Giúp phụ nữ xóa nghèo ở Nghĩa Đàn

03/04/2014 21:47

(Baonghean) - Bằng các biện pháp khuyến khích cách làm của cơ sở, nhiều chi hội phụ nữ ở huyện Nghĩa Đàn đang có những cách làm sáng tạo để thoát nghèo cũng như nâng cao đời sống tinh thần cho chị em. Đó là một chi hội xây dựng quỹ tiết kiệm lên đến 300 triệu đồng cho chị em vay, có chi hội bỏ ra hàng nghìn ngày công để giúp chị em neo đơn hay tổ chức làm quỹ bằng ngày công để tiết kiệm tiền giúp hội viên nghèo…

Chi hội Phụ nữ xóm Đồng San, xã Nghĩa Lâm có 48 hội viên, trong đó đa phần chị em là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2005, xuất phát từ ý tưởng của một số chị em, chi hội đã đề xuất ý kiến thành lập các nhóm tiết kiệm tín dụng nhằm giúp đỡ các gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi tháng, mỗi người đóng góp 50 nghìn đồng để giúp các hội viên khó khăn vay vốn phát triển kinh tế. Tích tiểu thành đại, từ nguồn vốn khoảng chục triệu ban đầu, đến nay chi hội đã có nguồn vốn 300 triệu đồng. Trung bình mỗi hội viên được vay từ 2 triệu đến 20 triệu đồng tùy theo nhu cầu để xây dựng các mô hình. Nhờ đó, nhiều chị em trong Chi hội Đồng San đã thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Chị Phan Thị Hoa là hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, năm 2008, chị vay từ quỹ tiết kiệm của chi hội 10 triệu đồng đầu tư chăn nuôi lợn; năm 2012, chị tiếp tục được vay 20 triệu đồng từ nguồn quỹ để mở rộng quy mô. Trung bình mỗi năm chị nuôi 15 đến 30 con lợn và khoảng 1.000 con gà thịt.

Mô hình trồng nấm của chị Ngô Thị Hòa, xóm 5, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Đàn).
Mô hình trồng nấm của chị Ngô Thị Hòa, xóm 5, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Đàn).

Còn đối với chị Trương Thị Ánh thì nguồn vốn 20 triệu đồng được chi hội cho vay lúc gia đình chị gặp khó khăn nhất là rất có ý nghĩa, đến nay chị là chủ của trang trại gà, mỗi năm xuất hơn 1 vạn con gà thịt. Chị Lê Thị Ánh tâm sự: “Lúc khó khăn muốn vay tiền không phải là chuyện đơn giản, nhiều khi làm thủ tục ngân hàng mất nhiều thời gian, lãi suất lại cao. Nhờ chi hội cho vay tiền, gia đình tôi mạnh dạn đầu tư vào nuôi gà, đến nay gia đình đã khấm khá”.

Không chỉ riêng gia đình chị Hoa, chị Ánh mà nhiều hội viên ở Chi hội Đồng San đã thoát nghèo khi được vay vốn, đặc biệt việc nộp tiền tiết kiệm hàng tháng được chi hội duy trì đều đặn và chị em ai cũng có trách nhiệm cao. Chính cách làm sáng tạo này mà mỗi năm chi hội Đồng San xóa được 2 đến 3 hộ nghèo. Từ mô hình hoạt động của Chi hội Đồng San, Hội Phụ nữ xã Nghĩa Lâm đã nhân rộng thêm 7 tổ tín dụng tiết kiệm với tổng số tiền tiết kiệm trên toàn xã hơn 400 triệu đồng. Gần 10 năm nay, phong trào phụ nữ giúp nhau xóa nghèo thông qua nhóm tiết kiệm tín dụng đã trở thành điểm tựa của hàng trăm hội viên có hoàn cảnh khó khăn của xã Nghĩa Lâm. Bà Lê Thị Hưng - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa Lâm cho biết: “Nghĩa Lâm là xã khó khăn, chị em chủ yếu sản xuất nông nghiệp vì thế đời sống bấp bênh. Từ khi quỹ tín dụng tiết kiệm của các chi hội ra đời, hội đã phối hợp với khuyến nông xã tập huấn, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế để chị em học tập. Nhờ đó, ngày càng có nhiều mô hình làm kinh tế giỏi trong các chi hội phụ nữ. Thời gian tới, hội phụ nữ xã sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này trên toàn 19 chi hội của xã để giúp chị em xóa đói giảm nghèo”.

Nghĩa Đàn hiện có 22.000 hội viên hội phụ nữ, trong đó chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhưng họ đã có nhiều cách làm hay, xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo như dệt thổ cẩm ở Nghĩa Thịnh, làm chổi đót ở Nghĩa Hội, làm đường phèn ở Nghĩa Hưng, trồng nấm ở Nghĩa Trung... Nhiều chị em đã mạnh dạn đưa các loại cây con có giá trị vào sản xuất. Trong những năm qua phong trào chị em sáng tạo trong xóa đói giảm nghèo đã được thực hiện ở nhiều chi hội, tùy vào điều kiện và tình hình của từng địa phương mà mỗi chi hội có những cách làm riêng. Ở xã Nghĩa Khánh mô hình “viên gạch hồng” giúp đỡ chị em khó khăn xây nhà; ở Nghĩa Lộc việc giúp đỡ ngày công cho những chị em neo đơn khó khăn đã trở thành việc làm thường xuyên…

Bà Hồ Thị Thanh - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Trong việc thực hiện Chỉ thị 03 về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở Nghĩa Đàn đã xuất hiện nhiều mô hình các chi hội sáng tạo... Trong năm 2014, Hội Phụ nữ huyện Nghĩa Đàn tiếp tục nhân rộng các mô hình, đặc biệt là mô hình tín dụng tiết kiệm như Chi hội Đồng San để huy động nội lực từ các hội viên ở cơ sở và giúp nhiều chị em thoát nghèo”.

Nghĩa Đàn là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, ngoài sự hỗ trợ của các cấp các ngành, việc huy động nội lực và những cách làm sáng tạo như các chi hội phụ nữ trên địa bàn sẽ góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và khẳng định được vị trí của mình.

Bài, ảnh: Đinh Thùy

Mới nhất
x
Giúp phụ nữ xóa nghèo ở Nghĩa Đàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO