Gói cứu trợ đắt giá của Hy Lạp

(Baonghean) - Quốc hội Hy Lạp hôm 14/8 đã thông qua gói cứu trợ thứ 3 dành cho đất nước này với thời hạn 5 năm, bất chấp những sự phản đối mạnh mẽ ngay tại Athens. Cuộc bỏ phiếu hết sức căng thẳng đã dẫn tới những sự chia rẽ thậm chí trong nội bộ đảng Syriza cầm quyền tại xứ sở thần thoại.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras sáng sớm ngày hôm qua (14/8) đã chiến thắng một cách khó nhọc và với cái giá quá đắt sau khi các nhà làm luật phe đối lập chịu thông qua gói cứu trợ trị giá 85 tỷ euro (tương đương 94,8 tỷ USD) trong nỗ lực duy trì nền tài chính của nước này tránh lâm vào bờ vực sụp đổ. Các điều khoản của gói cứu trợ được trình bày chi tiết trong văn bản dài tới 400 trang giấy, chứng tỏ khối lượng công việc và tính phức tạp của cuộc tranh luận trong nội bộ Hy Lạp là không hề đơn giản. Sau hàng giờ đồng hồ căng thẳng, cuối cùng 222 nghị sỹ quốc hội đã bỏ phiếu chấp nhận bản thảo các điều kiện cứu trợ này, về cơ bản giành chiến thắng với số đông áp đảo trước 64 phiếu chống và 11 phiếu trắng. Tuy nhiên, chỉ có 118 trên tổng số 162 thành viên thuộc liên minh cầm quyền của ông Tsipras, gồm đảng cánh tả cấp tiến Syriza và đảng cánh hữu Những người Hy Lạp độc lập, bỏ phiếu tán thành gói cứu trợ. Điều này cho thấy rõ ràng trong nội bộ đảng cầm quyền và những người lẽ ra nên ủng hộ ông Tsipras cũng có sự phân hóa nhất định, ít nhất cho tới thời điểm này 1/3 nghị sỹ đảng Syriza không bộc lộ sự đồng lòng với nhà lãnh đạo của mình, và các điều kiện được chủ nợ quốc tế đưa ra đối với họ là khó chấp nhận. Ngay sau cuộc bỏ phiếu, hãng thông tấn Reuters đã dẫn lời một quan chức cấp cao trong liên minh của Tsipras nói rằng vị thủ tướng này sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm sau ngày 20/8 tới, hạn chót để thanh toán khoản vay lớn cho Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Hãng tin nêu trên cũng dẫn lời một quan chức cấp cao khác trong đảng đối lập Dân chủ mới, khẳng định sẽ không dành sự ủng hộ cho ông Tsipras.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras phát biểu cuối phiên họp quốc hội tại Athens hôm 14/8. 	Ảnh: Reuters
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras phát biểu cuối phiên họp quốc hội tại Athens hôm 14/8. Ảnh: Reuters
Trong suốt cuộc tranh luận thâu đêm trước khi tiến hành bỏ phiếu, Tsipras đã thôi thúc các nhà làm luật đưa ra “sự lựa chọn cần thiết” đối với đất nước Hy Lạp, đồng thời cảnh báo mạnh mẽ trước phương án lựa chọn một khoản vay bắc cầu theo đề xuất của Đức, bởi lẽ điều đó sẽ đẩy Hy Lạp quay trở về quãng thời gian “khủng hoảng không có hồi kết”. Vài ngày trước đó, Thủ tướng Hy Lạp đã ký thỏa thuận với các chủ nợ nhằm mục đích duy trì đất nước trong tình trạng có khả năng thanh khoản. Tuy nhiên, thỏa thuận này đạt được với một cái giá phải trả không hề nhỏ đối với những người dân Hy Lạp, tăng cường thêm các biện pháp khắc khổ gây nhiều hệ lụy và vốn vấp phải sự phản đối rộng rãi mà nhà lãnh đạo đảng cánh tả từng tuyên bố sẽ cực lực phản đối trong chiến dịch tranh cử hồi đầu năm.
Hiện nay, các nhà lập pháp thuộc đảng Syriza có tư tưởng bài xích chính sách khắc khổ “thắt lưng buộc bụng” đã phát tín hiệu đe dọa sẽ kêu gọi các cuộc bầu cử đột xuất sớm nhất là vào đầu tháng 9 tới. Trong một tuyên bố kèm chữ ký của Panagiotis Lafazanis, cựu bộ trưởng nội các và 11 thành viên khác trong đảng Syriza được đăng tải trên trang web Iskra của phái cực hữu, những người này hùng hồn tuyên bố: “Cuộc chiến chống lại gói cứu trợ mới bắt đầu từ hôm nay, bằng cách vận động mọi người ở mọi ngóc ngách của đất nước Hy Lạp”. Chưa dừng lại ở đó, Lafanzanis còn tuyên bố thêm, chĩa thẳng vào Thủ tướng Tsipras: “Tôi thấy xấu hổ thay cho ngài. Chúng ta không còn nền dân chủ nữa… mà thay vào đó là một nền độc tài của khu vực đồng tiền chung euro”.
Những phần tử chống đối như Lafanzanis đã khẩn nài chính phủ Hy Lạp tiếp tục trung thành với những hứa hẹn và cam kết từng được đưa ra khi tranh cử, mà theo đó sẽ cố gắng đảo chiều những “làn sóng” cắt giảm chi tiêu và tăng thuế, vì thực tế những biện pháp này đều có ảnh hưởng tiêu cực đáng kể và gây ra tình trạng thất nghiệp ngày càng phổ biến cũng như làm kiệt quệ thêm nền kinh tế Hy Lạp vốn dĩ đã yếu ớt trong vòng 6 năm qua. Theo một nguồn phân tích mà Reuters đã thu thập được, bộ ba chủ nợ quốc tế “nghiêm túc lấy làm quan ngại” về khả năng duy trì mức nợ công của Hy Lạp. Song điều này vẫn có khả năng đạt được mà không cần xóa nợ thông qua việc kéo dài thời gian hoãn trả nợ trước khi Athens phải bắt đầu thanh toán tiền lãi và tiền gốc bằng các khoản vay cứu trợ của nước này.
Là một trong các thể chế chủ nợ, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) “chuộng” hình thức “chiết khấu” nợ trong khi Đức kiên quyết phản đối, mặc dù một số nhân vật hàng đầu đã kiến nghị không hạn chế các đợt gia hạn nợ. Nhiều tháng đàm phán khó khăn giữa Athens và các chủ nợ đã gây ảnh hưởng đến nền kinh tế vừa thoát khỏi thời kỳ khủng hoảng kéo dài hồi năm ngoái trước khi quay trở lại xu hướng đi xuống một lần nữa. Theo số liệu được công bố hôm 13/8, nền kinh tế Hy Lạp đã bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng trở lại trong quý II năm nay, hoàn toàn bất ngờ khi nhiều chuyên gia kinh tế dự báo về một đợt suy thoái trầm trọng hơn. Dù vậy, trước tin tức có phần lạc quan và gieo hy vọng về sự khởi sắc của Hy Lạp, giới phân tích vẫn tiếp tục cho rằng kinh tế Hy Lạp đã tiếp tục xấu đi kể từ cuối quý II trong bối cảnh chính phủ áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn hôm 29/6 vừa qua trong nỗ lực cứu hệ thống ngân hàng Hy Lạp thoát tình trạng sụp đổ.
Như vậy, dự luật về gói cứu trợ thứ 3 dành cho quê hương của những câu chuyện thần thoại rốt cuộc đã được thông qua, nhưng dường như vị Thủ tướng của Hy Lạp đã phải đánh đổi bằng một cái giá không hề nhỏ trên khía cạnh chính trị. Gần 1/3 các thành viên trong đảng của ông đã không tán thành gói cứu trợ, một con số thậm chí còn lớn hơn nhiều so với dự liệu. Họ đang hoài nghi rằng phải chăng thủ tướng của họ đã phản bội những cam kết mà ông đã nêu trong chiến dịch tranh cử, phải chăng ông đã quên ý chí phản đối “thắt lưng buộc bụng”? Về lý thuyết, Alexis Tsipras có vẻ đã mất đi số đông trong quốc hội và chính quyền của ông đang bên bờ rơi vào tình cảnh “chỉ mành treo chuông”. Nhiều nguồn tin cho rằng ông sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm vào tuần tới, khiến cho khả năng về cuộc bầu cử đột xuất vào mùa Thu trở nên gần thêm chút nữa.
Phú Bình

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó. 

Israel chuẩn bị cho kịch bản ở các khu vực khác ngoài Gaza

Israel chuẩn bị cho kịch bản ở các khu vực khác ngoài Gaza

(Baonghean.vn) - Israel đang tiếp tục cuộc chiến ở Gaza nhưng cũng đang chuẩn bị cho kịch bản ở các khu vực khác, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết ngày 11/4, trong bối cảnh lo ngại rằng Iran đang chuẩn bị tấn công Israel để đáp trả việc sát hại các chỉ huy cấp cao của Iran.