Góp ý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

(Baonghean) - Dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 sắp tới. Việc góp ý nhằm tập hợp đầy đủ những ý kiến của dân đối với những vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều nhằm mục đích hoàn thiện BLHS theo hướng chặt chẽ để khi đi vào cuộc sống không gặp vướng mắc. Qua nghiên cứu Dự thảo BLHS cũng như thực tiễn quá trình áp dụng pháp luật, chúng tôi có ý kiến góp ý vào một số vấn đề của dự thảo:
1. Nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội
Chủ thể của tội phạm là một trong những yếu tố cấu thành tội phạm, mà độ tuổi là một trong những điều kiện bắt buộc để đánh giá năng lực chủ thể tội phạm. Nếu không thỏa mãn điều kiện về độ tuổi thì cũng không thỏa mãn điều kiện về chủ thể của tội phạm, như vậy không bị coi là người phạm tội và đương nhiên không phải chịu trách nhiệm hình sự. Mục đích của dự thảo đưa ra các biện pháp thay thế xử lý hình sự ở đây là nhằm tạo điều kiện để người chưa thành niên phạm tội có cơ hội khắc phục, sửa chữa sai lầm. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, tình hình tội phạm do người chưa thành niên thực hiện đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất, mức độ nghiêm trọng thì việc áp dụng cách thức xử lý như vậy không bảo đảm được hiệu quả của công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm. Trong khi đó, các biện pháp thay thế xử lý hình sự được đưa ra trong dự thảo thì có biện pháp mang tính răn đe, cảnh cáo, nhưng có biện pháp chủ yếu mang tính chất tìm ra hình thức giải quyết hậu quả pháp lý đối với hành vi mà người chưa thành niên phạm tội thực hiện chứ chưa coi trọng yếu tố phòng ngừa tội phạm (hòa giải tại cộng đồng; giám sát, giáo dục tại gia đình hoặc giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức).
2. Về miễn trách nhiệm hình sự
Dự thảo BLHS (sửa đổi) đã quy định rõ độ tuổi và các tội mà độ tuổi từ 14 đến 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS). Việc khoanh lại một số tội mà lứa tuổi này phải chịu TNHS là phù hợp với chính sách xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội. Dự thảo quy định 3 biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội là khiển trách, hòa giải tại cộng đồng và giám sát, giáo dục tại gia đình hoặc giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức. Đây là những biện pháp nhẹ hơn cả các biện pháp tư pháp và được áp dụng tương đối rộng với các tội phạm nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng do vô ý. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc đến tính khả thi của quy định.
Dự thảo cũng đã bỏ quy định miễn  đối với người chưa thành niên phạm tội và thay vào đó là các biện pháp xử lý thay thế xử lý hình sự. Quy định này thực chất nhằm quản lý chặt chẽ hơn đối với người chưa thành niên phạm tội nhưng lại làm nặng hơn TNHS của họ nếu như họ có vi phạm về nghĩa vụ của các biện pháp xử lý. Dự thảo quy định miễn TNHS đối với người đã thành niên nhưng lại không quy định chế định này với người chưa thành niên là bất hợp lý.
3. Trách nhiệm hình sự của pháp nhân
Dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định TNHS của pháp nhân, nhưng loại trừ các pháp nhân là cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
Theo chúng tôi, quy định TNHS của pháp nhân là phù hợp với xu thế vận động của xã hội và các nước trên thế giới. Bởi hiện nay không ít các pháp nhân, vì mục tiêu lợi nhuận hoặc các lợi ích khác mà đã thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, có mức độ nguy hiểm lớn cho xã hội, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của Nhà nước, tổ chức và cá nhân. Những hành vi vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện đang diễn ra ngày càng nhiều, đặc biệt trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý kinh tế, thị trường tài chính...  Trong khi đó, việc áp dụng các chế tài hành chính, dân sự đối với các hành vi trái pháp luật của pháp nhân cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, không đủ sức răn đe, nhiều pháp nhân sẵn sàng chịu phạt để tiếp tục vi phạm, làm giảm hiệu lực của công tác quản lý Nhà nước.
Mặt khác, khi bị truy cứu TNHS thì pháp nhân, người đại diện của pháp nhân sẽ phải tham gia hoạt động tố tụng hình sự, trực tiếp chịu tác động của một quy trình tố tụng nghiêm khắc, và có tính giáo dục, răn đe cao nhất của Nhà nước, đặc biệt là thông qua hoạt động xét xử công khai tại phiên tòa hình sự thì tính răn đe và phòng ngừa vi phạm pháp luật đối với pháp nhân sẽ cao hơn.
Trọng Hải

tin mới

Tuần tra đêm bắt đối tượng sử dụng hung khí gây rối trật tự công cộng và tàng trữ trái phép chất ma túy

Tuần tra đêm bắt đối tượng sử dụng hung khí gây rối trật tự công cộng và tàng trữ trái phép chất ma túy

(Baonghean.vn) - Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát vào ban đêm, Tổ tuần tra, kiểm soát Đại đội Cảnh sát Cơ động đã bắt 01 đối tượng sử dụng hung khí gây rối trật tự công cộng và 02 đối tượng tàng trữ trái phép chất ma tuý; thu giữ các tang vật liên quan.

Bắt đối tượng mang 2.000 viên ma túy đi tiêu thụ

Bắt đối tượng mang 2.000 viên ma túy đi tiêu thụ

(Baonghean.vn) - Vừa bước xuống xe khách, chưa kịp tẩu tán 2.000 viên ma túy tổng hợp, Lô Thị Vân trú tại xã Giang Sơn (Đô Lương) đã bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Nghệ An), Công an huyện Quỳ Hợp đồng chủ trì, phối hợp với Công an huyện Đô Lương bắt giữ.

Có cầu mới vượt sông Hiếu, hơn 3 nghìn người dân Quỳ Châu thoát nỗi lo bị chia cắt cục bộ mùa mưa lũ

Có cầu mới vượt sông Hiếu, hơn 3 nghìn người dân Quỳ Châu thoát nỗi lo bị chia cắt cục bộ mùa mưa lũ

(Baonghean.vn) - Liên tục vài năm gần đây, xã Châu Thắng (Quỳ Châu) luôn chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt, khi nước sông Hiếu dâng cao còn bị chia cắt cục bộ, công tác cứu hộ, cứu trợ gặp rất nhiều khó khăn. Cây cầu mới vừa được xây dựng hoàn thành đã giải quyết dứt điểm vấn đề này.