Giữ nét xưa ở Nghĩa Lạc
(Baonghean) - Nghĩa Lạc là xã vùng sâu của huyện Nghĩa Đàn, có 3 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó người dân tộc Thổ và Thanh chiếm 97,8% dân số toàn xã. Đây cũng là địa phương có nhiều phong tục, lễ hội truyền thống như lễ hội cồng chiêng, lễ hội vật, lễ cúng cơm mới, cầu lộc năm mới, lễ xuống đồng gắn với các trò chơi dân gian như khắc luống, nhảy sạp, múa xòe, san khan, ném còn...
Câu lạc bộ cồng chiêng xã Nghĩa Lạc được thành lập từ tháng 1/2014 với mục đích mang lời ca, điệu múa của đồng bào Thổ phục vụ nhân dân và truyền dạy cho các thế hệ sau một nét văn hóa riêng có của đồng bào. Thành viên CLB cồng chiêng là những nghệ nhân không chuyên, họ tìm đến âm nhạc sau một ngày làm việc vất vả, cùng múa hát thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Đến nay, CLB có 40 hội viên tham gia. Chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Hữu Chi (61 tuổi) ở xóm Lác, là người khởi xướng thành lập CLB cồng chiêng và hiện đang đảm nhận vai trò thư ký CLB. Ông Chi biết hát đối đáp, múa các làn điệu dân ca và đánh chiêng thành thạo từ năm 15 tuổi. Cha mẹ ông cũng là nghệ nhân nổi tiếng hát hay, múa đẹp, đánh cồng chiêng giỏi. Ông Lê Hữu Chi cho biết: Xóm Lác có 146 hộ, 669 nhân khẩu, 98% đồng bào dân tộc Thổ.
Vào các ngày lễ lớn, CLB thường tổ chức giao lưu cồng chiêng với các câu lạc bộ ở trong và ngoài xã như câu lạc bộ xóm Lung Hạ, xóm Mít ở xã Nghĩa Lợi, xóm Tân ở xã Nghĩa Lạc. Đồng thời tổ chức hội thi cồng chiêng giữa các tổ liên gia với nhau. Cồng chiêng là tín ngưỡng tâm linh của đồng bào Thổ, những âm thanh ngân vang sâu lắng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió sẽ sống mãi cùng với đất trời và con người. Về nhạc cụ, cồng chiêng của dân tộc Thổ không có sự khác biệt so với cồng chiêng của các dân tộc khác, nhưng cách đánh và tiết tấu, nhịp điệu lại có những nét riêng. Nếu như cách đánh cồng của người Thái đa dạng hơn với các kiểu đánh cồng đơn, cồng đôi, cồng ba và cồng tư thì người Thổ chỉ đánh cồng ba và cồng tư; đánh cồng ba thường dùng trong các nghi lễ cúng cầu yên, cầu mùa còn cồng tư được sử dụng trong các lễ hội, tổ chức trò chơi ném còn... “Điều đáng mừng là khi CLB được thành lập, người già và lớp trẻ đều tích cực tham gia tập luyện nên có điều kiện truyền dạy những kỹ thuật cũng như lưu giữ các giá trị văn hóa của dân tộc Thổ, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng", ông Chi tự hào nói về câu lạc bộ của mình.
Một buổi sinh hoạt Câu lạc bộ cồng chiêng xóm Lác, xã Nghĩa Lạc. |
Nếu như đồng bào Thổ đang bảo tồn những điệu hát giao duyên đối đáp và đánh cồng chiêng thì đồng bào Thanh ở Nghĩa Lạc lại tự hào có nhịp khắc luống cùng điệu nhảy sạp rộn rã, vòng xòe dập dìu. Theo giải thích chị Lê Thị Hướng - một trong số người đầu tiên đứng ra thành lập CLB Khắc luống xóm Mồn thì ngày xưa, luống (loóng) là cái máng dùng để giã gạo, gắn liền với sinh hoạt hằng ngày của người dân tộc Thanh. Chỉ cần dăm ba người cùng giã gạo là đã có thể khắc luống. Khi khắc luống, người ta cầm chày gõ vào thành máng hoặc đâm xuống lòng máng làm phát ra những âm thanh vang, mạnh, dứt khoát hoặc dồn dập. Đây là loại nhạc cụ thô sơ đặc sắc của dân tộc Thanh được biểu diễn trong dịp lễ, Tết. Nhất là khi đón khách quý, bà con nơi đây lại tổ chức khua luống rất nhộn nhịp... “Ban đầu trong xóm chỉ có khoảng 10 chị biết khắc luống, mỗi lần có phong trào văn nghệ hay các ngày lễ hội chúng tôi lại thành lập nhóm, tham gia một cách tự phát. Đầu năm 2014, được sự gợi ý của UBND xã, chúng tôi đã đứng ra thành lập CLB Khắc luống xóm Mồn để hoạt động có quy củ và nề nếp hơn. Sau một năm rưỡi đi vào hoạt động, đến nay CLB đã thu hút 97 hội viên tham gia, hàng tháng tổ chức sinh hoạt một lần vào ngày 16 tại nhà văn hoá xóm. Kinh phí hoạt động do các thành viên đóng góp, trong đó Ban công tác mặt trận xóm trích 50.000 đồng/tháng cho CLB". Chị Lê Thị Hướng cho biết thêm.
Cũng với mong muốn mang bản sắc dân tộc mình được lưu truyền, năm 2014, CLB múa xoè xóm Vẳng được thành lập. Bà Hà Thị Linh, Chủ nhiệm CLB múa xòe cho hay: Múa xòe là điệu múa không thể thiếu trong các ngày lễ, hội lớn và xem đây là điệu múa truyền thống của dân tộc Thanh. Thông thường, ở mỗi một lễ hội khi đến phần múa xòe là phần cuối cùng, mọi người tay trong tay cùng chung nhịp xòe luôn tạo nhiều cảm xúc cho những người tham gia. Điệu xòe của người Thanh cũng là điệu múa thể hiện tình đoàn kết trong cộng đồng, tạo cho những người tham gia lễ hội quên đi những mỏi mệt, ưu phiền sau những khoảng thời gian lao động vất vả. Một vòng xòe hay và đẹp là vòng xòe tự nhiên, mọi người tay nắm tay nhau một cách thoải mái, cùng bước theo một nhịp, cùng xoay theo một chiều... “Sau những ngày lao động vất vả, chúng tôi cùng nhau múa xòe mệt nhọc như tan biến. Đặc biệt, sau hội xòe, mọi người lại cảm thấy yêu cuộc sống và hăng say lao động hơn để chờ ngày hội mới", bà Linh tâm sự.
Ông Hà Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lạc cho biết: Để tiếp tục gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn, các cấp ủy đảng, chính quyền đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa sâu sắc của các giá trị văn hóa, đồng thời vận động nhân dân làm tốt công tác xã hội hóa để có nhiều nguồn lực phục vụ cho việc bảo tồn, phục hồi các lễ hội truyền thống, các loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc. Ngoài các CLB trên, hiện nay ở xã Nghĩa Lạc còn có CLB hát Khắp (xóm Gày), CLB hát giao duyên (xóm Tân) và CLB nhảy sạp (xóm Mẻn). Việc thành lập các CLB đã thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia, thông qua các hoạt động của CLB, hội viên được giao lưu, học hỏi, được hưởng thụ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình và truyền lại cho thế hệ trẻ biết gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...
Bài, ảnh: Ngọc Anh