Giữ gìn nét đẹp truyền thống của Tết Trung thu
Tết Trung thu không chỉ mang đến cho các em thiếu niên, nhi đồng niềm vui, sự háo hức… mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trong nhịp sống hiện đại, giữ gìn Tết Trung thu là vấn đề cần được quan tâm nhằm góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp tục chăm lo, bồi dưỡng cho thế hệ tương lai của đất nước. Dịp này, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Thị Duyên - Cán bộ giảng dạy môn Phong tục, tập quán Việt Nam của khoa Lịch sử, Trường Đại học Vinh.
Trong nhịp sống hiện đại, giữ gìn Tết Trung thu là vấn đề cần được quan tâm nhằm góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp tục chăm lo, bồi dưỡng cho thế hệ tương lai của đất nước. Dịp này, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Thị Duyên - Cán bộ giảng dạy môn Phong tục, tập quán Việt Nam của khoa Lịch sử, Trường Đại học Vinh.
Minh Quân (Thực hiện) • 16/09/2024
P.V: Thưa Tiến sĩ Nguyễn Thị Duyên, từ bao đời nay, Tết Trung thu đã là nét đẹp trong văn hóa của người Việt Nam. Vậy bà có thể cho biết về nguồn gốc của Tết Trung thu?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Duyên: Trong lịch lễ tiết cổ truyền theo phong tục người Việt chúng ta, Tết Trung Thu là lễ hội lớn được tổ chức vào giữa mùa Thu, vào đêm Rằm tháng Tám âm lịch, khi trăng tròn vành vành, tiết Thu dịu mát và là lúc nông nhàn, khi người nông dân đã xong một vụ cấy cày, gieo trồng. Hiện nay, chưa có tài liệu nào khẳng định chắc chắn về nguồn gốc của Tết Trung thu.
Nhưng tìm trong văn hóa dân tộc, vào thời văn hóa Đông Sơn, trên trống đồng Ngọc Lũ đã khắc họa hình ảnh con người hóa trang, vào mùa lễ hội với bông lau cắm trên đầu. Bông lau là loại cây của mùa Thu, khi người dân làm xong vụ mùa, thời tiết dịu cũng là dịp nông nhàn mở hội cầu mùa, ca hát, vui chơi.
Bông lau nở trắng rừng vào tiết Thu, nên ca dao cổ của người Việt có câu: “Tháng Tám tôi đi chơi Xuân. Đến đây gặp hội trống quân tôi vào”. Đây cũng là thời điểm người ta mở hội cầu mùa, hát giao duyên trong nhịp trống quân, trông trăng, vui chơi, ca hát. Trên cơ sở đó, các nhà nghiên cứu đưa ra quan điểm rằng, Tết Trung thu có nguồn gốc bản địa, xuất phát từ đời sống sản xuất của người Việt thuở xa xưa.
Ngoài ra, nguồn gốc của Tết Trung thu cũng chịu tác động từ bên ngoài. Đó là các câu chuyện về Hằng Nga - Hậu Nghệ, về ngày sinh nhật của Vua Đường Minh Hoàng (712-756). Hoặc nguồn gốc của ngày lễ này liên quan đến sự tích Đường Minh Hoàng dạo chơi vườn Ngự Uyển vào đêm Rằm tháng Tám âm lịch. Nhà vua được đạo sĩ có phép tiên đưa lên cung trăng, để thưởng thức chốn bồng lai tiên cảnh. Khi trở về hạ giới, nhà vua vấn vương cảnh tiên nên đã cho chế ra khúc Nghê Thường y vũ và cứ đến đêm Rằm tháng Tám lại ra lệnh cho dân gian tổ chức rước đèn và bày tiệc ăn mừng.
Như vậy, Tết Trung thu từ lâu đã trở thành một lễ tiết quan trọng. Nguồn gốc của ngày tết này có thể chịu ảnh hưởng phần nào văn hóa Trung Hoa, nhưng trên hết đó là một lễ tiết xuất phát từ cuộc sống của cư dân bản địa, liên quan đến tín ngưỡng tôn thờ Mặt Trăng, đến cuộc sống, lễ tiết nông nghiệp.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, năm 1946, nhân dịp Tết Trung thu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho thiếu nhi, nhi đồng cả nước. Chính từ thời điểm này, Tết Trung thu mới thực sự trở thành Tết của thiếu nhi, hằng năm được tổ chức vui chơi tưng bừng, rất có ý nghĩa cho tuổi thơ cả nước.
P.V: Tiến sĩ có thể cho biết những nét đặc trưng của Tết Trung thu xưa?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Duyên: Theo Phan Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục, "dân ta thế kỷ 19, ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng trăng". Ngay từ đầu tháng Tám, vào dịp Tết Trung thu, không khí chuẩn bị Tết Trung thu ở mỗi làng quê, ngõ phố đã tấp nập, náo nức như những ngày hội, có sức cuốn hút người lớn, trẻ em.
Tết Trung thu đã được người lớn chuẩn bị, sửa soạn để có những mâm cỗ sinh động, những đồ chơi muôn màu sắc. Mâm cỗ Trung thu thông thường có trọng tâm là con chó được làm bằng tép bưởi, được gắn 2 hạt đậu đen làm mắt. Xung quanh có bày thêm hoa quả, các loại bánh nướng, bánh dẻo. Hạt bưởi phơi khô, xâu qua dây thép được đem đốt. Hoa quả thường có chuối và cốm, thị, hồng, na, bưởi... Trên mâm cỗ còn có thể được trưng bày hình ông nghè (tiến sĩ) bằng giấy, thể hiện truyền thống hiếu học của nhân dân ta. Khi trăng lên tới đỉnh đầu chính là giây phút phá cỗ, mọi người cùng thưởng thức hương vị của Tết Trung thu.
Đồ trẻ con chơi trong Tết Trung thu là các thứ bồi bằng giấy như voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng hươu, tôm, cá, bươm bướm, bọ ngựa... Bên cạnh đó, mặt nạ, đèn ông sư, đèn ông sao và đầu sư tử là các loại đồ chơi phổ biến nhất trong dịp lễ Tết Trung thu. Các loại mặt nạ thường được làm bằng bìa hoặc bằng giấy bồi, với các hình phổ biến về các nhân vật trẻ em yêu thích bấy giờ như: Đầu sư tử, ông Địa, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Bạch Cốt Tinh...
Trẻ con buổi tối đêm Trung thu, dắt díu nhau kéo co, bắt cái hò khoan, rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la. Người Việt múa sư tử hay múa lân, tượng trưng cho may mắn, thịnh vượng và là điềm lành cho mọi nhà... Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát Trống Quân và rước đèn kéo quân trong dịp Tết Trung thu. Điệu hát trống quân theo nhịp ba "thình, thùng, thình".
Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung thu còn là dịp để người ta ngắm trăng, nhớ lại sự tích chú Cuội ngồi gốc cây đa, tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Ca dao xưa có câu: “Trăng trong, được lúa mùa. Trăng đục mờ, được lúa chiêm”. Đây cũng là ngày vui tụ họp đoàn viên của cả gia đình, là dịp mọi người thường biếu cho ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác bánh Trung Thu, hoa quả, trà, rượu...
Theo nhà nghiên cứu Lê Trung Vũ: “Tết Trung thu cũng là một mắt xích của dây chuyền lễ hội trong sự vận động hàng năm của người Việt, lấy mối quan hệ giữa thiên nhiên (thời tiết), mùa vụ (trồng trọt) và con người bằng tinh thần nhân văn cao cả (dành tết này cho lớp mầm non của xã hội) làm nền tảng, nên giá trị của lễ hội này trở nên sâu sắc và bền vững”.
P.V: Trải qua sự biến đổi của thời gian, Tết Trung thu đang dần dần có sự biến đổi cả về phương thức tổ chức hoạt động. Tiến sĩ có thể cho biết cụ thể về sự biến đổi này?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Duyên: Trong dịp Tết Trung thu, những phong tục tốt đẹp như: Cúng tổ tiên, ông bà, bày mâm cỗ đón trăng, rước đèn ông sao, múa lân... vẫn được nhân dân thực hiện từ làng quê đến thành thị trong Rằm tháng Tám. Tuy nhiên, theo dòng chảy của thời gian, trong Tết Trung thu ngày nay, những món quà Trung thu truyền thống không còn nhiều, đồ chơi dân gian truyền thống đang ngày càng ít đi, thay vào đó là nhiều mặt hàng đồ chơi điện tử. Tết Trung thu ngày nay cũng thiếu vắng hẳn những trò chơi tập thể vui nhộn; trẻ em thường được bố mẹ đưa tới các trung tâm thương mại, điểm bán hàng vừa vui chơi, vừa mua sắm hoặc đi chơi phố. Quà bánh Trung thu cũng được làm với chất liệu mới, có chất lượng hơn nhưng giá thành lại cao. Ngày nay, mâm cỗ Trung thu được con người chuẩn bị cầu kỳ và công phu hơn với nhiều loại hoa quả, bánh kẹo ngoại nhập; những chi tiết có ý nghĩa giáo dục trước đây ngày càng ít đi...
Nguyên nhân của sự biến đổi này là sự phát triển của xã hội hiện đại cùng với sự chi phối của yếu tố kinh tế thương mại, đã tác động làm thay đổi cả phương thức tổ chức Tết Trung thu nói riêng và các sinh hoạt văn hóa mang tính truyền thống nói chung. Bên cạnh đó, vấn đề giữ gìn nét văn hóa truyền thống trong Tết Trung thu ở nhiều nơi chưa được quan tâm, chú trọng.
P.V: Vậy theo bà, chúng ta cần phải làm gì để Tết Trung thu ngày càng phát huy được vẻ đẹp truyền thống trong xã hội hiện đại?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Duyên: Như chúng ta đã trao đổi, Tết Trung thu là một phong tục rất có ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm, biết ơn, báo hiếu, đặc biệt thể hiện sự yêu thương đối với thiếu niên, nhi đồng - thế hệ tương lai của đất nước.
Để Tết Trung thu ngày càng phát huy được vẻ đẹp truyền thống trong xã hội hiện đại, các tầng lớp nhân dân cần thể hiện sự quan tâm từ trong các gia đình: Con cái thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn đối với ông bà, cha mẹ; người lớn quan tâm đến việc chăm sóc, giáo dục con trẻ, trong đó, chú trọng giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc để các em hiểu được ý nghĩa của ngày Tết Trung thu, thấy được sự đầu tư quan tâm chăm sóc của gia đình và xã hội đối với thiếu nhi, từ đó có ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, có thái độ học tập đúng đắn để trở thành người có ích cho xã hội.
Để Tết Trung thu ngày càng phát huy được vẻ đẹp truyền thống trong xã hội hiện đại, các tầng lớp nhân dân cần thể hiện sự quan tâm từ trong các gia đình...”.
Cùng với đó, cần chú trọng khôi phục những trò chơi truyền thống, sản xuất những đồ chơi truyền thống có ý nghĩa giáo dục, thẩm mỹ, phát huy tính sáng tạo, thông minh của trẻ thơ, không vì thương mại hóa mà sản xuất các sản phẩm văn hóa, đồ chơi cho trẻ em thiếu tính thẩm mỹ, thiếu ý nghĩa giáo dục.
Bên cạnh đó, cần phát huy các trò chơi tập thể để nâng cao tính cộng đồng cho trẻ thơ, hạn chế những mặt trái của các phong tục trong xã hội hiện đại, để mọi người biết trân quý giá trị đích thực của Tết Trung thu. Cần coi Tết Trung thu là Tết của thế hệ tương lai, của mơ ước và hoài bão, từ đó gia đình và xã hội cần quan tâm chăm sóc tổ chức Tết Trung thu cho các em thật vui tươi, lành mạnh, thanh tao, để mỗi Tết Trung thu là một ký ức đẹp trong hành trang không thể quên khi lớn lên của tuổi thơ.
P.V: Cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trao đổi!