Góc nhìn lịch sử qua bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ

06/01/2014 18:06

(Baonghean) - Là 1 trong 4 dự án phim được đầu tư sản xuất để chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội: “Lý Công Uẩn và chiếu dời đô”, “Long Thành cầm giả ca”, “Ký sự Thăng Long”, Nhưng phim “Thái sư Trần Thủ Độ” còn có nhiều ý kiến khác nhau về lịch sử và văn hóa, cần phải được chỉnh sửa. Sau 3 năm chờ đợi, đến ngày 6/11/2013 phim mới chính thức lên sóng trên VTV1.

Phim “Thái sư Trần Thủ Độ” sau nhiều tranh cãi của các nhà sử học, chân dung về vị công thần nhà Trần đã dần được bộc lộ. Công hay tội đều do cách nhìn của từng người, từng thời đại, nhưng thông qua bộ phim khán giả sẽ có cái nhìn khác về Trần Thủ Độ. Cuối đời Lý mục rã, thối nát, nếu nhà Trần không mưu đồ việc lớn thì dân chúng Đại Việt càng điêu đứng vì các phe phái nổi loạn. Nhân vật Trần Thủ Độ là tiêu điểm bắt đầu của câu chuyện lịch sử, để người xem hiểu hơn về công cuộc chuyển giao quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần vào thế kỷ XIII và nắm quyền lãnh đạo đất nước khoảng gần 40 năm (từ 1226 - 1264).

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sỹ Liên: “Trần Thủ Độ là một nhân vật lịch sử đặc biệt, được đánh giá ở nhiều góc độ khen chê khác nhau. Ông đã từng bị xem là một nhà chính trị mưu mô, thủ đoạn, thậm chí có lúc khá tàn nhẫn, nhất là trong việc dàn xếp để đoạt ngôi nhà Lý về tay nhà Trần, dẫn tới việc bức tử Lý Huệ Tông và sát hại tôn thất họ Lý để trừ hậu họa. Tuy nhiên, xét về phía nhà Trần, ông lại là người có công lớn trong việc khai sáng, phò trợ, đã đem hết lòng trung thành tận tụy, tài năng và mưu trí của mình để giúp triều đình giữ gìn cơ nghiệp, bảo vệ đất nước chống giặc ngoại xâm. Ngày nay, nhìn lại nhân vật này cần có sự công bằng hơn để đánh giá đúng mặt tốt cần khẳng định, đề cao, nhất là phẩm chất nghiêm minh, chí công vô tư của một vị quan đầu triều”.

Một số cảnh trong phim.
Một số cảnh trong phim.

Bộ phim đã có cái nhìn khái quát, toàn diện, không chỉ về nhân vật chính Trần Thủ Độ mà còn làm nổi bật các nhân vật khác có vai trò quan trọng liên quan đến hai triều đại Lý - Trần. Không phủ nhận công lao của Trần Thủ Độ, nhưng người đặt nền móng cho nhà Trần lại chính là Trần Lý – người xuất thân từ nghề chài lưới truyền thống của gia đình, nhưng tư tưởng của ông đã vượt xa vùng đất Hải Ấp hướng về Thăng Long, với một mục đích chính trị rõ ràng, nhìn được thời cuộc và biết dùng người tài. Trần Lý trao trọn niềm tin vào người cháu Trần Thủ Độ, dùng con gái Trần Thị Dung “trói chân” Thái tử Sảm (vua Lý Huệ Tông sau này), một ván cờ cao tay để tránh tiếng là soán ngôi nhà Lý.

So với những phim lịch sử đã được xây dựng trước đây, “Thái sư Trần Thủ Độ” là bộ phim khá hay, được làm chỉn chu với sự đầu tư và tìm hiểu về lịch sử một cách nghiêm túc. Kịch bản của Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn khá chặt chẽ và chắc tay, những tình huống đưa ra đều thuyết phục, hợp tình, hợp lý. Phim được làm kỹ càng đến từng chi tiết về phục trang, đạo cụ, các thế võ thuật - vốn là điều hay bị so sánh giữa phim lịch sử Việt với phim cổ trang Trung Quốc - nhưng lần này khán giả tương đối hài lòng về bối cảnh của phim. Có thể thấy phim “Thái sư Trần Thủ Độ” đậm chất Việt qua từng cảnh quay, đạo cụ, giáo mác, cung tên, xe kéo và cả trang phục… cũng đã thể hiện được sự gần gũi với văn hóa của người Việt Nam.

Kịch bản tốt, đạo diễn tâm huyết và có kinh phí đầu tư lớn. Cùng với diễn xuất của dàn diễn viên gạo cội có nghề, như NSND Hoàng Dũng (vua Lý Cao Tông), NSND Lan Hương (Đàm Hoàng hậu), NSƯT Bùi Bài Bình (Tô Trung Từ),.. đã làm nên thành công của tác phẩm. Trong phim có nhiều trường đoạn khá xúc động, đặc biệt là các cảnh diễn nội tâm của nhân vật vua Lý Cao Tông, Trần Lý, Đàm Hoàng hậu, hay bộ ba diễn viên Trần Bảo, Lã Thanh Huyền, Hứa Vĩ Văn trong các vai Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung, Thái tử Sảm trước tâm lý cuộc tình “tay ba” và sự hy sinh vì mưu cầu nghiệp lớn. Với quy mô dàn dựng công phu, hoành tráng của thể loại phim dã sử, cổ trang, đã được thể hiện qua các tình tiết, sự kiện một cách hấp dẫn người xem.

Được biết, phim “Thái sư Trần Thủ Độ” đã huy động đến 120 diễn viên cả trong Nam ngoài Bắc tham gia, với số kinh phí đầu tư “khủng” lên tới 57 tỷ đồng. Ngoài sử dụng bối cảnh ở trường quay ở Cổ Loa, đoàn làm phim còn phải sang cả Trung Quốc mượn trường quay Hoành Điếm để thực hiện những đại cảnh về quy mô diễn biến của câu chuyện, cũng như cung điện nguy nga tráng lệ của triều đình. Ghi nhận vai trò chỉ huy của Tổng đạo diễn Đào Duy Phúc và Tất Bình - Giám đốc Hãng phim truyện I là hết sức thận trọng và có hiệu quả, để không mang tiếng là “đốt tiền” một cách vô ích, như dư luận đã ỳ xèo. Với những gì đã thể hiện, “Thái sư Trần Thủ Độ” là bộ phim đáng xem và sẽ là một khởi đầu tốt đẹp để việc đầu tư cho đề tài phim lịch sử Việt Nam được quan tâm chú ý hơn.

Lê Lân (47, Đặng Thúc Hứa, Vinh)

Mới nhất

x
Góc nhìn lịch sử qua bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO