Sẻ chia yêu thương tại các cơ sở bảo trợ xã hội
Đến Làng trẻ em SOS Vinh vào ngày 12/8 Âm lịch, chúng tôi được chứng kiến không khí chuẩn bị Tết Trung thu cho các em rất sôi nổi. Ngay giữa khoảng sân lớn của làng, được sự hỗ trợ của các mẹ, các đoàn viên phường Hưng Phúc, các em quây quần bên chiếc đèn ông sao, chiếc đèn kéo quân. Từng nhóm được chia ra để buộc khung, cắt giấy, phết keo, dán giấy lên đèn với những màu rực rỡ, đẹp mắt. Ở phía trái góc sân, các em khác tập múa, tập hát để biểu diễn trong đêm Trung thu. Những hộp quà, thùng bánh kẹo, hoa quả để bày cỗ Trung thu cũng được các mẹ chuẩn bị chu đáo.
Được biết, dịp Trung thu này, Làng trẻ SOS Vinh đã đón nhiều đoàn của các cơ quan, đơn vị đến thăm, tặng hàng trăm suất quà cho các em nhỏ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn tại đây, như Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giáo dục và Đào tạo, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Vinh, cùng một số doanh nghiệp và các đoàn viên thanh niên Trường Đại học Vinh, Top 20 thí sinh cuộc thi Hoa khôi thành phố Vinh…
Em Ngô Văn Cường (SN 2012) cho biết: “Hàng năm, chúng em đều được các anh chị thanh niên, các tổ chức đoàn thể tới tặng quà, tổ chức văn nghệ, trò chơi, vui lắm. Em mong tất cả những bạn nhỏ thiệt thòi khác ngoài làng trẻ đều được tặng quà, được vui chơi như chúng em”.
Còn tại Trung tâm Giáo dục – Dạy nghề người khuyết tật, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội vừa tổ chức Chương trình “Vầng trăng yêu thương” cho 225 trẻ khuyết tật đang được chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy văn hóa, dạy nghề tại đây.
Một điều đặc biệt là tại chương trình có các tiết mục văn nghệ của chính những học sinh khiếm thính, rối loạn phổ tự kỷ của trung tâm biểu diễn. Ngoài ra, cùng với quà của Tỉnh ủy – Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, còn có hàng chục suất quà của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An.
Bà Nguyễn Thị Lài – Phó Chủ tịch Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh chia sẻ: “Hàng năm, trước mỗi mùa Trung thu, chúng tôi đều cố gắng kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm chung tay giúp các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật có một ngày hội thật vui vẻ, ấm áp. Chúng tôi hy vọng những suất quà này sẽ khuyến khích, động viên các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ, phấn đấu đạt nhiều thành tích trong học tập, khích lệ các em nhỏ khuyết tật, góp phần xoa dịu nỗi đau, giúp các em sớm hòa nhập cộng đồng và giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Đặc biệt, món quà các đơn vị trao tặng sẽ giúp các em đón tết Trung thu trọn niềm vui…”.
Những ngày này, các em thiếu nhi có hoàn cảnh không may mắn tại các cơ sở bảo trợ xã hội, các bệnh viện đã được đón nhiều tổ chức, đơn vị, các nhóm thiện nguyện đến thăm, tặng quà.
Ví như vào ngày 23/9 (tức ngày 9/8 âm lịch), đoàn của Vụ Kế hoạch Tài chính, Văn phòng Quốc hội đã về huyện Yên Thành tặng quà cho trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật ở cơ sở bảo trợ xã hội Hiền Lương ở xã Thọ Thành (Yên Thành) – nơi cưu mang, nuôi dưỡng 32 trẻ em khuyết tật, mồ côi, cơ nhỡ. Đoàn đã trao tặng cho cơ sở nhiều phần quà trị giá hơn 60 triệu đồng, đồng thời trao quà cho các trẻ em thiệt thòi, để các em đón Tết Trung thu vui vẻ, đầm ấm và có nhiều nỗ lực cố gắng để mai sau trở thành công dân có ích cho xã hội.
Còn vào ngày 27/9 (tức ngày 13/8 Âm lịch), Nhóm thiện nguyện “Nồi cháo yêu thương Thành Vinh” đã kết nối với các tấm lòng hảo tâm hỗ trợ các phần quà và tổ chức đến thăm, động viên và tặng kẹo, bánh, sữa, tiền mặt cho 160 bệnh nhi đang điều trị tại các khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Thành phố Vinh cơ sở 1, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Y học cổ truyền, Trung tâm Huyết học truyền máu Nghệ An, với mong muốn mang niềm vui, sự sẻ chia ấm tình người đến với các bệnh nhân.
Trước đó, nhóm thiện nguyện đã tổ chức chương trình vui Tết Trung thu và tặng quà cho các cháu mồ côi, khuyết tật tại các Trung tâm nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật trên địa bàn huyện Nghi Lộc.
Trung thu về vùng khó
Tại làng chài Hoà Lam, xã Hưng Hoà, thành phố Vinh những ngày gần Tết Trung thu như vui hơn, bởi đứa trẻ nào cũng háo hức đón một ngày ý nghĩa.
Làng chài Hòa Lam có hơn 80 hộ trong đó có 75 trẻ em. Tối 24/9, xã Hưng Hòa đã tổ chức Tết Trung thu sớm với mong muốn mang niềm vui đến với trẻ thơ. Các em nhỏ làng chài háo hức, phấn khởi khi hòa mình vào các hoạt động sôi nổi, vui tươi như múa lân, thưởng thức các tiết mục văn nghệ, rước đèn ông sao, nhận quà và phá cỗ...
“Chương trình Trung thu tại làng chài đã mang đến niềm vui, hơi ấm cho trẻ em nghèo, đồng thời giáo dục, định hướng các em về cội nguồn, phong tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc”, anh Đinh Gia Khánh – Bí thư Đoàn xã Hưng Hòa cho biết.
Mùa Trung thu này, các cấp chính quyền ở các huyện vùng cao đã nỗ lực mang đến cho thiếu nhi dân tộc thiểu số một Trung thu đầy yêu thương.
Tại huyện Nghĩa Đàn, Ủy ban nhân dân huyện vừa phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức chương trình Trung thu cho em tại xã vùng sâu vùng xa Nghĩa Lạc – nơi có gần 900 trẻ em, trong đó có hơn 200 trẻ em là con em các hộ nghèo, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như mồ côi, khuyết tật.
Em Lương Xuân Nghĩa (SN 2013) ở xóm Mẻn, xã Nghĩa Lạc hồ hởi: “Trung thu năm nay thật vui vì có nhiều tiết mục văn nghệ của các anh chị, các bạn rất sôi động. Em còn được các bác, các cô chú ở tỉnh, ở huyện tặng quà, được tham gia phá cỗ”.
Tại huyện Quế Phong, bà Lô Thị Nguyệt – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện cho biết: “Quế Phong có trên 1000 trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Để mang đến cho các em một mùa Trung thu ấm áp, Ủy ban nhân dân Quế Phong đã gửi lời kêu gọi tới các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang, các tổ chức kinh tế, cán bộ viên chức cùng các nhà hảo tâm và toàn thể nhân dân trong toàn huyện ủng hộ, giúp đỡ bằng tiền, hiện vật để giúp các em được hưởng Tết Trung thu thật ý nghĩa.
Cùng với việc kêu gọi ủng hộ, huyện Quế Phong đã tổ chức chương trình vui trung thu cho các em ở các xã Hạnh Dịch, Cắm Muộn. Tại mỗi xã, ban tổ chức đã trao hàng trăm suất quà cho học sinh nghèo vượt khó, tặng hàng chục thùng sữa, trao xe đạp cho những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”.
Tuy vậy, đâu đó trên địa bàn tỉnh, vẫn còn những thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn chưa được đón một cái Tết Trung thu đúng nghĩa. Như tại xóm chài nhỏ dưới chân cầu Yên Xuân, xã Xuân Lam (Hưng Nguyên), không khí vẫn rất lặng lẽ. Vì gánh nặng mưu sinh khiến những người cha, người mẹ không thể cho con mình có được một Tết Thiếu nhi trọn vẹn, đúng nghĩa.
Chị Đoàn Thị Thanh - một cư dân xóm chài cho biết: “Gia đình tôi sinh được 6 người con, ở trên cùng 1 chiếc thuyền nhỏ chừng 7 mét vuông. Đông con, cuộc sống quá khó khăn vì vậy, kiếm được miếng ăn đã vất vả, chứ nói gì đến việc cho các con được hưởng trọn ngày Tết Trung thu”.
Em Phạm Thị Thùy - Học sinh lớp 7 Trường THCS Nguyễn Biểu chia sẻ: “Từ lúc bé đến giờ em chưa lần nào được mua đèn ông sao và cũng chưa lần nào được tham dự vui chơi tết Trung thu cùng các bạn trang lứa vì cuộc sống hầu như diễn ra ở trên thuyền. Hằng năm đến dịp Trung thu, mấy chị em chỉ được mẹ mua cho một chiếc đèn ông sao để chơi chung”.
Ông Bùi Văn Hưng – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Việc tổ chức các hoạt động chăm lo cho trẻ em nghèo có điều kiện vui Trung thu ngày càng được xã hội quan tâm hơn với sự ủng hộ và giúp đỡ của nhiều tổ chức xã hội và các Mạnh Thường Quân. Tuy vậy, thực tế còn rất nhiều trẻ em nghèo, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là ở các huyện miền núi, các vùng bãi ngang ven biển, các làng chài...
Do đó, chúng tôi kêu gọi các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm nhiều hơn nữa đến trẻ em và cũng mong có sự phối hợp giữa Sở Lao động – Thương binh và Xã hội với các ban ngành đoàn thể sâu sát hơn, cụ thể hơn để tạo một môi trường lành mạnh để trẻ sống và phát triển tốt. Với sự giúp đỡ, sẻ chia của cả cộng đồng, xã hội, niềm vui sẽ được lan tỏa đến mọi nơi, giúp trẻ em nghèo, chịu thiệt thòi, thiếu may mắn được đón một Tết Trung thu trọn vẹn, ý nghĩa”.