Kha Thị Tiến (bản Lam Khê) miệt mài với khung cửi.
Lam Khê còn có CLB Dân ca - Nhạc cụ dân tộc Thái, tổng số thành viên 34 người, nhiều lứa tuổi. Anh Lương Văn Nhẫn - chủ nhiệm cho biết: “CLB được thành lập cách đây 3 năm, mục đích là để tập hợp những người yêu thích, đam mê âm nhạc truyền thống, từ đó hướng tới việc bảo tồn, truyền dạy những giá trị văn hóa của cha ông để lại”. Tổ chức sinh hoạt định kỳ, những đêm sinh hoạt đã trở thành đêm hội của bản. Khi tiếng khèn, tiếng hát vang lên, già trẻ, gái trai đều tìm đến thưởng thức, cổ vũ và cùng chung vui.
Đã 74 tuổi, bà Lộc Thị Đoàn không bỏ một buổi sinh hoạt nào. Bà được phân công về đội hát, tuy tuổi cao nhưng giọng hát của bà Đoàn vẫn còn khỏe khoắn. Mỗi khi bà cất lên câu lăm, điệu khắp, người dân trong bản ai cũng muốn lắng nghe. Hàng năm, CLB Dân ca- Nhạc cụ bản Lam Khê thường tổ chức giao lưu với các CLB trên địa bàn huyện Con Cuông. Mỗi lần vậy, bà con dân bản đều tự nguyện đóng góp một ít tiền, nhiều người còn vượt hàng chục cây số đến cổ vũ, động viên.
Người dân Lam Khê luôn phát huy tinh thần đoàn kết cộng đồng, cùng giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Trong đó, phải kể đến việc chăn nuôi trâu bò rẽ. Những gia đình khá giả, nhiều trâu bò, tạo điều kiện cho các hộ còn khó khăn chăn nuôi; trâu, bò sinh lứa đầu thuộc về chủ, lứa sau thuộc về người nuôi. Cứ thế, trong vòng 4-5 năm, nếu đầu tư chăm sóc chu đáo, một gia đình nghèo có thể có được 1-2 con bê hoặc nghé. Người cho nuôi rẽ nhiều nhất bản là ông Kha Văn Thắng, hiện tại ông tạo điều kiện cho 3 hộ gia đình nuôi rẽ trâu. Ông Thắng chia sẻ: “Mình là đảng viên, phải gương mẫu đi đầu trong việc giúp nhau xóa đói giảm nghèo. So với một số hộ khác, gia đình mình có điều kiện hơn nên mình bàn bạc với vợ cho họ nuôi rẽ trâu, vừa giảm được công sức chăn nuôi, lại vừa giúp đỡ được người khác”.
Một điều đáng ghi nhận nữa là ở Lam Khê, gần như không có các loại tệ nạn xã hội. Trong khi tệ nạn ma túy đang tàn phá không ít bản làng vùng cao nhưng ở Lam Khê không hề có người nghiện, thanh niên ở đây đều chăm chỉ làm ăn, không đua đòi, lêu lổng. Lý giải nguyên nhân, Trưởng bản Kha Văn Dần khẳng định, trước tiên là do sự lớn mạnh của chi bộ. Hiện tại, có tới 23 đảng viên, tất cả đều mẫu mực trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách. Chi bộ chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể của bản phát huy, nâng cao vai trò của mình trong công tác quản lý, giáo dục hội viên. Chi hội Phụ nữ, Nông dân, Cựu Chiến binh tổ chức ký cam kết không để con em mình dính vào các tệ nạn xã hội. Chi đoàn thanh niên thường xuyên tổ chức sinh hoạt, kiểm điểm và phổ biến đến tận từng đoàn viên, thanh niên về những tác hại của ma túy, rượu chè, cờ bạc. Vì thế, ý thức của người dân ngày càng được nâng cao, các loại tệ nạn xã hội ít có điều kiện để xâm nhập…
Có thể nói, Lam Khê là một điển hình trong việc thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Tường Anh