Giữ nét văn hóa làng
(Baonghean) - Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương đúng, hợp lòng dân, bởi có công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp thì đời sống người dân nông thôn mới từng bước theo kịp thành thị. Thế nhưng làm thế nào để vừa xây dựng nông thôn mới, vừa gìn giữ những nét đẹp của làng quê xưa như cây đa, bến nước, sân đình… đang là trăn trở của nhiều địa phương.
Nhờ xây dựng nông thôn mới mà nhiều làng quê hôm nay đã thực sự khởi sắc: Đường làng ngõ xóm rộng rãi, rải nhựa, bê tông hóa phẳng lỳ, những cánh đồng bát ngát chỉ chuyên canh một loại cây, không còn manh mún như trước… Đời sống người nông dân ngày càng ấm no, sung túc nhờ được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thế nhưng cũng từ nông thôn mới mà những bờ tre, những bờ chè mạn hảo xanh ngăn ngắt làm dịu bớt không khí trưa hè, làm đẹp thêm con đường làng quê đã dần mất đi, thay thế vào đó là những bờ tường rào được xây bằng đá, bằng xi măng chắc chắn. Cổng làng cũng không còn cổ kính cong cong, mà được bê tông hóa với kinh phí hàng trăm triệu đồng.
Cây đa, giếng làng ở xã Xuân Lâm, Nam Đàn. Ảnh: Bùi Văn Dũng |
Đem câu chuyện làm thế nào để xây dựng nông thôn mới nhưng vẫn gìn giữ được nét văn hóa làng xưa trao đổi với các cụ cao niên ở làng Khánh Trung - Nghi Khánh, một trong những làng văn hóa đầu tiên của huyện Nghi Lộc, ông Võ Mạnh Khởi (70 tuổi) - từng là Bí thư Chi bộ Khánh Trung nhiều năm liền cho rằng: “Hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình của làng quê từ lâu đã thấm đẫm tâm hồn mỗi người dân xứ Nghệ. Để rồi mỗi lần xa quê, đọng lại trong ký ức tuổi thơ là những lần ngồi ngóng mẹ về dưới gốc đa đầu làng, là đêm trăng thanh gió mát ra sân đình mong được thưởng thức làn điệu dân ca, là những lúc buồn phiền tìm về chốn linh thiêng trong tiếng chuông chiều tĩnh lặng...
Những người có tuổi như chúng tôi rất lo sợ thời gian sẽ làm mất dần đi những giá trị văn hóa làng, sợ cuộc sống xô bồ của lớp trẻ hôm nay sẽ không giữ nổi những gì mà cha ông ngày xưa để lại. Ở làng Khánh Trung, riêng vấn đề mở đường, bê tông hóa cũng trăn trở, suy tính nhiều lắm: đó là vẫn thống nhất mở đường nhưng vẫn phải cố gắng giữ lại những cây cổ thụ có từ bao đời nay như xà cừ, phượng vĩ, bờ tre, gia đình nhà nào có cổng làm bằng những cây chè mạn hảo, cán bộ xã cũng động viên, khuyến khích họ giữ lại. Bởi dù có thay đổi, có công nghiệp hóa như thế nào đi chăng nữa thì ở quê vẫn phải gìn giữ nét quê, không chỉ trong cảnh vật mà trong cả tình cảm con người: tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau”.
Anh Nguyễn Văn Tịnh, cán bộ xã Nghi Khánh cho biết, xã chú tâm khôi phục lại giếng làng, góp phần trả lại không gian làng quê Việt Nam xưa. Đó cũng là cách để thế hệ cha ông truyền dạy cho lớp trẻ những giá trị vốn quý của văn hóa làng. Ví như ở làng Khánh Trung (Nghi Khánh) đã khôi phục lại giếng Mỏ Phượng bằng kinh phí xã hội hóa, nhân dân rất phấn khởi vì cho rằng: đã khôi phục được long mạch của làng. Giếng Mỏ Phượng của làng Khánh Trung nằm ngay cạnh đường liên xóm vừa được mở rộng rãi, sạch đẹp. Ngoài khôi phục giếng, nhân dân còn xây cả bia dẫn tích nói lên sự tích của giếng Mỏ Phượng. Khuôn viên giếng được mở rộng bao quanh bởi những lùm tre xanh ngắt.
Bác Khởi cho biết: Không ai nhớ rõ giếng Mỏ Phượng của làng có từ bao giờ, chỉ biết chắc một điều rằng: cái giếng cổ ấy đã là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho cả một vùng làng Ngâm (gồm 4 làng Khánh Đông, Khánh Thịnh, Khánh Trung và Khánh Đền) thời kỳ ấy. Giếng làng hồi đó còn là nơi giao lưu, hẹn hò của đám thanh niên, là nơi trẻ con nô đùa vào những chiều hè. Nước giếng trong và mát lắm, nấu chè xanh ngon hơn cả dùng nước mưa. Giếng làng sâu hơn 2,5m, đường kính mặt giếng từ 2,5 - 3m, giếng được làm hoàn toàn bằng đá cuội xếp đều đặn xung quanh dày từ 30 - 50 phân, đặc biệt, dưới đáy giếng được lát một tấm gỗ dày, hiện nay vẫn còn. Cùng với thời gian, mặt trên của giếng bị nứt nẻ, nền giếng bị xói mòn, cây cối mọc um tùm, người dân làng Khánh Trung đi qua về lại thấy trăn trở...
Để khôi phục lại giếng làng, hồi đó với vai trò bí thư chi bộ, bác Khởi đã nói lên những nỗi niềm của mình: rằng cần phải khôi phục lại giếng để gìn giữ những di tích xưa cũ của làng cho con cháu mai sau hiểu được làng Khánh Trung xưa ra sao và nay phát triển như thế nào. Không ngờ ý kiến của bác được bà con hết sức ủng hộ. Năm 2007, bác Khởi đứng ra huy động, nhà ít 50 ngàn đồng, nhà có điều kiện thì 500 ngàn đồng, 1 triệu đồng, tổng cộng được 18 triệu đồng. Giữa năm 2007, cả làng Khánh Trung chộn rộn như có lễ lớn, thanh niên, trẻ nhỏ, người già đều có mặt cùng chung tay khôi phục lại giếng làng. Chỉ trong một tuần, giếng làng đã được sửa sang lại theo đúng nguyên mẫu ban đầu: có bờ bao chắc chắn xung quanh, nền giếng được lát bằng gạch đỏ; bên cạnh giếng còn xây một tấm bia lớn có khắc dòng chữ: di tích giếng Mỏ Phượng.
Đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân, Nghi Khánh đã khôi phục lại cụm di tích đền Cửa và mộ Tướng quân Ninh Vệ. Từ năm 2010, Lễ hội Đền Cửa được phục hồi và thu hút đông đảo nhân dân và du khách trong và ngoài huyện tham gia. Lễ hội được tổ chức hàng năm vào ngày 2 đến 4/3 Âm lịch.
Ông Nguyễn Đình Sửu - Chủ tịch UBND xã Nghi Khánh phấn khởi: Chủ trương xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng, hợp lòng dân với mong muốn đời sống nông thôn sẽ tiến kịp thành thị, thành phố. Thế nhưng cuộc sống của người dân nông thôn khác với đô thị, nói đến nông thôn phải có chùa, có đền, có lũy tre, bờ ao, giếng làng… vì thế trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, xã chủ trương nghiên cứu cụ thể từng vùng, từng miền có những đặc điểm khác nhau để làm thế nào vừa giữ được dáng dấp của làng quê, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển đi lên cùng các địa phương khác trong huyện, trong tỉnh.
Về làng văn hóa Bắc Sơn (Vân Diên - Nam Đàn) trù phú, đậm nét văn hóa làng xưa. Trong buổi chiều tĩnh lặng, những tiếng chuông ngân vang… như minh chứng lời của Bí thư xóm Bắc Sơn Vương Trường Thu: cứ đúng 6h tối, tiếng chuông ở các di tích sẽ đồng loạt đổ 3 hồi 6 tiếng báo hiệu một ngày bình yên đã trôi qua.
