Giúp chị em trọn "hai vai"

20/04/2015 11:15

(Baonghean) - Không phải phụ nữ nào cũng có đủ khả năng, bản lĩnh và ý chí phấn đấu vươn lên để khẳng định vai trò trong xã hội. Bởi để trọn hai vai “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, các chị phải nỗ lực hết mình, vượt lên hoàn cảnh và định kiến giới...

Thực trạng

Tốt nghiệp THPT, học thêm 10 tháng sơ cấp mầm non, chị Võ Thị Thu Hương trở thành giáo viên của Trường Mầm non Thị trấn Anh Sơn. Với tình yêu nghề, yêu trò chị luôn nỗ lực hết mình, không ngừng phấn đấu học tập và tích cực nâng cao trình độ từ sơ cấp lên trung cấp và tốt nghiệp đại học trong năm 2003. Chị cũng đã 4 lần liên tục đạt giáo viện dạy giỏi tỉnh, có 5 sáng kiến kinh nghiệm được công nhận sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh, trong đó có 1 giải B. Thành công của chị đã được đồng nghiệp ủng hộ, phòng giáo dục đánh giá cao và mới đây chị được tín nhiệm giao trọng trách Phó Hiệu trưởng nhà trường. Chị Hương tâm sự: Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, nếu không có sự động viên của đồng nghiệp, của ban giám hiệu, của lãnh đạo phòng và nhất là của gia đình thì tôi nghĩ rằng mình khó có thể làm tốt công việc của mình.

Lãnh đạo tỉnh trao bằng khen cho các cá nhân có nhiều thành tích trong công tác  bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ.
Lãnh đạo tỉnh trao bằng khen cho các cá nhân có nhiều thành tích trong công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ.

Còn với chị Phan Thị Thuận, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) lại có cách phấn đấu khác. Để tròn vai “việc nước, việc nhà” với chị thật không hề đơn giản. Chồng công tác xa, mỗi năm về phép được một đôi lần, một mình chị nuôi 2 con nhỏ, nếu như không có nghị lực, sự tự tin và lòng quyết tâm thì chị không thể vừa hoàn thành trách nhiệm của một người mẹ, người vợ, cũng không thể làm tròn nhiệm vụ của một Chủ tịch Hội LHPN.

Trên đây chỉ là một vài ví dụ trong rất nhiều câu chuyện về sự nỗ lực của giới nữ làm lãnh đạo, luôn phải cố gắng vươn lên, gánh nặng "hai vai" cả việc nước, việc nhà. Ðằng sau sự thành công của một người đàn ông, luôn có bóng dáng người phụ nữ. Nhưng đằng sau thành công của người phụ nữ, là sự hy sinh, dấn thân gấp đôi, gấp ba so với nam giới. Ngoài ra, họ còn phải vượt qua định kiến giới "trọng nam, khinh nữ". Phần lớn nam giới coi việc chăm sóc gia đình, con cái là trách nhiệm của người phụ nữ. Bởi vậy, phụ nữ làm cán bộ lãnh đạo, quản lý, dù ít hay nhiều, đều vấp phải những khó khăn khi cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp.

Chị Đinh Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Nghi Lộc, cho biết: Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 31/CT.TU của Tỉnh ủy về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước, Đề án 02 về đào tạo cán bộ trẻ; BTV Huyện ủy Nghi Lộc cũng đã ban hành Chương trình 07 về “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, cán bộ trẻ có triển vọng”. Đây là những căn cứ thuận lợi tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ nữ phát triển. Cùng với sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền, Ban VSTBPN, Hội Phụ nữ các cấp với chức năng tham mưu của mình đã chủ động, tích cực tham mưu đội ngũ cán bộ nữ trong tỉnh không ngừng vươn lên để tự khẳng định mình, ngày càng trưởng thành cả về số lượng, chất lượng.

Tỷ lệ cán bộ nữ trên toàn huyện được đề bạt, bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo, chủ chốt các cấp, các ngành ngày càng tăng, kể cả trên một số lĩnh vực mà trước đây cán bộ nữ ít được bố trí giữ các chức danh trưởng, phó như: Ủy ban kiểm tra, Tòa án, Tài chính, Ngân hàng… Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, công tác cán bộ nữ trong thời gian qua của Nghi Lộc vẫn còn những mặt hạn chế, đó là: tỷ lệ cán bộ nữ giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đạt được chỉ tiêu đề ra như: Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia đại biểu HĐND các cấp, tỷ lệ cán bộ nữ cấp ủy ở một số cơ sở; Số chị em giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở các ban, ngành cấp huyện và cơ sở chưa nhiều, nhiều lĩnh vực số lượng cán bộ nữ hết sức hạn chế và có những ngành không có lãnh đạo nữ; Vị trí luân chuyển, đề bạt cán bộ nữ chưa đa dạng; Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng chưa đạt chỉ tiêu đề ra; Việc phát triển đảng viên nữ tại các vùng nông thôn, vùng đặc thù còn nhiều khó khăn.

Còn ở huyện Yên Thành, hiện nay 100% cán bộ hội chuyên trách cấp huyện có trình độ đại học; 100% chủ tịch hội cơ sở dưới 45 tuổi có trình độ trung cấp trở lên (tăng 17% so với KH. Đại biểu nữ HĐND các cấp: cấp huyện 13/50, tỷ lệ 26% (tăng 3,1 % so với nhiệm kỳ trước); cấp xã 208 đồng chí, đạt tỷ lệ 20,4% (tăng 1,12 %). Cán bộ nữ quản lý ở các cấp học 182/289 đồng chí, đạt tỷ lệ 62,9%. Tỷ lệ cấp ủy cấp huyện giảm 1,13% so với nhiệm kỳ trước và chưa đạt so với KH là 4,75 %. Tuy đạt được những kết quả như vậy, nhưng nhìn nhận một cách thẳng thắn, khách quan thì công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ chưa được chú trọng. Tỷ lệ cán bộ nữ trong đào tạo, bồi dưỡng có lúc không đảm bảo yêu cầu. Tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch, cơ cấu cấp uỷ, HĐND cơ sở và huyện còn thấp. Số lượng cán bộ nữ được bố trí giữ các chức vụ chủ chốt trong Đảng, chính quyền và các ngành nghề vẫn còn thấp. Trình độ cán bộ nữ ở một số vùng đặc thù chưa đáp ứng yêu cầu mới.

Đâu là giải pháp?

chị Phan Thị Thuận - bên phải - Chủ tịch Hội PN xã Hưng Tân - Hưng Nguyên đang trao đổi công việc với chi hội trưởng hội PN xóm 9
chị Phan Thị Thuận - bên phải - Chủ tịch Hội PN xã Hưng Tân - Hưng Nguyên đang trao đổi công việc với chi hội trưởng hội PN xóm 9

Phải khẳng định rằng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng những thay đổi về nhận thức của xã hội mà công tác cán bộ nữ của tỉnh ta có nhiều thay đổi rõ nét. Tuy nhiên, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ ở một số nơi chưa được chú trọng, tỷ lệ nữ trong các khóa đào tạo, bồi dưỡng chưa đảm bảo yêu cầu; tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch cả 3 cấp còn thấp. Số lượng cán bộ nữ giữ chức vụ chủ chốt trong các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể đã nâng lên, nhưng chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Một số lĩnh vực liên quan đến hoạch định chính sách chưa có cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt. Đa số cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được bố trí chủ yếu là cấp phó; Trình độ cán bộ nữ một số cơ sở, nhất là vùng đặc thù chưa đáp ứng yêu cầu...

Nguyên nhân của tình trạng trên một mặt do một số cán bộ, đảng viên nữ còn có biểu hiện tự ti, an phận, ngại thay đổi môi trường công tác. Mặt khác, một số cấp ủy đảng, người đứng đầu chưa thực sự quan tâm đầy đủ đến công tác cán bộ nữ, chưa tạo điều kiện đúng mức để tăng cường cán bộ nữ, còn có biểu hiện định kiến, thiếu tin tưởng vào khả năng cán bộ nữ. Bên cạnh đó, việc kiểm tra đôn đốc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về công tác cán bộ nữ của cấp trên đối với cơ sở chưa thường xuyên, chưa chặt chẽ và chưa sát với tình hình. Công tác phát hiện, quy hoạch cán bộ nữ tiến hành còn chậm, thiếu chủ động.

Với mục tiêu từ nay đến năm 2020: Tỷ lệ nữ tham gia các khóa đào tạo tại các trường lý luận chính trị, quản lý nhà nước từ 30% trở lên; Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên, tỷ lệ nữ tham gia HĐND các cấp đạt từ 35% trở lên; 60% sở, ban, ngành, 100% UBND các cấp có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ - 100% chủ tịch, phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh và các huyện, thành, thị: 90% trở lên chủ tịch Hội LHPN cấp cơ sở dưới 45 tuổi đạt tiêu chuẩn chức danh theo quy định.

Để đạt được mục tiêu trên về công tác cán bộ nữ, thời gian tới, các ban, ngành liên quan, chính quyền địa phương cần nâng cao nhận thức, quan điểm về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ trong các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và quần chúng nhân dân; tích cực tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ cán bộ nữ phát triển. Quan tâm việc nêu gương điển hình tiên tiến là cán bộ nữ các cấp, các ngành, gương phụ nữ tài năng thời kỳ đổi mới để khẳng định vai trò của phụ nữ, cán bộ nữ đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hàng năm cần rà soát, thống kê, đánh giá tổng thể về số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức nói chung, cán bộ nữ nói riêng để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng có tính chiến lược. Phối hợp với các ngành liên quan mở các khóa đào tạo phù hợp với điều kiện cán bộ nữ, đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia các khoá đào tạo theo quy định, ưu tiên cho phụ nữ được đào tạo sớm, ưu tiên đào tạo chuyên môn phù hợp và đào tào tạo quản lý kinh tế, lý luận chính trị. Đào tạo gắn với quy hoạch và từ quy hoạch để đào tạo. Thường xuyên phát động các phong trào thi đua để phát hiện cán bộ nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn và chủ động giới thiệu cho Đảng, chính quyền, đoàn thể những chị em có đủ phẩm chất, năng lực để đưa vào các vị trí lãnh đạo, quản lý; khắc phục tình trạng khắt khe, thiếu chuẩn bị.

Tổ chức các hội nghị, hội thảo trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về công tác cán bộ nữ. Tích cực phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu kết nạp đảng viên nữ để tạo nguồn. Riêng đối với bản thân cán bộ nữ phải chủ động khắc phục khó khăn, xây dựng ý chí phấn đấu vươn lên để khẳng định mình. Bên cạnh đó, vai trò của từng cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý hiện tại cũng rất quan trọng, các chị phải là những hạt nhân tích cực động viên, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các thế hệ nối tiếp phát triển.

Thanh Thủy - Mỹ Hà

Mới nhất
x
Giúp chị em trọn "hai vai"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO