Giữ vững lòng trong, trí cao, bút sắc
Trần Duy Ngoãn
Trần Duy Ngoãn - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Nghệ An
(Baonghean) - Cả nước hiện có trên 18.000 nhà báo được cấp thẻ, có 383 cơ quan báo in, với trên 1.000 ấn phẩm, 67 đài Phát thanh và Truyền hình gồm 3 đài Phát thanh - Truyền hình Trung ương (VTV, VTC, VOV) và 64 đài Phát thanh - Truyền hình ở các địa phương, 104 kênh truyền hình quảng bá, 7 kênh truyền hình trả tiền; có 92 báo điện tử (trong đó có 72 báo điện tử của cơ quan báo in và Đài PT-TH), 266 trang thông tin điện tử, 300 trang tin điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể, hội, hiệp hội, các doanh nghiệp, trên 8.000 đài trạm TTCS. Đây là lực lượng hùng hậu trong binh chủng làm công tác tư tưởng của Đảng, Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc trước đây cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, báo chí cách mạng Việt Nam đã góp phần quan trọng nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt, đã tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội, đấu tranh có hiệu quả với mọi âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động, thù địch chống phá cách mạng nước ta.
Đất nước ta đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trong không gian toàn cầu hóa với những diễn biến vô cùng phức tạp, bên cạnh những thuận lợi chúng ta đang từng ngày, từng giờ đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức. Nước ta vẫn còn bị đe dọa bởi những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch can thiệp vào công việc nội bộ, gây mất ổn định chính trị, xã hội, xâm phạm chủ quyền biên giới, biển đảo thiêng liêng của chúng ta. Các thế lực không từ một thủ đoạn nào để đưa những thông tin, sách báo, văn hóa phẩm lệch lạc từ bên ngoài vào để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, gây ảnh hưởng tâm lý xấu trong nhân dân. Chúng triệt để sử dụng sức mạnh của các phương tiện thông tin hiện đại, của báo chí, mạng Intenet để quảng bá, gieo rắc quan điểm thù địch, sai trái, công kích chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, nhằm đi tới thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Giữ vững ổn định chính trị, xã hội trong mọi hoàn cảnh là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, là yêu cầu sống còn của quốc gia, dân tộc. Chính trị, xã hội ổn định, đất nước, quê hương mới có thể hội nhập và phát triển.
l Các phóng viên báo chí Nghệ An tác nghiệp ở đảo Trường Sa. Ảnh: Lan Anh |
Là đội ngũ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam đã và đang là đội quân chủ lực thực hiện tốt công tác tuyên truyền vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Biểu hiện cụ thể là tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cổ vũ, động viên mọi phong trào thi đua yêu nước, các điển hình, nhân tố mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh.
Trong tiến trình phát triển của lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam 89 năm qua, thì báo chí Nghệ An có bề dày 85 năm và Nghệ An được xác định là trung tâm báo chí cách mạng từ năm 1929 đến tháng 12/1946.
Đến nay, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan báo chí đã và đang không ngừng phát triển toàn diện. Đặc biệt trên bốn phương diện: Cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ chuyên môn nghiệp vụ, thời lượng phát sóng (số lượng phát hành), chất lượng nội dung. Hiện Nghệ An có 9 cơ quan báo chí trong tỉnh, cùng với 37 cơ quan đại diện và văn phòng thường trú các báo Trung ương, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh. Đội ngũ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên đông đảo hơn 600 người hoạt động trong các cơ quan báo chí địa phương (trong đó có gần 400 nhà báo hội viên thuộc Hội Nhà báo Nghệ An) gồm: Báo Nghệ An, Đài PT-TH Nghệ An, Báo Công an Nghệ An, Lao động Nghệ An, Tạp chí Sông Lam, Báo Quân khu 4, Tạp chí Văn hóa Nghệ An, Tạp chí Khoa học - Công nghệ Nghệ An, Người làm báo Nghệ An và 22 Đài TT-TH huyện, thành phố, thị xã, 487 đài trạm truyền thanh cơ sở. Phần lớn các nhà báo hội viên được đào tạo chuyên ngành, có tâm huyết với nghề, vững vàng bản lĩnh chính trị, là lực lượng quan trọng trong binh chủng làm công tác tư tưởng của Đảng, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh nhà.