Từng đi nhiều nơi, thế nhưng chưa nơi nào cảnh làng quê đẹp như Bắc Sơn: ở đó có những con đường vừa phải, cong cong rợp bóng cây xanh của sơn trà, mít, xoài, gạo; ở đó có tới 8 cái ao làng chỉ trong vòng bán kính hơn 1km, đặc biệt Bắc Sơn còn lưu giữ được cụm di tích có cả đình, đền, chùa và giếng chùa. Để gìn giữ được từng ấy di tích, có sự đồng thuận rất lớn từ người dân. Ông Lương Xuân Sơn – người dân làng Bắc Sơn phấn khởi: “Thể theo nguyện vọng của nhân dân, trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, Bắc Sơn xác định ngoài tiến hành những tiêu chí như đường giao thông, dồn điền đổi thửa, trong xây dựng thiết chế văn hóa nhân dân chúng tôi rất đồng tình với xã, với làng là phải gìn giữ, phát huy những ngôi đình, đền, chùa của cha ông để lại. Có như thế mới gìn giữ được nét đẹp văn hóa làng”.
Qua cụ từ Bùi Bá Đào (năm nay 80 tuổi) người trông coi đền Đức Ông thì hiện trong làng có 5 di tích: Đình Đức Nậm, chùa Đức Sơn, đền Đức Ông, đền Thánh Mẫu và giếng chùa. Mỗi di tích đều mang một nét kiến trúc riêng. Ví như Đền Nậm Sơn hay còn gọi là đền Đức Ông là nơi thờ Thượng tướng Nậm Sơn – vị tướng giỏi của Mai Thúc Loan. Kiến trúc đền gồm có 2 toà: bái đường và hậu cung, được bố trí theo kiểu chữ “Đinh”, kết cấu theo kiểu “giá chiêng”, “tiền trụ”. Nhà hậu cung là nơi thờ tướng Nậm Sơn, nhà bái đường là nơi thờ cộng đồng, các lính của ông và cũng là nơi chuẩn bị hành lễ.
Hay như chùa Đức Sơn còn gọi là Đức Sơn tự, có tên nôm là chùa Nầm được xây dựng từ thời Trần - là một trong những ngôi chùa cổ nhất xứ Nghệ. Đặc biệt chùa Đức Sơn là còn lưu giữ được chuông chùa có kiểu dáng thời Lê, bộ tượng pháp độc đáo, tiêu biểu cho tượng pháp chùa Việt, bộ Tam Thế với 3 pho tượng bằng nhau về kích cỡ, giống nhau về kiểu dáng, có chiều cao 1,2m toạ trên đài sen được tạo tác bằng gỗ mít rất công phu. Ngoài ra, ở đây còn lưu giữ 210 bản gỗ khắc kinh dùng để in ấn thành sách truyền bá đạo Phật. Trên bề mặt các bản khắc hình Đức Phật, Bồ Tát và kinh bằng chữ Hán. Theo các nhà nghiên cứu thì những bản khắc gỗ này có từ thời Nguyễn trong thời gian vua Tự Đức trị vì…Hiện các di tích này đều đã được xếp hạng cấp quốc gia. Mỗi di tích đều có một ban quản lý riêng trông coi việc thờ cúng, tổ chức các ngày lễ hội.
Các di tích của làng Bắc Sơn ngày càng đẹp hơn nhờ được tu bổ, nâng cấp thường xuyên bằng tiền công đức, bằng sự đóng góp của nhân dân. Đáng mừng là năm vừa qua giếng chùa được khôi phục lại trên nền đất xưa. Vẻ đẹp linh thiêng của những ngôi đình cổ kính sẽ là vẻ đẹp vĩnh hằng của một làng quê mà mỗi người dân chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ. “Bởi nói gì thì nói, làm gì thì làm, dù có đổi mới như thế nào đi chăng nữa thì không gian ấy, làng quê ấy phải thuộc về người nông dân, do người nông dân làm chủ”, đó là tâm sự của ông Vương Trường Thu, Bí thư kiêm xóm trưởng làng văn hóa Bắc Sơn (Vân Diên, Nam Đàn).
Với những người nông dân như bác Thu, ông Sửu, bác Khởi, mỗi gốc đa, sân đình... đều gắn với rất nhiều thăng trầm lịch sử của làng, để rồi trong tâm thức của người đi xa mỗi lần nghĩ về làng lại thấy đau đáu, còn người ở lại thấy mình cần có trách nhiệm hơn trong gìn giữ, phát huy.
Thanh Thủy