Góp ý sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005
(Baonghean) - Bộ luật Dân sự năm 2005 có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật của nước ta hiện nay. Để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, xây dựng một nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa, tôi xin đóng góp một số ý kiến về sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005 như sau:
1. Về hộ gia đình: Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) không chính thức ghi nhận hộ gia đình là một chủ thể độc lập của quan hệ pháp luật dân sự sẽ làm giảm đi những khó khăn cho các cơ quan công chứng, tòa án khi phải xác định hộ gia đình là gì, bao gồm các thành viên nào. Điều 237 dự thảo ghi nhận sở hữu chung của hộ gia đình là sở hữu chung theo phần sẽ tạo ra cơ chế phù hợp cho các chủ thể khi xác lập các giao dịch liên quan đến tài sản chung của hộ gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc không quy định hộ gia đình là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự sẽ dẫn đến một số hệ lụy như: phải rà soát, sửa đổi rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định về hộ gia đình; nhiều quan hệ pháp luật hiện hành do hộ gia đình thực hiện vẫn đang được pháp luật thừa nhận và bảo vệ cũng như nhiều thủ tục hành chính, giấy tờ pháp lý liên quan đến hộ gia đình sẽ tiếp tục xử lý như thế nào, theo lộ trình nào cho hợp lý để đảm bảo quyền, nghĩa vụ của hộ gia đình cũng như các thành viên của hộ gia đình trong các giao dịch đã thực hiện, đồng thời vẫn cần bảo đảm sự ổn định của các giao dịch dân sự.
Cơ quan Viện Kiểm sát tỉnh tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự. |
Vì vậy, tôi cho rằng, đối với hộ gia đình, về trước mắt, cần hoàn thiện các điểm còn bất cập của quy định về hộ gia đình tại Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 và chỉ nên giới hạn các giao dịch của hộ gia đình liên quan đến tài sản chung là quyền sử dụng đất; về lâu dài thì không nên ghi nhận đây là một chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự vì đặc tính thiếu ổn định và bền vững của hộ gia đình cũng như khó xây dựng các quy định để điều chỉnh các quan hệ nội bộ giữa các thành viên trong gia đình.
2. Quy định về di chúc chung vợ chồng: Điều 663 BLDS quy định vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho vợ, chồng cùng thể hiện được ý chí thống nhất trong việc định đoạt tài sản chung của vợ chồng và nó đã góp phần vào thúc đẩy các quan hệ dân sự cũng như vấn đề tôn trọng và bảo vệ các quyền dân sự của chủ sở hữu tài sản.
Theo Khoản 1 Điều 664 BLDS thì vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 664 quy định việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người chết trước thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình. Như vậy, trong trường hợp này, ý chí của người lập di chúc chung không thể độc lập trong việc định đoạt tài sản, kể cả phần tài sản của mình trong khối tài sản chung của vợ chồng khi vợ hoặc chồng không đồng ý.
Mặt khác, Điều 668, BLDS quy định hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ, chồng từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ chồng cùng chết. Trên thực tế thì vợ, chồng thường không chết cùng thời điểm mà có nhiều trường hợp cách nhau hàng chục năm hoặc lâu hơn nữa. Khi đó, nếu người được thừa kế có nhu cầu chia tài sản sẽ không thực hiện được, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích chính đáng của họ. Hơn nữa, người chồng hoặc vợ còn sống cũng không thể thực hiện được đầy đủ quyền của mình đối với bản di chúc chung đó.
Để bảo đảm quyền của người lập di chúc chung của vợ chồng, BLDS nên xem xét sửa đổi Khoản 2 Điều 664 theo hướng cho phép một bên vợ hoặc chồng có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc trong phạm vi phần tài sản của mình trong khối tài sản chung của vợ chồng (đã được định đoạt bởi di chúc chung) bất cứ lúc nào kể cả khi không có sự đồng ý của vợ hoặc chồng. Khi đó, nếu bên kia không chấp thuận thì coi như di chúc chung đã lập trước đó không còn hiệu lực, mỗi người có quyền định đoạt phần của mình theo quy định chung về thừa kế. Trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng chết trước thì nên quy định phần di sản có thể được chia cho những người được thừa kế khi có yêu cầu và được sự chấp thuận của người chồng hay vợ còn sống (sửa đổi Điều 668- BLDS về hiệu lực của di chúc chung của vợ, chồng).
Bùi Thu Thảo