Sự nghiệp báo chí Nghệ An ngày càng khởi sắc, hiện nay Báo Nghệ An hàng ngày 8 trang, phát hành gần 15.000 bản /kỳ, Nghệ An cuối tuần 12 trang phát hành gần 13.000 bản/kỳ, Nghệ An điện tử mỗi ngày đã có trên 60.000 lượt bạn đọc trong và ngoài nước truy cập. Báo Công an Nghệ An, xuất bản mỗi tuần 3 kỳ, số lượng phát hành 5.000 - 7.000 bản/kỳ trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, báo điện tử Công an Nghệ An là tờ báo có số lượng người truy cập nhiều nhất với 500.000 lượt/người ngày đêm. Báo Lao động Nghệ An trong khó khăn đã nỗ lực vươn lên, hiện nay mỗi tuần phát hành 1 kỳ, với 6.000 bản/kỳ. Tạp chí Văn hoá Nghệ An mỗi tháng 2 kỳ, số lượng phát hành 4.000 bản/kỳ. Tạp chí Sông Lam xuất bản 2 tháng một kỳ, số lượng mỗi kỳ 5.000 bản.
Chương trình Phát thanh Nghệ An hàng ngày tiếp phát sóng 20 giờ (trong đó Chương trình Nghệ An 10 giờ 30’/ngày), Truyền hình Nghệ An (NTV) phát sóng 20 giờ/ngày (tự sản xuất 12 giờ/ngày), ngoài ra có chương trình Phát thanh - Truyền hình tiếng Thái, tiếng Mông phát sóng miền núi và VTV5 Truyền hình Việt Nam. Từ ngày 21/1/2009, Phát thanh và Truyền hình Nghệ An phát sóng qua vệ tinh Vinasats 1 phủ sóng toàn quốc và khu vực. Ngoài 40 Truyền hình Cáp các tỉnh trong cả nước tiếp sóng trong những năm qua, từ tháng 5/2013 Truyền hình Nghệ An có mặt trên Truyền hình Cáp Việt Nam và Truyền hình Cáp Thành phố Hồ Chí Minh góp phần mở rộng diện phủ sóng quảng bá hình ảnh của Nghệ An với cả nước và khu vực. Đây là điều kiện tốt nhất để báo chí Nghệ An thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
P.V Báo Nghệ An tác nghiệp. Ảnh: Nhật Lân |
Thời gian qua, các cơ quan báo chí của Nghệ An đã nỗ lực không ngừng, vững vàng, kiên định, các nhà báo vẫn “lòng trong, trí cao, bút sắc” không chấp nhận những áp lực, cám dỗ của vật chất tầm thường, xung kích trên mặt trận đấu tranh chống lại luận điệu tuyên truyền xấu của các thế lực thù địch. Các tòa soạn, cơ quan báo chí đã chủ động bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, tuyên truyền đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII vào cuộc sống, Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020”. Xác định báo chí là công cụ, phương tiện đắc lực, sắc bén trong công tác tuyên truyền của Đảng và các tổ chức quần chúng, là “cánh tay nối dài giữa Đảng, chính quyền với các tầng lớp nhân dân”, “đưa Việt Nam ra thế giới”.
Báo chí Nghệ An đã phối hợp tốt với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị, xã hội để tuyên truyền phát huy, nhân rộng “sức mạnh đại đoàn kết toàn dân” nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị lớn của đất nước, của tỉnh như: “Bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp”; Góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu ngân sách, thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh đất nước con người Nghệ An ra cả nước và quốc tế. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa xứ Nghệ, văn hóa các dân tộc. Đặc biệt là các cuộc vận động xã hội lớn do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phát động như: “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Xây dựng Quỹ Vì người nghèo”; “Xóa nhà tranh tre dột nát, tạm bợ”; “Ủng hộ đồng bào bị thiên tai”; “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Đoàn kết lương giáo, dân tộc”; vận động thực hiện “Chính sách xã hội, đền ơn đáp nghĩa”. Tuyên truyền các chính sách về an sinh xã hội; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Biển đảo quê hương”, “Nghĩa tình biên giới”, “Vì Trường Sa thân yêu”, vận động “Xây dựng quỹ khuyến học”; vận động ủng hộ xây dựng “Khu di tích lịch sử Truông Bồn”, giúp đỡ đồng bào nghèo miền Tây Nghệ An...
Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước và đoàn kết của dân tộc ta, phát huy những kết quả trong công tác tuyên truyền vừa qua, khắc phục những tồn tại, khuyết điểm, báo chí Nghệ An và những người làm báo trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh nguyện nêu cao hơn nữa “trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân”, thực hiện tốt “9 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam”. Tiếp tục tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giám sát, phản biện xã hội, khơi dậy và phát huy “Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh” vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
TDN