Gỡ khó cho BHXH tự nguyện

02/07/2017 07:07

(Baonghean) - Thời gian qua, BHXH tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh công tác phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện bằng những giải pháp thiết thực, cụ thể. Tuy vậy, độ bao phủ BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh còn thấp. Người lao động vẫn chưa mấy mặn mà hoặc không có điều kiện để tham gia loại hình bảo hiểm có nhiều ưu việt này.

Phát triển chưa đồng đều

Theo số liệu thống kê của BHXH tỉnh, tính đến ngày 31/5/2017, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện là 23.760 người, tăng 654 người so với cuối năm 2016. Trong đó có những huyện có số lượng người tham gia cao như: Quỳnh Lưu 2.865 người, Diễn Châu 2819 người, Đô Lương 2.484 người.

Bên cạnh đó, những huyện có số lượng người tham gia rất thấp như huyện Tương Dương, chưa đến 200 người. Như vậy có thể thấy, những địa phương người dân có thu nhập tương đối đồng đều, kinh tế phát triển thì người tham gia nhiều hơn và ngược lại.

Hầu hết người lao động tự do đều không tham gia đóng BHXH tự nguyện. Ảnh: Cảnh Nam
Hầu hết người lao động tự do đều không tham gia đóng BHXH tự nguyện. Ảnh: Cảnh Nam

Một trong những địa phương có người tham gia BHXH tự nguyện cao là huyện Diễn Châu, hiện có 2.819 người tham gia BHXH tự nguyện. Được biết, nhiều năm qua, BHXH huyện thường xuyên phối hợp với các phòng, ban chức năng cấp huyện và UBND các xã, thị trấn và các đại lý thu BHXH tại 39/39 xã, thị làm tốt công tác tuyên truyền về lợi ích BHXH đến với người dân thông qua các phương tiện truyền thanh của các địa phương; phát tờ rơi và cử cán bộ, nhân viên BHXH huyện trực tiếp đến các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền về Luật BHXH...

Ông Bùi Thành Lộc - Giám đốc BHXH huyện Diễn Châu cho biết: “Để vận động người tham gia BHXH tự nguyện thì bên cạnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền, chúng tôi đẩy mạnh thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người tham gia BHXH tự nguyện để tạo dựng niềm tin trong quần chúng nhân dân. Bởi chỉ khi người dân nhận thức được lợi ích từ việc tham gia BHXH tự nguyện và có lòng tin thì họ mới yên tâm tham gia”.

Chị Nguyễn Thị Hương ở xã Diễn Phong (Diễn Châu) tham gia BHXH bắt buộc được hơn 15 năm thì chuyển ra nước ngoài định cư. Tuy nhiên, chị vẫn tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng hơn 1,3 triệu đồng/tháng, hình thức đóng 6 tháng 1 lần cho những tháng còn lại.

“Cái hay ở đây là người tham gia BHXH tự nguyện có thể chọn được hình thức đóng 1 lần hay hàng tháng, hàng quý. Tôi nghĩ đây là điều kiện rất thuận lợi đối người tham gia đóng BHXH tự nguyện; là một chính sách rất linh hoạt, phù hợp, đặc biệt đối với những người tham gia bảo hiểm nhưng lại sống xa quê, những người không có điều kiện đi lại”, chị Hương chia sẻ.

Tuy nhiên, không phải người lao động nào cũng có chung nhận thức với chị Nguyễn Thị Hương. Thực tế, hiện nay, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn gặp không ít khó khăn.

Hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đều có người tham gia BHXH tự nguyện, tuy nhiên tập trung chủ yếu ở các địa phương có nền kinh tế phát triển, còn những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, mặt bằng chung dân trí còn thấp thì tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện rất ít. Như ở huyện Tương Dương có 18 xã, thị trấn, theo thống kê của BHXH huyện thì chỉ gần 200 người tham gia, giảm hơn 100 người so với năm 2015. Đối với người dân miền núi, với mức sống như hiện nay, để theo đuổi 20 năm BHXH tự nguyện là rất khó khăn.

Ông Nguyễn Công Hòa - Giám đốc BHXH huyện Tương Dương cho biết: “Hàng năm, BHXH huyện đều xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tuy nhiên hiệu quả không cao bởi mức sống, thu nhập của người dân quá thấp. Hiện nay, chúng tôi đã tiến hành tuyên truyền về các quy định mới của Chính phủ về mức hỗ trợ BHXH cho các đối tượng, hy vọng rằng thời gian tới, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ tăng lên”.

Nỗ lực gỡ khó

BHXH tự nguyện là loại hình BHXH mà người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để hưởng các chế độ theo quy định. Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện rất rộng, là người Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên mà không tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện.

Có thể thấy, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là lao động tự do, lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp... thường có thu nhập thấp và không ổn định. Mặc dù mức đóng BHXH tự nguyện tuy có thay đổi theo khả năng của người đóng nhưng mức đóng thấp nhất hiện nay bằng 22% (tức người tham gia phải đóng ít nhất là 154.000 đồng/tháng) là số tiền không nhỏ đối với người lao động tự do và lao động ở khu vực nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng các chế độ hưu trí kéo dài đến 20 năm, đòi hỏi sự kiên trì, tin tưởng, trong khi đó, nhiều người lao động chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của BHXH với tương lai của mình.

Người dân đến nhận chi trả chế độ BHXH tại UBND xã Xuân Lâm (Nam Đàn). Ảnh: Thanh Thủy
Người dân đến nhận chi trả chế độ BHXH tại UBND xã Xuân Lâm (Nam Đàn). Ảnh: Thanh Thủy

Nhận diện khó khăn, thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, công tác tuyên truyền được xác định là “mũi nhọn” đi đầu.

BHXH tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các cơ quan thông tấn, báo chí; các hội, đoàn thể, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền Luật BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp đến người dân; phát hành các ấn phẩm tuyên truyền đến tay người lao động, nhất là người lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh như tờ rơi, áp phích tuyên truyền BHXH tự nguyện; tổ chức các hoạt động tuyên truyền miệng thông qua các buổi sinh hoạt tập thể tại các doanh nghiệp và ở các xã, phường, thị trấn.

Cùng với đó, theo bà Trần Thị Hà - Trưởng phòng Quản lý thu, BHXH tỉnh, thời gian tới, ngành BHXH sẽ xem xét mở rộng mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện, phấn đấu mỗi thôn, bản, tổ dân phố đều có nhân viên đại lý thu, hoặc điểm thu BHXH tự nguyện. Đồng thời, hướng dẫn, tập huấn chính sách BHXH tự nguyện đối với nhân viên đại lý thu để phối hợp tuyên truyền, tư vấn đến người dân.

Đáng chú ý, từ ngày 1/1/2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bằng 10% mức đóng theo chuẩn nghèo khu vực nông thôn. Trường hợp người lao động thuộc diện cận nghèo thì mức hỗ trợ là 25% (tương ứng với 38.500 đồng/tháng); người lao động thuộc diện nghèo thì mức hỗ trợ là 30% (tương ứng 46.200 đồng/tháng). Hy vọng rằng, đây sẽ là động lực thu hút thêm nhiều người dân tham gia BHXH tự nguyện, đảm bảo an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Cảnh Nam

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Gỡ khó cho BHXH tự nguyện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO