Gỡ khó cho hoạt động giám sát

01/07/2014 10:33

(Baonghean) - Trong thực tiễn, hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân (TTND), Ban Giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCĐ) ở các địa phương ngày càng khẳng định vai trò “tai mắt” của nhân dân trong tham gia quản lý, điều hành xã hội. Tuy nhiên, những vướng mắc, khó khăn gặp phải đang là lực cản không nhỏ khiến cho hoạt động này chưa đạt kết quả như mong muốn.

“Tai, mắt” của dân được phát huy

Có thể nói, kể từ khi Quốc hội khoá XI ban hành Luật Thanh tra, trong đó có quy định về Thanh tra nhân dân (TTND) và giao cho Mặt trận Tổ quốc các cấp có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo hoạt động TTND xã, phường, thị trấn. Theo đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2005/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban TTND. Cùng với đó, sự ra đời của Quyết định số 80/2005/ QĐ-TTg về việc ban hành quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng… thì hoạt động giám sát đã được quan tâm hơn. Đến nay, Nghệ An có 431/431 xã thành lập ban TTND và ban GSĐTCĐ. Được nhân dân tin tưởng, giao trách nhiệm, Ban TTND và GSĐTCĐ đã phát huy được vai trò của mình, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời nhiều hoạt động đầu tư xâm hại đến lợi ích của cộng đồng dân cư.

Làm đường giao thông nông thôn tại huyện Nam Đàn luôn có sự giám sát của Ban GSĐTCĐ.
Làm đường giao thông nông thôn tại huyện Nam Đàn luôn có sự giám sát của Ban GSĐTCĐ.

Huyện Nam Đàn là địa phương được Uỷ ban MTTQ tỉnh đánh giá cao về hoạt động giám sát. Hiện ở 24 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thành lập được Ban TTND và Ban GSĐTCĐ với tổng số thành viên là 185 người, trong đó có 166 thành viên kiêm nhiệm hoạt động ở cả 2 ban. Không phụ lòng tin của nhân dân, trong năm 2013, các ban TTND đã giám sát được 94 vụ việc. Trong đó có 31 vụ việc được xác minh, 35 vụ việc được kiến nghị và đã giải quyết được 25 vụ việc. Cũng trong năm 2013, ban GSĐTCĐ đã thực hiện giám sát 75/91 dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn, chiếm 82,4% số dự án được giám sát. Trong quá trình giám sát đã phát hiện dự án có vi phạm, kiến nghị xử lý sau giám sát 2 dự án.

Điển hình như vụ việc làm đường giao thông nông thôn tại xã Nam Cát, Ban GSĐTCĐ đã phát hiện yếu tố kỹ thuật không đúng, chất lượng cát sỏi chưa đảm bảo. Hay dự án nâng cấp kênh mương, trạm bơm tại xã Nam Cường được triển khai nhưng tiến độ chậm, nhờ có vai trò của Ban GSĐTCĐ mà sau đó, chủ đầu tư và nhà thầu đã tích cực triển khai để đảm bảo tiến độ đề ra... Ông Lê Văn Bình, Chủ tịch UBMTTQ huyện Nam Đàn cho biết: Hoạt động giám sát của các ban TTND và GSĐTCĐ ở các xã đã góp phần nâng cao trách nhiệm của các đơn vị nhà thầu thi công trong việc quan tâm đến chất lượng, tiến độ xây dựng.

Tại nhiều địa phương khác, vai trò giám sát của ban TTND, GSĐTCĐ cho thấy đây là một chủ trương đúng đắn, phát huy được quyền làm chủ của nhân dân trong việc quản lý nhà nước. Tại huyện Yên Thành, hoạt động giám sát được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm nên ở 39 xã, thị trấn đã hình thành được những cán bộ có trách nhiệm, năng lực. Nhiều vụ việc được phát hiện và kiến nghị kịp thời, củng cố lòng tin của nhân dân. Nổi bật đó là công trình xây dựng đập Đức Quảng, xã Đức Thành với nguồn vốn 265 triệu đồng phục vụ tưới cho trên 60 ha diện tích nông nghiệp của xã. Qua quá trình giám sát, ban GSĐTCĐ của xã đã phát hiện công trình xả lũ không đảm bảo như cao trình thiết kế, toàn bộ vật tư nguyên liệu không đầy đủ. Ông Cung Đình Hợp, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Thành cho biết: “Trong quá trình thi công công trình, tôi và các thành viên trong ban nhận thấy chủ đầu tư cố ý cắt xén nguyên vật liệu, thi công ẩu, làm dối. Trước tình hình đó, Ban GSĐTCĐ lập biên bản, kiến nghị với Thường trực UBMTTQ xã thông qua UBND xã, kiến nghị với HĐND xã buộc đơn vị nhà thầu phải tháo dỡ công trình làm lại hoàn toàn, trước sự chứng kiến của lãnh đạo địa phương, chủ dự án, nhà thầu và đơn vị thi công”.

Những khó khăn cần tháo gỡ

Bất cập hiện nay là ban TTND, GSĐTCĐ chỉ triển khai hoạt động giám sát đối với các công trình do huyện, xã làm chủ đầu tư, còn đối với các dự án do Trung ương, tỉnh làm chủ đầu tư thì rất khó tiếp cận. Nguyên nhân chính là do ban quản lý các dự án, nhà thầu chưa cung cấp kịp thời các văn bản, hồ sơ cần thiết, nhất là các dự án liên quan đến giao thông, thủy lợi. Như dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 540 và đường Xô Viết (đoạn qua Khu di tích Kim Liên) có tổng chiều dài 2,4 km, kinh phí được phê duyệt là 57 tỷ đồng. Được khởi công từ tháng 11/2011 và yêu cầu hoàn thành vào tháng 3/2013 nhưng quá thời hạn trên dự án còn rất dở dang. Trong quá trình thực hiện, ban GSĐTCĐ của xã chưa được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện vai trò giám sát của mình. Ông Lê Văn Bình, Chủ tịch MTTQ huyện Nam Đàn cho biết: Đây là một trong những vướng mắc lớn đối với các công trình do vốn của cấp Trung ương và cấp tỉnh thì vai trò giám sát chưa được thể hiện đầy đủ. Một phần là ban giám sát thiếu thông tin và do chưa có sự phối hợp chặt chẽ nên muốn thực hiện cũng rất khó.

Theo “Quy chế giám sát đầu tư cộng đồng” thì phạm vi giám sát của cộng đồng rất rộng. Ban Giám sát cộng đồng phải tham gia nhiều khâu, trong đó khó khăn nhất là theo dõi, kiểm tra việc tuân thủ các quy trình, quy phạm kỹ thuật, định mức vật tư và loại vật tư đúng quy định trong quá trình thực hiện đầu tư dự án; theo dõi, kiểm tra kết quả nghiệm thu và quyết toán công trình… Do hạn chế trong năng lực, trình độ chuyên môn của các thành viên nên hoạt động giám sát chưa đạt kết quả cao. Hầu hết các thành viên giám sát trực quan, tức là nghe và nhìn mà chưa có đủ trình độ để đọc thiết kế bản vẽ, tham gia giám sát dự toán, nghiệm thu, quyết toán công trình. Ông Vương Đình Ân - Chủ tịch MTTQ xã Vân Diên (Nam Đàn) cho biết: Đây là những hạn chế căn bản nhất của lực lượng giám sát cộng đồng. Bởi với trình độ chủ yếu qua sơ cấp, trung cấp thì khó mà đủ năng lực nắm bắt hết các thông số kỹ thuật, khái niệm chuyên ngành được. Vì vậy, việc tổ chức các cuộc tập huấn, trang bị kiến thức, trình độ chuyên môn cần được tổ chức nhiều hơn.

Mặc dù hoạt động của các ban GSĐTCĐ đã góp phần hạn chế được lãng phí, thất thoát tiền của Nhà nước, nhưng kinh phí cho hoạt động lại rất eo hẹp, có địa phương không đủ kinh phí bố trí cho ban TTND, GSĐTCĐ. Đến nay, huyện Hưng Nguyên đã thành lập được 23 ban TTND và 23 ban GSĐTCĐ, trong đó có 18 ban kiêm nhiệm. Nhưng có đến 5 ban GSĐTCĐ không có kinh phí hoạt động như: Hưng Tiến, Hưng Nhân, Hưng Khánh, Hưng Lam, Hưng Phú. Một số ban khác thì mỗi tháng, mỗi thành viên chỉ được cấp 20.000 ngàn đồng. Ông Phạm Văn Trung - Phó Chủ tịch MTTQ xã Hưng Khánh (Hưng Nguyên) cho rằng: Mặc dù các cán bộ rất tận tâm, trách nhiệm với công việc nhưng thiếu kinh phí nên muốn tổ chức làm việc gì cũng khó thực hiện. Chưa kể để động viên, khuyến khích anh em tham gia công tác giám sát đầu tư cộng đồng, địa phương cũng khó có thể bố trí một khoản kinh phí nào khác.

Cùng vấn đề này, bà Phan Thị Thủy - Phó Chủ tịch MTTQ huyện Hưng Nguyên cho rằng, kinh phí hoạt động của ban quá ít và chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ, nội dung hoạt động theo quy định. Nhất là trong điều kiện hiện nay khi chúng ta đang đẩy mạnh triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, bên cạnh việc bổ sung kinh phí để thành viên các ban yên tâm hoạt động cần quy định rõ trách nhiệm của những người có thẩm quyền duyệt quy hoạch, dự án, các chủ đầu tư, các đơn vị thi công và cơ quan quản lý Nhà nước… trong việc tạo điều kiện để các Ban giám sát đầu tư cộng đồng hoạt động theo đúng thẩm quyền quy định của pháp luật và coi đây là văn bản pháp quy cần thiết để nghiệm thu quyết toán công trình. Có như vậy mới nâng cao trách nhiệm của các chủ đầu tư đối với hoạt động này.

Bài, ảnh: Phạm Bằng

Gỡ khó cho hoạt động giám sát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO