Giúp dân phát triển kinh tế
(Baonghean) - Đồn biên phòng Ngọc Lâm (BĐBP Nghệ An) được giao nhiệm vụ quản lý 35 km đường biên, 11 cột mốc biên giới Việt Nam – Lào và phụ trách là 3 xã biên giới Thanh Sơn, Ngọc Lâm và Hạnh Lâm thuộc huyện Thanh Chương chủ yếu là đồng bào tái định cư của công trình Thuỷ điện Bản Vẽ. Thời gian qua, ngoài nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội, cán bộ chiến sỹ Đồn BP Ngọc Lâm còn tích cực giúp đỡ đồng bào tái định cư làm quen với phương thức canh tác tại vùng đất mới.
Trên đường cùng chúng tôi vào vùng tái định cư, Thượng tá Nguyễn Như Tuấn, Chính trị viên Đồn BP Ngọc Lâm, chia sẻ: Đồng bào các dân tộc thiểu số từ vùng núi cao huyện Tương Dương về đây đối mặt với bao khó khăn, vất vả. Đời sống của đồng bào thấp hơn so với mặt bằng chung của nhân dân trong huyện. Chỉ riêng việc trước đây vốn quen phát nương làm rẫy nay phải làm với phương thức canh tác khác khiến cho người dân không khỏi ngỡ ngàng, chậm hòa nhập. Một số hộ trở lại quê cũ để phát nương, làm rẫy.
Làm sao để đồng bào nhanh chóng “an cư” ở vùng đất mới là câu hỏi thường trực trong cấp ủy, ban chỉ huy đơn vị. Sau rất nhiều cuộc họp bàn thì đã có sáng kiến áp dụng mô hình chăn nuôi của đồn vào giúp dân (hàng năm thu từ nguồn tăng gia sản xuất của đồn đạt trên 50 triệu đồng). Tập thể đơn vị đã nhất trí chọn một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tập trung đầu tư công sức hướng dẫn để đồng bào quen với phương thức nuôi trồng mới.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Ngọc Lâm cấy lúa giúp dân.
Bắt tay vào thực hiện, đơn vị lựa chọn những cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm trong nuôi trồng, sản xuất xuống địa bàn vận động các gia đình huy động mọi nguồn nhân lực, vật lực tập trung phát triển sản xuất, chăn nuôi. “Chúng tôi tập trung giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo để đồng bào “ấm bụng” thì sẽ yên tâm gắn bó với vùng đất mới” - Thượng tá Tuấn bộc bạch.
Và để đồng bào tin rồi làm theo, không có cách gì khác, những người lính biên phòng phải xắn tay vào thực hiện. “Những ngày đầu thấy những người lính biên phòng mang trâu ra cày, bừa đất để trồng lúa, lạc, đồng bào không khỏi ngạc nhiên, bởi ở quê cũ trâu chỉ dùng để kéo gỗ thôi, chứ chưa bao giờ thấy trâu kéo cái cào “nhiều răng” để làm đất bao giờ. Có những khi bộ đội hướng dẫn đồng bào gieo mạ, cấy lúa, họ làm theo đúng quy trình nhưng chỉ vài ngày sau trời quá rét, mạ chưa kịp bén rễ chết. Đồng bào thắc mắc: Cán bộ hướng dẫn không đúng. Thế là bộ đội lại giải thích cặn kẽ, rồi đi liên hệ xin giống, bắc mạ, cấy lúa lại từ đầu, và chăm sóc, theo dõi cho đến ngày thu hoạch... Cứ cụ thể, tỷ mỷ như vậy, đồng bào mới tin và nghe theo những gì mình chỉ dẫn” - Thiếu tá Trần Văn Khoa, Đội phó Đội vận động quần chúng nhớ lại.
Theo sự giới thiệu của Thượng tá Tuấn, chúng tôi đến gia đình anh Lương Văn Phương (ở bản Muộng, xã Ngọc Lâm) để “mục sở thị” những thành quả bước đầu: Gia đình hiện đang chăn nuôi 3 con trâu và đàn gà, vịt trên 100 con. Trong khuôn viên gia đình còn có ao nuôi cá rộng 1.500m2, 1.700m2 ruộng lúa nước, ngoài ra còn trồng 12.000m2 keo, sắn, chè... đã lên xanh tốt. Anh Phương phấn khởi cho biết: Nhờ sự giúp đỡ của BĐBP năm ngoái từ chăn nuôi và trồng cây ngắn ngày đã cho thu nhập 35 triệu đồng. Gần gia đình anh Phương là gia đình anh Lương Văn Thân (cũng ở bản Muộng, xã Ngọc Lâm) được Đồn giúp đỡ, hiện đang “sở hữu” 2.000 m2 ruộng lúa nước, ao nuôi cá rộng 8.000m2, 15.000m2 đất rừng trồng keo, sắn, vườn chè rộng 1.500m2. Ngoài ra, gia đình còn nuôi đàn gia cầm trên 70 con. Trung bình mỗi năm thu nhập từ chăn nuôi trên 30 triệu đồng, cơ bản thoát nghèo.
Ngoài việc giúp dân trong xây dựng mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn, Đảng ủy, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Ngọc Lâm còn chỉ đạo đội vận động quần chúng, chi đoàn phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể tham gia hàng ngàn ngày công giúp nhân dân 2 xã Thanh Sơn, Ngọc Lâm dựng nhà mới, cải tạo đất làm vườn, tích cực tuyên truyền chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả; đề xuất với Ban quản lý Thủy điện 2, Phòng Nông nghiệp huyện Thanh Chương tổ chức các đợt tập huấn giúp dân trong phát triển kinh tế hộ gia đình.
Thượng tá Nguyễn Như Tuấn cho biết: Thời gian tới, đơn vị tiếp tục đầu tư ngày công, thời gian để giúp đỡ, hướng dẫn nhằm nâng cao hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế gia đình; đồng thời tiếp tục khảo sát, lập kế hoạch, triển khai nhân rộng mô hình mới tại các bản của vùng đồng bào tái định cư thuộc 2 xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm.
Bài, ảnh: Hùng Phong