(Baonghean) - Đêm, dạo trên Quốc lộ 7A, nghe âm vang tiếng chày giã gạo, âm thanh mỗi lúc một rộn ràng làm thành một bản hòa tấu. Lần theo tiếng vang, men theo chiếc cầu treo nhỏ bắc qua dòng Lam sang bờ bên kia, tìm đến Nhà Văn hóa cộng đồng bản Mác, xã Thạch Giám (Tương Dương) - nơi phát ra những âm thanh vang vọng. Thì ra, các thành viên CLB Khắc luống của bản đang luyện tập, chuẩn bị chương trình giao lưu, biểu diễn vào dịp đón Tết, vui Xuân, thu hút bà con dân bản đến xem và cổ vũ rất đông.
 |
Buổi tập luyện của CLB Khắc luống bản Mác (xã Thạch Giám, Tương Dương). |
CLB Khắc luống bản Mác được thành lập ngày 20/9/2014, với mục đích tập hợp những người đam mê và tâm huyết với bản sắc âm nhạc cổ truyền, trước tiên là trò khắc luống, nhảy sạp, múa xòe... Lập tức, 42 người đăng ký tham gia, chủ yếu là phụ nữ, các cụ già trong bản giữ vai trò cố vấn. Các thành viên đều tự nguyện góp tiền mua máng và chày (2 dụng cụ chính phục vụ khắc luống) để luyện tập. Rồi cùng nhau sắp xếp công việc để lên rừng chặt tre, nứa về làm dụng cụ múa sạp. Không có kinh phí hoạt động nhưng ai cũng tham gia hăng hái, nhiệt tình, đầy tinh thần trách nhiệm. Hiện nay, CLB đang đề nghị Ban quản lý bản dành một ít đất rừng để trồng tre, trước tiên là để lấy làm dụng cụ, sau nữa là bán để lấy tiền làm kinh phí hoạt động.
Bà Kha Thị Luyến (72 tuổi) cho biết: “Đối với đồng bào dân tộc Thái, trong những ngày vui hội không thể thiếu được âm thanh vang vọng và vui nhộn của trò khắc luống”. Trò khắc luống xuất phát và gắn bó với cuộc sống lao động thường ngày và mang đậm tính cộng đồng cũng như nét tín ngưỡng phồn thực. Để tiến hành trò khắc luống, cần một chiếc máng (cối) dài được làm từ thân cây gỗ tốt và những chiếc chày làm từ thân cây gỗ nhỏ. Như vậy, có thể nhận thấy trò khắc luống có từ lâu đời, bắt nguồn từ việc giã gạo hàng ngày, một công đoạn để chế biến hạt gạo. Khi lúa được gùi từ rẫy về nhà, mỗi khi rảnh rỗi các gia đình người Thái thường tranh thủ giã lúa lấy hạt. Lòng máng được thiết kế dài nên nhiều người có thể tham gia giã gạo cùng một lúc. Nghĩa là có thể huy động được nhiều thành viên, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó của các thành viên trong gia đình và cộng đồng. Cũng có lúc trai gái trong bản tập trung giã gạo để có thêm cơ hội tìm hiểu, hẹn hò và giao duyên. Sau khi giã ở máng (cối dài), lúa được tiếp tục đem sang cối đứng để tiếp tục giã cho kỹ hơn. Thông thường, khi gạo được giã xong, mọi người thường dùng chày gõ vào lòng và thành máng để tạo thành những nhịp, phách. Lâu dần, việc này trở thành một trò chơi, một hình thức sinh hoạt độc đáo trong đời sống văn hóa của bà con dân tộc Thái. Do sự phối hợp nhịp nhàng và tạo nên phách nhịp, khắc luống dần trở thành một hình thức sinh hoạt giàu tính âm nhạc. Từ đó, mỗi khi có dịp vui như Tết cổ truyền, lễ hội, cưới hỏi, cầu mùa, mừng cơm mới, bà con lại chơi trò khắc luống. Cũng có lúc khắc luống được dùng để báo hiệu tang ma.
Cùng với tiếng cồng chiêng rộn rã và điệu múa sạp vui nhộn, điệu khắc luống góp phần làm cho ngày vui thêm tưng bừng. Bà Kha Thị Luyến cho biết thêm, qua trò khắc luống, bà con dân tộc Thái gửi gắm mong ước mùa màng luôn được tươi tốt, bội thu để quanh năm tiếng chày giã gạo luôn vang lên rộn rã. Và trò khắc luống còn có thêm ý nghĩa về ước vọng một cuộc sống sinh sôi, sức khỏe dồi dào và đem lại niềm vui cho các gia đình và toàn thể cộng đồng dân bản. Từ một nét sinh hoạt đời thường, khắc luống trở thành nét sinh hoạt văn hóa và tâm linh. Do đó, đòi hỏi những người tham gia điệu khắc luống ít nhiều phải có tư chất nghệ sỹ, biết cách gõ nhịp, tạo phách và chỉnh âm.
Đêm đã khuya, chúng tôi rời bản Mác để về phố huyện, tiếng chày khắc luống vẫn vang xa. Cho dù, ngày nay máy xay xát đã vào tận các bản làng xa xôi, cối giã gạo của bà con các dân tộc đang dần vắng bóng nhưng trò khắc luống vẫn được bà con dân tộc Thái ở bản Mác lưu giữ là một điều hết sức đáng quý. Có thể xem bà con nơi đây đang lưu giữ một nét Xuân.
Công Kiên