Giữ lời "Mắt sáng, lòng trong"
Baonghean.vn) - Một ngày tháng 12/2011, chúng tôi hẹn gặp ông để cùng đến làm việc tại Báo Nhân Dân. Có mặt tại khu nhà ông ở, đã thấy ông chỉnh tề với chiếc cặp da đen quen thuộc ngồi chờ dưới cầu thang tòa nhà 173 Nguyễn Ngọc Vũ. Hơn 70 tuổi đời. 50 năm tuổi nghề, tác phong của một phóng viên vẫn vẹn nguyên trong ông -nhà báo Nguyễn Thanh Phong, phóng viên cao cấp, nguyên Vụ trưởng, Trưởng ban Xây dựng Đảng Báo Nhân Dân. Viết về ông, tôi có cảm giác bất lực trước một đại thụ trong làng báo. Bài viết này chỉ là những nét chấm phá của người làm báo hậu sinh, rất xa ông cả về tuổi đời lẫn tầm vóc trong nghề.
(Baonghean.vn) - Một ngày tháng 12/2011, chúng tôi hẹn gặp ông để cùng đến làm việc tại Báo Nhân Dân. Có mặt tại khu nhà ông ở, đã thấy ông chỉnh tề với chiếc cặp da đen quen thuộc ngồi chờ dưới cầu thang tòa nhà 173 Nguyễn Ngọc Vũ. Hơn 70 tuổi đời. 50 năm tuổi nghề, tác phong của một phóng viên vẫn vẹn nguyên trong ông -nhà báo Nguyễn Thanh Phong, phóng viên cao cấp, nguyên Vụ trưởng, Trưởng ban Xây dựng Đảng Báo Nhân Dân. Viết về ông, tôi có cảm giác bất lực trước một đại thụ trong làng báo. Bài viết này chỉ là những nét chấm phá của người làm báo hậu sinh, rất xa ông cả về tuổi đời lẫn tầm vóc trong nghề.
Là một trong 9 người có mặt từ ngày đầu thành lập Báo Nghệ An, bởi vậy, kỷ niệm 50 năm ra số Báo Nghệ An đầu tiên cũng là ngày ông tròn 50 năm làm báo. Suốt nửa thế kỷ với nghiệp cầm bút, ông đã có 15 năm công tác tại Báo Nghệ An (từ 1961 đến 1976) và 28 năm làm báo Nhân Dân, (20 năm là Tổ trưởng Tổ thường trú Báo Nhân Dân tại Nghệ An, rồi Nghệ Tĩnh, 8 năm là Vụ phó rồi Vụ trưởng, Phóng viên cao cấp ở Bộ Biên tập Báo Nhân Dân), 17 năm làm phóng viên chuyên trách Tổng Bí thư.
Cuộc đời làm báo của nhà báo Thanh Phong cũng ghi dấu 10 năm giảng dạy cho đội ngũ cán bộ báo chí nước bạn Lào. Vì lẽ đó, ông đã vinh dự được Nhà nước nước CHDCND Lào trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Đến năm 2004 ông mới nghỉ hưu.Như trong những dòng tự bạch của ông trong một bài viết mới đây "Những năm tháng không thể nào quên": "Nói là nghỉ hưu nhưng thực chất lòng yêu nghề lại "không hưu". Bởi vì cho đến nay, tôi vẫn là cộng tác viên đặc biệt cho Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, là cộng tác viên thường xuyên cho một số báo, tạp chí và chuyên đề về Đảng của Đài Truyền hình Việt Nam. Ai hỏi: "Ông yêu nghề từ ngày nào?", tôi trả lời ngay không hề suy nghĩ: "Từ ngày vào Báo Nghệ An"."
Một thời để nhớ
Đầu năm 1961, tạm biệt giảng đường Đại học Nhân dân, chàng thanh niên Nguyễn Thanh Phong quê ở đất Huế kinh kỳ hăm hở khoác ba lô về Thị xã Vinh của khu Bốn (cũ). Lúc bấy giờ, phóng viên trẻ Thanh Phong được xem là "cậu trẻ con" của báo, (bởi những đồng nghiệp đầu tiên ônglà Lê Ngọc Vượng và nhà thơ Trà Ngân cũng hơn ông đến... 20 tuổi) đã đem nhiệt huyết của tuổi trẻ và cặp mắt nhìn đời trong trẻo, tươi mới để bắt đầu nghiệp chữ của mình. Lúc đó, Thanh Phong được giao việc đọc và tổng hợp thông tin từ các thông tin viên gửi về, từ đó chuyển sang bộ phận phát thanh hoặc giữ lại làm tin cho báo.
Nhà báo Nguyễn Thanh Phong (thứ 2 trái sang), nhà báo Thép Mới (ngoài cùng bên phải) và 2 nhà báo Luri (trái), Xéc Gây (báo Sự Thật - Liên Xô) trong chuyến thăm Bảo tàng vũ trụ Tasơkin tháng 8/1987)
Khi tờ tin chuyển thành tờ báo chính thức của Đảng bộ Nghệ An, nhân viên "văn thư" Thanh Phong cũng trở thành phóng viên của Báo Nghệ An. Sống và viết, đi và viết, quăng quật vào cuộc sống để luyện rèn, từng trải và chững chạc hơn để viết, ông đã dần được tôi luyện, trưởng thành.Ôngxem Nghệ An như quê hương thứ hai của mình, Báo Nghệ An là ngôi nhà của mình.
Là học sinh miền
Ông còn nhớ chuyến đi đầu tiên viết về ngày hội xuống đồng ở HTX Ba Tơ (Hưng Thái, Hưng Nguyên). Từ Vinh lên hơn 5km, không có phương tiện nên vừa cuốc bộ, vừa đi nhờ xe ngựa để lên đến nơi. Riêng mẩu tin xuống đồng vụ đông xuân của xã, ông "chơi" kín... 2 trang giấy và cảm thấy rất tự hào. Sáng hôm sau, ông nộp cho đồng chí Phan Huy Chuyên, vừa mừng vừa run chờ kết quả. Người anh Phan Huy Chuyên đã chữa kỹ bằng mực đỏ với lời phê nhẹ nhàng nhưng sâu sắc: "Em biết lấy tài liệu, nhưng thể hiện rườm rà quá. Mình sửa lại thế này, em đọc xem có đồng ý không thì nói lại". Đó là một trong những bài học đầu tiên trong đời làm báo của ông. Đi nhiều, viết nhiều, vấp nhiều để biết đứng dậy, và vững vàng hơn.
Từng số báo ra đời cũng ghi dấu những bước trưởng thành trong đời làm báo của ông. Những lĩnh vực mới mẻ như: công nghiệp, thủ công nghiệp, nông nghiệp, quân sự, thương nghiệp, giao thông... đều đã được cây bút Thanh Phong điểm tới bằng nhiều bài viết có sức nặng. Có lần, được giao viết về HTX đóng thuyền Trung Kiên (Nghi Thiết, Nghi Lộc), ông lóc cóc cuốc bộ và xe ngựa tìm đến cơ sở. Khi biết ông cuốc bộ đến tận nơi, ông Nguyễn Thân Mến, Chủ nhiệm HTX đã chỉ biết lặng người với một câu khen "Nhà báo đi bộ giỏi quá" và cho một xã viên chở ông bằng xe đạp về tận tòa soạn với gói cá nục khô làm quà.Sau 2 ngày, bài ghi nhanh "Trung Kiên xẻ núi lập xưởng đóng thuyền" ra đời.
Ông còn trưởng thành hơn nhờ những người đồng nghiệp, người anh như Thép Mới. Trong chuyến công tác nước ngoài đầu tiên tới Liên Xô cùng Thép Mới, Thanh Phong đã ghi chép hết một quyển sổ tay nhưng chỉ viết được bốn bài, còn Thép Mới không ghi chép gì cả mà về nhà ông viết liền mười ba bài báo liên tục. Ông bảo có những người thầy như thế mới sướng! Chính Thép Mới cũng là người dạy cho thế hệ sau làm thế nào để "Vững như kiềng ba chân", nhất là những người làm báo đảng.
Trong tập sách "Dặm dài đất nước" còn giữ nhiều bức ảnh có mặt ông ngồi nghe Bác Hồ kể chuyện và làm bài tường thuật tại Nhà máy Cơ khíVinh, hoặc bức ảnh trên trận địa đỉnh 102 Núi Quyết, ghi lại cảnh ông đang phỏng vấn những chiến sỹ của đơn vị cao xạ pháo bảo vệ bầu trời thành phố.Đặc biệt ông luôn nhớ mãi những phút buốt lòng vì đau thương lúc cùng các đồng chíđào tìm từng mảnh thi thể của 12 cô gái Truông Bồn bị bom vùi dập. Nhớ khi đào thấy tay của chị Thông, mở lòng bàn tay của chị ra, vẫn còn nắm chặt tờ giấy gọi đi học trung cấp, (tuy có giấy gọi nhưng chị vẫn xin ở lại), ông và tất thảy mọi người đã lặng đi, buốt nhói, cứ muốn khóc lên một tiếng giữa thinh không lồng lộng. Những dòng nước mắt thủa đó, đến bây giờ lại giàn giụa khi kể với chúng tôi. 20 năm sau, ông lại viết tiếp bài "Nhớ 12 cô gái Truông Bồn". Chính từ tâm huyết của ông, đại diện TNXP Nghệ An đồng ý kết nạp ông là một nhân chứng, góp phần dựng nên hình tượng tiểu đội TNXP Truông Bồn.
Chữ "tâm" còn mãi
Trò chuyện với chúng tôi,ông không hề dấu khi nhớ lại những điều chưa trọn vẹn của đời làm báo. Cũng có lần viết sai, viết kém, điều tra không kỹ càng, đưa lên những điển hình chưa đúng, mặc dù có nhiều điển hình qua bài viết của ông đã được phong danh hiệu anh hùng như : Hồ Thị Lượm (Quỳnh Lưu), Nguyễn Trọng Tường, Nguyễn Hữu Tùng, Hoàng Thị Liên. Có một điển hình sai mà viết do nghe được. Năm 1964, trong lễ biểu dương Phong trào thi đua "Hai giỏi" của tỉnh, có cô gái lên kể câu chuyện của mình. Cô yêu một người ở Xã Đoài, sau này anh đi bộ đội rồi hi sinh. Mặc dù cô chưa là dâu trong gia đình nhưng cô vẫn tình nguyện xem mình như dâu con trong nhà và tình nguyện giúp đỡ bố mẹ của người yêu. Trong buổi đó, cô có hát bài "Anh ơi vững bước mà đi" xúc động lòng người. Từ câu chuyện đó, ông viết bài "Cô dâu tình nguyện" đăng trên trang nhất của báo. Tuy nhiên, khi điều tra lại thì trường hợp này không có thật, cô gái đã bịa ra câu chuyện. Ông đã dũng cảm nhận khuyết điểm viết bài mà không điều tra kỹ.
Trong căn phòng khiêm tốn ở tít tầng 14 của khu chung cư 173 Nguyễn Ngọc Vũ (Hà Nội), ông vẫn dành riêng một phòng cho việc thờ cúng và sách vở, tài liệu, kỷ vật của một đời làm báo.
Trong kho tư liệu đồ sộ của ông còn giữ những cuốn sổ ghi chép một thời. Những cuốn sổ đã bạc màu năm tháng. Những dòng ghi vội bên chiến hào còn nồng thuốc súng, bên một cánh đồng lúa vụ đông hay ghi cả trong giờ phút chờ xe, tất cả vẫn còn nguyên nhựasống. Những cuốn sổ đã ố vàng vì thời gian, trải qua hàng chục năm bom đạn và dâu bể được ông cất cẩn thận và trang trọng trên giá sách.
Trong rất nhiều tư liệu của nhà báo Thanh Phong, chúng tôi còn thấy một chồng những cuốn sổ khổ A4 là tập hợp nhiều bài viết của ông qua các thời kỳ. Rất tâm huyết với các địa danh ghi dấu chân không mệt mỏi của ông như trong bài: "Người làm sống lại một vùng đất" kể về "tỷ phú" trồng rừng Võ Văn Thiêm ở Lý Thành (Yên Thành). Hoặc đanh thép vạch mặt những kẻ lừa đảo lấy hơn 16 tỷ đồng của nhân dân 2 xã Nghi Thủy, Nghi Tân trong bài điều tra gần 2.500 chữ "Một vụ lừa đảo làm 250 hộ dân điêu đứng", rồi bài viết về chống tham nhũng ở Nghệ Tĩnh "Ra quân sớm..." năm 1990. Ông có hẳn một phần dài "Những bài viết chống tiêu cực", mỗi bài đều đọng lại sức nặng của câu chữ, góp phần làm trong sạch xã hội. Nhưng bên cạnh đó, cũng không ít bài viết thấm đẫm suy tư, trăn trở về quê hương, hoặc nặng lòng với những người đã ngã xuống như loạt bài viết về 12 cô gái Truông Bồn: "Nhớ mười hai cô gái Truông Bồn", "Về 12 cô gái "cọc tiêu sống" ở Truông Bồn"...
Một đời, và vẫn chưa ngừng nghỉ ở tuổi quá ngưỡng "Nhân sinh thất thập cổ lai hy", những gì nhà báo Thanh Phong cống hiến cho đời, với một chữ Tâm và tấm lòng trọn đời với Đảng thực sự là một gia tài không dễ ai có.
Trần Hải