Grand Prix Đức bị bỏ rơi: Cơm áo không đùa với khách thơ

25/03/2015 09:41

Một trong những chặng đua giàu truyền thống nhất làng F1 bị loại khỏi lịch đấu mùa 2015 và không biết bao giờ mới trở lại với người hâm mộ.

Sự việc này khiến người hâm mộ phải tự hỏi liệu F1 đang dần đánh mất đi những giá trị biểu tượng?

Giá trị truyền thống và biểu tượng cũng không thể cứu nguy cho GP Đức. Lần gần nhất người hâm mộ nước Đức không được chứng kiến những chiếc xe F1 đua tài trên đất nước quê hương là vào năm 1955. Từ đó, F1 chưa bao giờ vắng mặt trên đất nước sản sinh những huyền thoại như Michael Schumacher và Sebastian Vettel (ngoại trừ mùa giải 1960 bị hủy bỏ vì lý do an toàn). Ngược về trước, Grand Prix Đức lần đầu được tổ chức là vào năm 1926. Chỉ có Bỉ và Italy là hai quốc gia được tổ chức chặng đua F1 liên tục dài hơn Đức.

Trước khi Đức bị gạt ra khỏi lịch thi đấu, Pháp cũng đã bị mất cơ hội tổ chức chặng đua F1 vào năm 2009 và hầu như không còn cơ hội trở lại trong tương lai gần, dù rằng đây là đất nước tổ chức cuộc đua xe tốc độ lần đầu tiên trên thế giới vào năm 1906. Khi không đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi ngày một tăng về chi phí phải trả để được tổ chức chặng đua F1, Pháp bị loại thẳng tay bởi Bernie Ecclestone bất chấp tính lịch sử của Grand Prix Pháp.

1-7189-1427154032.jpg

Những chiếc xe F1 liệu có còn lăn bánh trở lại trên đường đua Hockenheim. Ảnh: Formula 1.

Ông trùm F1 tỏ ra không hề tiếc nuối khi bỏ rơi một chặng đua mang tính di sản và rất giàu truyền thống. Ecclestone cũng tuyên bố sẵn sàng không gia hạn hợp đồng với các nhà tổ chức Grand Prix Italy tại Monza, vì cho rằng chặng đua tại đường đua lịch sử Monza là một thảm họa trên phương diện thương mại.

Những chặng đua khác tưởng chừng không thể đụng chạm tới trên lịch thi đấu F1 như Spa-Francorchamps (Bỉ) hay Silverstone (Anh) cũng không ít lần bị đe dọa bỏ rơi nếu không đáp ứng được đòi hỏi về tài chính của Ecclestone. Ông trùm F1 người Anh từng tuyên bố không thiếu các đường đua tại châu Mỹ, Đông Âu và Tây Á đang xếp hàng để thay thế các chặng đua truyền thống ở Tây Âu.

Đối với nhiều người hâm mộ, việc vắng mặt những chặng đua như Monza trên lịch thi đấu F1 là việc không tưởng. Nhưng trường hợp của Grand Prix Đức mới đây cho thấy, không có gì là không thể với bàn tay của Ecclestone. Nhiều chuyên gia khẳng định ưu tiên hàng đầu của ông trùm F1 hiện nay là lợi nhuận. Họ cũng cho rằng việc quá tập trung theo đuổi mục tiêu thương mại là không tốt cho việc phát triển F1 khi mất đi những chặng đua mang tính biểu tượng và truyền thống.

Đối với nhiều khán giả, linh hồn của F1 chính là những chặng đua biểu tượng tại châu Âu. Tuy nhiên, cùng với tình trạng nợ công và đà suy thoái kinh tế tại châu Âu, các đường đua không có sự hỗ trợ của nhà nước cũng như các trùm tài phiệt thì đều khó đáp ứng được yêu cầu tài chính của Ecclestone. Vì thế, Lewis Hamilton cùng đồng nghiệp sẽ phải tiếp tục xuất hiện tại những xứ sở tưởng chừng xa lạ với F1 như Bahrain hiện nay hay là Azerbaijan vào mùa giải tới.

Những đường đua sớm nở tối tàn, xuất hiện rình rang trên lịch thi đấu và lặn mất tăm sau vài mùa giải ngắn ngủi như Istanbul Park (Thổ Nhĩ Kỳ), Yeongam (Hàn Quốc) hay Buddh (Ấn Độ) khiến nhiều người hâm mộ đặt dấu hỏi về tính bền vững và giá trị truyền thống của môn thể thao F1 hiện nay.

Người Đức dường như cũng đã chán F1. Kể từ 2007, Hockenheim và Nurburgring thay phiên nhau tổ chức các chặng F1 tại Đức để san sẻ gánh nặng tài chính nhằm duy trì chặng đua. Theo đó, Hockenheim sẽ tổ chức các chặng đua vào năm chẵn, còn Nurburgring sẽ được ưu tiên giành quyền đăng cai vào năm lẻ. Vì thế năm 2015 sẽ đến lượt Nurburgring tổ chức Grand Prix Đức. Tuy nhiên sau khi đường đua này phá sản và liên tục đổi chủ từ cuối năm 2014, Hockenheim được đề nghị thế chỗ.

Tại vòng đàm phán cuối cùng vào tháng 3 năm nay, Hockenheim nhận thấy họ chỉ có bốn tháng trước khi chặng đua diễn ra để bán hết số vé của chặng đua. Thời gian này là quá ngắn ngủi khi người Đức đang nguội lạnh với F1, và khiến Hockenheim hiểu rằng cơ hội để tổ chức một sự kiện thành công về thương mại là không còn, trong khi đòi hỏi tài chính của Ecclestone là rất cao.

2-3096-1427155858.jpg

Các khán giả Đức không còn đam mê với môn thể thao F1. Ảnh: Formula 1.

Năm 2014, dù tay đua người Đức Nico Rosberg và đội Mercedes đang làm mưa làm gió khi đó nhưng khán đài đường đua Hockenheim gần như không có khán giả trong các buổi đua thử và phân hạng. Họ chỉ bán được có 50 nghìn vé cho cuộc đua chính thức vào chiều Chủ nhật trong khi đường đua Hockenheim có sức chứa 120 nghìn chỗ ngồi. Sự thiếu quan tâm của các khán giả Đức tại các chặng đua F1 trên sân nhà dường như là một điều phi lý với một đất nước sản sinh những huyền thoại như Michael Schumacher và Sebastian Vettel.

Để hiểu rõ tình hình, hãy cùng nhìn sang Anh, đất nước cũng tổ chức một chặng đua biểu tượng tương tự chặng đua tại nước Đức. Năm 2014, đường đua Silverstone bán được tới 330 nghìn vé xem trong toàn bộ 4 ngày trong chặng đua, riêng cuộc đua chính thức chiều Chủ nhật có tới 120 nghìn khán giả tới theo dõi.

Với mong muốn duy trì một chặng đua biểu tượng trên sân nhà, Mercedes thậm chí ngỏ lời giúp đỡ, hỗ trợ với một mức độ hạn chế về tài chính cho Hockenheim. Nhưng Mercedes không muốn đi quá xa, để tránh thiết lập một tiền lệ xấu. Khoản tiền mà Mercedez đề nghị hỗ trợ, lên đến hàng triệu đôla, đảm bảo gánh một nửa khoản lỗ cho chặng đua, đồng thời quảng bá miễn phí cho đường đua Hockenheim. Tuy nhiên, thiện ý của đội đua này đã không được chấp thuận.

Liệu Ecclestone có lời giải cho bài toán F1 tại nước Đức? Với quan điểm của ông trùm F1, bản thân truyền thống của mỗi chặng đua có giá trị nhỏ nhất trong môn đua xe tốc độ. Theo ông, mỗi chặng đua phải trả tiền để được phép tổ chức cuộc đua. Tuy nhiên, Ecclestone cũng hiểu rằng tùy vào giá trị lịch sử của mỗi chặng đua mà nhà tổ chức phải trả số tiền khác nhau để được phép tổ chức. Ví dụ những đường đua giàu truyền thống như Monza sẽ phải trả ít tiền hơn Sakhir (Bahrain) và Sochi (Nga). Thậm chí, riêng chặng đua lâu đời và nổi tiếng là Monaco còn không phải trả tiền cho Ecclestone mà vẫn được quyền tổ chức cuộc đua F1.

Nhiều chuyên gia lo ngại rằng dù được ưu ái hơn đôi chút nhưng các đường đua lâu đời vẫn phải chịu thiệt thòi hơn các đường đua ở Đông Âu và châu Á. Đối với các đường đua tại Đức, Anh và Italy, họ hầu như không được nhà nước hỗ trợ về tài chính với mục đích khuếch trương hình ảnh quốc gia như tại các đường đua tại Bahrain, UAE, Singapore hay Malaysia. Vì thế dù phải trả ít tiền hơn các đường đua mới nổi nhưng những chặng đua truyền thống vẫn gặp rất nhiều thách thức trong việc đảm bảo lợi nhuận.

2a-6752-1427155859.jpg

Ecclestone (trái) muốn thu được lợi nhuận tối đa từ các chặng đua. Ảnh: Formula 1.

Tại sao Ecclestone lại đòi hỏi mức chi phí cao như vậy? Phần lớn là do mức độ phổ cập của F1. Ecclestone không muốn hạ giá F1. Một phần vì các cổ đông chính của F1, câu trả lời của Ecclestone chỉ là sự thể hiện đường lối của họ. Việc các cổ đông này đầu tư vào F1 chỉ nhằm mục đích là thu lợi về tài chính.

Một số chuyên gia cho rằng tiền bạc là cội rễ của cuộc khủng hoàng hiện nay trong môn thể thao F1. Dù có doanh thu toàn cầu 1,5 tỷ đôla mỗi năm nhưng vẫn có tới 4 đội đua F1 đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính. Mô hình hoạt động tài chính của F1 đang bị lỗi ở một khâu nào đó. Một vài đội đua đã hiểu rõ điều này.

Vậy giải pháp để chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay là gì? Đầu tiên, cần bơm tiền cho các đội đua và đầu tư vào các chặng đua ở các thị trường quan trọng vốn bị buông lỏng hiện nay như Đức, Mỹ. Nhiều người cho rằng, nếu được đầu tư nhiều hơn, F1 ở trạng thái khỏe mạnh hơn nhiều. Tuy nhiên, giúp giải pháp này thành công cần thuyết phục ông trùm 84 tuổi Ecclestone thay đổi phương châm kinh doanh vốn đã đưa ông thành đạt. Vì thế, giải pháp thứ hai toàn diện hơn là tìm một quỹ đầu tư mạo hiểm để thế chỗ của Ecclestone và thay đổi triết lý hoạt động của F1 hiện nay.

Theo VNE

Mới nhất
x
Grand Prix Đức bị bỏ rơi: Cơm áo không đùa với khách thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO