Gỗ vô chủ
(Baonghean) Gần đây, các lực lượng bảo vệ rừng tỉnh ta thường bắt được “gỗ vô chủ”. Ngày 5/7/2012, tại bản Nậm Khiên (Nậm Càn , Kỳ Sơn) phát hiện 7m3 gỗ toàn dổi de, chò…Trước đó là ở bản Kim Hạnh (Thanh Sơn, Thanh Chương) 25 tấm gỗ de, sến và 2 con trâu vô chủ! Trước nữa là ở Mường Típ, Mường Ải (Kỳ Sơn), Châu Khê (Con Cuông)… cũng có nhiều vụ tịch thu lâm sản quý hiếm vô chủ, mặc dù 1m3 dổi từ 15 -20 triệu đồng. Cách xử lý gỗ vô chủ là giao cho cơ quan Kiểm lâm huyện hoặc Hạt tịch thu xử lý.
Đó là cách đánh rắn nửa chừng, bởi mục đích của chúng ta là bắt kẻ phá rừng, ngăn chặn trước khi bị đốn hạ chứ không phải chỉ lấy gỗ ấy. Muốn bắt kẻ phá rừng không khó nếu chúng ta quyết tâm.
Kinh nghiệm xử vụ gỗ vô chủ ở xã Sơn Hồng ( Hà Tĩnh) vừa qua cho thấy khi đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh tuyên bố: “Không thể nói gỗ đó là vô chủ”. Cơ quan chức năng vào cuộc lập chuyên án truy tìm chủ gỗ, kết quả, không chỉ thu thêm 105m3 gỗ nữa mà bắt được đối tượng, đưa ra truy cứu hình sự.
Vấn nạn “gỗ vô chủ” hiện đang tràn lan ở tỉnh ta (và cả nước). Nếu người quản lý không coi trọng việc truy tìm chủ “gỗ vô chủ” thì ta cứ tịch thu được nhiều gỗ , lâm tặc cứ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật mà rừng thì cứ bị rỗng ruột khắp nơi.
Thành Nam