(Baonghean) Một trong những điểm nhấn của lễ hội đền Cuông năm nay là hoạt động Giao lưu ca trù huyện Diễn Châu. Dù với phạm vi nhỏ, thời gian không dài, nhưng buổi giao lưu là nỗ lực rất lớn của những người làm văn hóa huyện, và đặc biệt là của các thành viên Câu lạc bộ ca trù Diễn Châu, những người đang cố gắng khôi phục lại cả một nét văn hóa truyền thống đặc sắc trên mảnh đất này.
Chiều 25/3 (14 tháng 2 âm lịch), trong dòng người nườm nượp đổ về dâng hương tại đền Cuông, nhiều du khách bỗng dừng lại khi vọng nghe tiếng ca trù, thấy bóng ca nương, kép đàn trên chiếu hát. Đó là buổi “Giao lưu ca trù huyện Diễn Châu” với sự tham gia của 4 CLB ca trù của 4 xã: Diễn Liên, Diễn Hoa, Diễn Mỹ và Diễn Yên, mỗi xã từ 7 - 8 thành viên. Đây là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ và những khán giả yêu ca trù có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm với nhau. CLB ca trù Diễn Châu được thành lập từ cách đây hơn 10 năm (năm 2002), nhưng đây là lần đầu tiên, những người đam mê nghệ thuật ca trù được giao lưu với nhau trong không gian Lễ hội Đền Cuông như thế này.
![]() |
Các nghệ nhân biểu diễn ca trù.
Ca trù vốn là một môn nghệ thuật độc đáo, nổi danh và có truyền thống hàng trăm năm trên mảnh đất Hoan Châu xưa (xứ Nghệ ngày nay). Giáo phường nhà tơ đại hàng Kẻ Lứ của dòng họ Trần nổi danh khắp xứ Nghệ, được mời đi hát cửa quyền trong cung vua từ thời Lê Trung Hưng đến thời nhà Nguyễn. Ca trù cũng đã trở thành một hoạt động quan trọng của dân làng trong các dịp lễ, Tết nguyên đán, khai hạ, thượng nguyên, kỳ phúc… đặc biệt là trong nghi thức tế thần để chúc tụng, mua vui cho thần cầu mong cho dân làng được bình an, mạnh khỏe, làm ăn phát đạt… Tại những lễ hội như: Lễ hội Đền Cờn (ngày 15 - 17 tháng Giêng âm lịch); Lễ hội Đền Cuông (ngày 14, 15, 16 tháng 2 âm lịch)… đều có biểu diễn ca trù. Riêng ở Đình Cháy (Diễn Yên - Diễn Châu), hàng năm cứ đến lễ Kỳ phục 14, 15, 16 tháng Giêng, các làng rước kiệu thần về đình tế và hát ca trù. Những đào nương được chọn hát trong nghi lễ này phải là những người có chữ nghĩa, có phẩm hạnh, đạo đức.
Trải qua bao đổi thay của lịch sử, nét văn hóa đặc sắc ấy dần dần bị mất dấu, bóng dáng ca trù tại các lễ hội cũng theo đó mà không còn nữa. Cho đến khi CLB ca trù Diễn Châu được thành lập năm 2002, các thành viên - những người có tâm huyết với ca trù - những ca nương tài hoa một thời còn sót lại, đã cố gắng khôi phục lại môn nghệ thuật ông cha để lại trong nhân dân, đồng thời tìm cách đưa nó trở về với những lễ hội, đình đám mà xưa kia nó từng in dấu. Ông Trần Cảnh Yên - Chủ nhiệm CLB Ca trù Diễn Châu cho biết: “Từ ngày thành lập CLB ca trù, chúng tôi đã biểu diễn tại các hội đình, đền, nhà thờ… trong đó có Lễ hội Đền Cuông. Tuy nhiên, những năm trước, chỉ có một số tiết mục đóng góp vào hoạt động của lễ hội, và biểu diễn vào ban đêm. Năm nay, chúng tôi mới tổ chức Giao lưu ca trù huyện Diễn Châu, tách riêng ra thành một hoạt động của lễ hội, biểu diễn vào buổi chiều, phục vụ đông đảo du khách đến thưởng thức”.
Mục đích của buổi giao lưu lần này nhằm bảo tồn các làn điệu ca trù cổ đang có nguy cơ bị mai một, kêu gọi sự quan tâm của mọi người đến một di sản quý trong kho tàng văn hóa dân gian, đồng thời cũng khuyến khích, động viên các CLB tập luyện và trình diễn những làn điệu ca trù có thế mạnh riêng của mình, để các anh chị em được gặp gỡ, biểu diễn, trao đổi kinh nghiệm với nhau. Tại buổi giao lưu, các CLB đã biểu diễn và phục dựng các làn điệu đang có nguy cơ mai một của ca trù như hát thờ, hát cửa đình, cửa quyền... tái hiện lại truyền thuyết An Dương Vương, mối tình Mỵ Châu - Trọng Thủy trong lời bài hát.
Khán giả không chỉ được thưởng thức giọng ca, tiếng đàn, tiếng phách của các nghệ nhân có kinh nghiệm như: cô Lâm, cô Hạnh, cô Mai, bác Phúc… mà còn có cả đào nương trẻ tuổi, trong đó em Võ Thị Mai Anh (CLB ca trù xã Diễn Liên) mới 14 tuổi. Ca nương “nhí” này sớm có lòng đam mê theo ca trù, có bà và bác vốn là những ca nương dày dạn kinh nghiệm truyền dạy, nên dù là lần đầu tiên được hát trước đông người, nhưng giọng ca “Hồng hồng, tuyết tuyết” của em đã lay động bao người. Sự tham gia của những thành viên trẻ trong các CLB là cơ sở để minh chứng cho sự tiếp nối, phát triển của ca trù, và niềm tin cho sự phục sinh một di sản văn hóa đang có nguy cơ thất truyền.
Ca nương Cao Thị Lâm - giọng ca xuất sắc của CLB Ca trù Diễn Châu vui mừng chia sẻ: “Tất cả các anh, chị em hôm nay phấn khởi lắm. Dù từng được đi biểu diễn, được tập huấn ở nhiều nơi nhưng tự CLB có thể mở được buổi giao lưu ca trù trong Lễ hội Đền Cuông, để mọi người được hát cho khán giả nghe, được giao lưu với nhau thoải mái như thế này thì rất quý. Giao lưu lần này cũng là buổi tập luyện để chuẩn bị cho Liên hoan Ca trù toàn quốc 2013 sắp tới”.
Hồ Lài