Góp ý Đề án nâng cao chất lượng dân số tại các xã có đông đồng bào giáo dân

11/04/2013 13:53

(Baonghean.vn) - Sáng nay 11/4, UBND tỉnh tổ chức lấy ý kiến góp ý Đề án "Nâng cao chất lượng dân số tại các xã có đông đồng bào giáo dân giai đoạn 2013 - 2015 và những năm tiếp theo".

Tham dự có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBMTTQ tỉnh, Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ, các sở ngành: Tài chính, KH&ĐT, VHTT&DL, TT&TT, Nội vụ, Tư pháp, BHXH, Báo Nghệ An, Đài PTTH. Đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.



Toàn cảnh buổi lấy ý kiến góp ý.

Trong những năm qua công tác DS/KHHGĐ vùng có đông đồng bào giáo dân đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, mức sinh vẫn giảm chậm và còn quá cao so với mức bình quân chung. Để từng bước giảm tỉ lệ gia tăng dân số, ổn định mức sinh, đặc biệt nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống ở các xã có đông đồng bào giáo dân, việc đẩy mạnh công tác truyền thông được xem là nhiệm vụ rất quan trọng.

Trên cơ sở khảo sát các nhóm đối tượng có độ tuổi từ 25 - 50 tại địa bàn 6 xã ở Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Cửa Lò, Chi cục DS/KHHGĐ đã xây dựng dự thảo Đề án giai đoạn từ năm 2013 - 2015 với các nhóm mục tiêu: Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với công tác DS/KHHGĐ ở vùng có đông đồng bào giáo dân; Tăng cường các hoạt động truyền thông vận động thay đổi hành vi về DS/KHHGĐ phù hợp với tập quán sinh hoạt, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ về DS/CSSKSS/KKKGĐ phù hợp đặc điểm và tập quán sinh hoạt của đồng bào. Lồng ghép các hoạt động của CTMTQG đối với các địa bàn; Đào tạo tập huấn nhằm nâng cao năng lực truyền thông vận động và tư vấn cộng đồng cho đội ngũ cán bộ tham gia công tác DS/KHHGĐ cơ sở.

Các đại biểu đã mổ xẻ, phân tích và đóng góp 12 ý kiến tâm huyết, trong đó đề nghị: Cần xác định lại tên đề án, đề án có tính dài hơi, có tính chất tổng quát trong công tác tuyên truyền; Cần xác định mục tiêu là công tác truyền thông để tập trung xây dựng đề án có trọng tâm; Cần mở rộng nhóm các đối tượng khảo sát để đánh giá sát đúng tâm sinh lý từ đó xác định rõ nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ sinh cao; Xác định những khó khăn, tính đặc thù để có giải pháp trong quá trình thực hiện truyền thông; Tăng cường công tác truyền thông nhưng phương thức thực hiện phải có sự thay đổi và hướng tới các nhóm đối tượng cần truyền thông như chức sắc tôn giáo, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, các cặp vợ chồng trẻ, học sinh các cấp... để tăng hiệu quả thực thi; Các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và đặc biệt cần vận động các chức sắc tham gia tích cực trong công tác truyền thông, gắn trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong công tác truyền thông..

Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Đường đề nghị Chi cục DS/KHHGĐ thu nhận, nghiên cứu những ý kiến đóng góp của các đại biểu; mở rộng phạm vi thực hiện đề án tới các xã có đông đồng bào giáo dân; đề ra các giải pháp để tác động có hiệu quả trong công tác truyền thông; xác định rõ đây là nhiệm vụ quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành và các tổ chức chính trị xã hội, gắn trách nhiệm cụ thể để xây dựng đề án thực sự có chất lượng.


Nhật Lân

Mới nhất
x
Góp ý Đề án nâng cao chất lượng dân số tại các xã có đông đồng bào giáo dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO