Góp phần hoàn thiện chủ trương, chính sách pháp luật

09/06/2015 08:52

(Baonghean) - Hơn 1 năm qua, MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội các cấp đã nỗ lực đưa Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị về Quy chế giám sát và phản biện xã hội đi vào cuộc sống. Từ đó góp phần xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của các cấp ủy đảng, chính quyền sát hợp với thực tiễn của đời sống xã hội.

Chọn vấn đề người dân quan tâm

Với phương châm đi sâu vào chất lượng hơn số lượng, các lĩnh vực, MTTQ Nghi Lộc chọn giám sát là những vấn đề cử tri có nhiều băn khoăn, kiến nghị. Trong năm 2014, ngoài nội dung giám sát liên quan đến công tác cải cách hành chính và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo công dân ở một số đơn vị cấp xã, qua đó chỉ ra những tồn tại hạn chế cần khắc phục như việc giải quyết việc của công dân ở bộ phận một cửa không có giấy hẹn; việc theo dõi, lưu trữ hồ sơ giải quyết đơn thư chưa đầy đủ, khoa học...

Giám sát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng ở Anh Sơn.
Giám sát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng ở Anh Sơn.

MTTQ huyện còn triển khai giám sát công tác chấp hành pháp luật trong tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại công an huyện. Từ đó phát hiện và yêu cầu đơn vị khắc phục việc thiết lập và chuyển giao một số hồ sơ thi hành án treo, cải tạo không giam giữ cho UBND xã còn chậm và những vi phạm trong quy chế tạm giữ, tạm giam như giữ chung buồng các đối tượng trong một vụ án, việc đưa người bị tạm giữ, tạm giam vào chung một buồng...

Một số địa phương tiến hành giám sát những lĩnh vực khó, nhạy cảm mà người dân quan tâm. Ví dụ như MTTQ huyện Nghĩa Đàn giám sát việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về huy động đóng góp của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng tại một số đơn vị cấp xã; MTTQ Thị xã Cửa Lò giám sát trực tiếp 57% đối tượng sai lệch phần trăm thương tật giữa tổng rà soát và thực tế chi trả tại 7 phường xã. MTTQ huyện Tân Kỳ giám sát việc cấp phát tiền, quà, gạo cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo neo đơn, trẻ mồ côi; việc xây nhà ở cho người có công với cách mạng. Riêng Thành phố Vinh trong năm 2014, MTTQ thành phố và các phường xã đã giám sát được 34 chuyên đề trên các lĩnh vực. Trong đó có công tác cải cách hành chính, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thành phố; giám sát vệ sinh ATTP, y tế học đường tại 36 trường học thuộc các cấp học được cấp ủy, chính quyền và nhân dân đánh giá cao.

Trong năm 2014, MTTQ tỉnh cũng đã triển khai thành lập đoàn giám sát nội dung thực hiện công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện Anh Sơn và Diễn Châu. Qua giám sát đoàn đã phát hiện ra những tồn tại, hạn chế trên lĩnh vực này như cửa hàng, đại lý kinh doanh thuốc không có chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ hành nghề hết thời hạn, vị trí bán thuốc, bảo quản không đúng quy định. Sau đó UBND tỉnh đã có Văn bản số 8137/UBND - TN giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương kiểm tra, sà soát và có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, bất cập; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh những giải pháp chỉ đạo, điều hành có hiệu quả công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh. Việc giám sát tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng được triển khai nghiêm túc từ cấp tỉnh đến cơ sở. Nhiều vấn đề phát sinh sau rà soát được xử lý dứt điểm...

Ông Nguyễn Đức Thành, Trưởng Ban dân chủ pháp luật (MTTQ tỉnh) cho hay: Sau một năm thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị, hoạt động giám sát và phản biện xã hội, từng bước đi vào nề nếp và trở thành chế độ công tác của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội theo chức trách, nhiệm vụ được giao. Qua đó đã góp phần phát hiện kịp thời những sai sót, yếu kém; sửa đổi những quy định không phù hợp, những nội dung chưa sát, chưa đúng; góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội của các chủ trương, chính sách. Đồng thời, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân; xây dựng, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, các cấp chính quyền...

Để giám sát, phản biện đi vào cuộc sống

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, MTTQ các cấp không tránh khỏi lúng túng trong cách lựa chọn nội dung và cách làm, chủ yếu đang vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Một số địa phương chưa xây dựng, triển khai kế hoạch giám sát, phản biện, hoặc có triển khai hoạt động giám sát, phản biện nhưng chưa đi vào chiều sâu, nhất là ở cấp xã. Vẫn có hiện tượng giám sát, phản biện theo kiểu hình thức, lựa chiều, theo ý của người lãnh đạo, người có thẩm quyền... Nguyên nhân là do năng lực của đội ngũ cán bộ MTTQ và các đoàn thể hạn chế; không được đào tạo bài bản, nhất là ở cấp huyện và cơ sở. Nhiều cán bộ chưa ngang tầm với nhiệm vụ, tính chuyên sâu không cao; năng lực nhìn nhận, phân tích vấn đề, đánh giá, kết luận còn có những bất cập, trong khi đó nhiều lĩnh vực giám sát độc lập, giám sát theo chuyên đề đòi hỏi phải có chuyên môn sâu, phải có chuyên gia.

Theo ông Đậu Khắc Thân, Phó Chủ tịch UBMTTQ huyện Nghi Lộc thì việc quy định mặt trận và các đoàn thể muốn giám sát phải thông qua và có sự đồng ý của cấp ủy, chính quyền phần nào cũng gây khó khăn; ở cấp xã, phường lại càng khó hơn vì vừa thiếu và yếu trong yếu tố con người, không có nguồn kinh phí cộng thêm tâm lý ngại va chạm... Vì vậy, trong năm 2014, ở Nghi Lộc chưa triển khai được việc thực hiện giám sát theo Quyết định 217 ở cấp xã. Ngay như ở Quỳnh Lưu - một trong những đơn vị được đánh giá là triển khai khá tốt thì cũng mới chỉ có 40% số xã triển khai được, còn nữa thì phối hợp lồng ghép trong hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng.

Một lý do nữa khiến cho hiệu quả giám sát và phản biện xã hội của MTTQ chưa cao là cấp ủy, chính quyền ở cơ sở nhiều nơi chưa thật sự chú trọng lãnh đạo cũng như phối hợp với MTTQ thực hiện; cơ chế phối hợp giữa chủ thể giám sát, phản biện và đối tượng giám sát , phản biện còn chưa rõ ràng, thiếu chế tài và những quy định liên quan.

Theo ông Cao Văn Toàn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Vinh: “Để thực hiện giám sát và phản biện theo Quyết định 217, ngoài yêu cầu cán bộ MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội phải không ngừng trau dồi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng công tác thì yếu tố quyết định vẫn là sự quan tâm, chỉ đạo, phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để MTTQ và các đoàn thể yên tâm thực thi nhiệm vụ của mình. Như ở Thành phố Vinh, mặc dù khó khăn về kinh phí nhưng thành phố vẫn cân đối nguồn ngân sách trong quỹ hoạt động chung của mặt trận để hỗ trợ cho thành viên của các ban tư vấn ở mức như là ủy viên ủy ban MTTQ cấp huyện không hưởng lương.

Bên cạnh đó, việc công khai, minh bạch thông tin kết luận giám sát cũng như việc khắc phục, sửa chữa những tồn tại hạn chế sau giám sát của các đối tượng bị giám sát; xây dựng hệ thống cơ chế, ban hành các chế tài, bổ sung hoàn chỉnh các quy định của pháp luật để MTTQ và các tổ chức đoàn thể thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội cũng là điều kiện quan trọng để Quyết định 217 của Bộ Chính trị thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.

Bài, ảnh: Gia Huy

Góp phần hoàn thiện chủ trương, chính sách pháp luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO