(Baonghean) - Xứ Đò Lường xưa, là nơi trên bến dưới thuyền, giao thương nhộn nhịp bán mua của người bản địa với thuyền nhân khắp chốn. Trong câu ca dân gian của người Nghệ cũng chỉ thường nhắc đến cửa ngõ Tây Nam xứ Nghệ như là sự thu hút đặc biệt, khó cưỡng của những “chuyến ngược Lường”. Trải qua dâu bể, Đô Lương nay vẫn tấp nập, nhưng lớp con cháu đi ra lại được mọi người nhắc đến với niềm cảm phục là người con “đất học”.
Khoảng chục năm trở lại đây, Đô Lương được nhắc đến như là “đất thủ khoa” với nhiều gương mặt học sinh tiêu biểu, có thành tích cao trong các kỳ thi HSG tỉnh, HSG quốc gia, Huy chương Quốc tế: Nguyễn Tất Nghĩa - HCV Vật lý Quốc tế và Châu Á – Thái Bình Dương (2009); các thủ khoa vào các trường đại học hàng đầu trong nước như Hoàng Tuấn Anh (2005); Tăng Văn Bình (2011); Nguyễn Duy Hải (2012)…
Những năm qua, Đô Lương luôn là đơn vị lá cờ đầu của các bậc học trong tỉnh. Chất lượng giáo dục toàn diện, đồng đều giữa các trường. Chỉ tính riêng trong năm học 2012- 2013, có 12 em được công nhận HSG quốc gia (2 giải Nhì, 3 giải Ba, 5 giải Khuyến khích), 217 em được công nhận HSG tỉnh, trong đó có 13 giải Nhất, 40 giải Nhì, 72 giải Ba. Riêng đội tuyển khối 9 xếp thứ 2 toàn tỉnh, đội tuyển Olimpic Vật lý lớp 8 xếp thứ Nhất… Tỷ lệ học sinh đỗ ĐH xếp thứ 4 toàn tỉnh (sau THPT chuyên Phan Bội Châu, THPT chuyên ĐH Vinh và THPT Huỳnh Thúc Kháng).
Những thành tích đó không chỉ là những con số, mà là thành quả của một quá trình chuẩn bị lâu dài, bao nhiêu thế hệ dồn tâm huyết dựng xây, là truyền thống tích tụ, là dấu ấn định hình. Đó là sự chuẩn bị về tâm thế con người, trọng cái chữ, ham học hỏi, và chăm lo cho sự học.
![]() |
Em Hoàng Quốc Phong (Trù Sơn, Đô Lương) - huy chương Vàng Olimpic Toán tuổi thơ toàn quốc (2012), giải Nhì giải Toán qua mạng tỉnh Nghệ An (2013) bên góc học tập của mình.
Về Trường Tiểu học Thị trấn Đô Lương, chúng tôi ngạc nhiên về cái thư viện “di động” độc đáo của trường. Ở đây giá sách được làm ngay trên sân trường. Các em học sinh thích đọc sách gì thì tự đến lấy, rồi mang sang ghế đá ngồi, vừa đọc, vừa trao đổi chia sẻ với các bạn. Sau khi đọc xong đem trả về chỗ cũ hoặc nếu muốn mượn sách về thì ký vào sổ mượn. Các giáo viên trong trường còn cho biết: “Để học sinh không nhàm chán vì sách cũ, mỗi năm nhà trường bổ sung thêm nhiều sách mới. Hiện tại, thư viện của trường đã có trên 2.000 cuốn (không kể sách giáo khoa) và một số loại báo chí phục vụ học sinh. Trường cũng đã nối mạng được gần 60 máy vi tính để tạo điều kiện cho các em đọc sách, báo và tìm kiếm thông tin qua internet”.
Để đẩy mạnh phong trào đọc và làm theo sách báo, nhà trường thường tổ chức cho học sinh tự giới thiệu về cuốn sách mà mình đã đọc, tổ chức thi kể chuyện theo sách, thi tìm hiểu nội dung sách theo chủ đề dưới hình thức trả lời câu hỏi. Một năm 1 lần, trường tổ chức “Ngày hội đọc sách” cho tất cả học sinh cùng với các trường khác, tạo cho các em có cơ hội được chia sẻ, giao lưu “thi đua” với nhiều bạn mới. Từ mô hình “thư viện di động” và những “ngày hội đọc sách” này, các em có hứng thú với sách, báo hơn, bởi tính chất vừa học vừa chơi, không bị gò bó trong một không gian chật hẹp của phòng đọc.
Chúng tôi cũng có thể dễ dàng nhận thấy, những đứa trẻ ngay từ ngày đầu tiên đến trường, đã có sự hậu thuẫn, hỗ trợ vững chắc từ phía sau, đó là thầy cô, là gia đình, là các đoàn thể xã hội, là tất cả những người quan tâm đến tương lai các em. Ông Tăng Văn Tâm, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Đô Lương, cho biết: “Ở Đô Lương, không có việc đi vận động quỹ nào lại “phấn khởi và thuận lợi” như Quỹ Khuyến học. Nhân dân rất tán thành ủng hộ, chính vì thế, chúng tôi vận động được mạng lưới Quỹ Khuyến học rất lớn”.
Hiện, tổng số tiền Quỹ dành cho khuyến học trên địa bàn huyện Đô Lương là 4 tỷ đồng, trong đó, quỹ của Hội Khuyến học huyện là 400 triệu đồng. Từ các cơ quan đoàn thể, về đến tận xã, vào đến từng xóm làng, trong mỗi dòng họ, gia đình đều xây dựng quỹ, tiêu biểu có dòng họ Trương Công, xã Đông Sơn có quỹ hơn 1 tỷ đồng… Số tiền đó, dùng để khuyến khích những em có kết quả học tập tốt, hỗ trợ kịp thời những hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ trường xây dựng cơ sở vật chất. Sắp tới, nhân dịp khai giảng năm học mới 2013 - 2014, cũng nằm trong Tháng Khuyến học, Hội tiến hành phối hợp với Ban vận động Quỹ Vì người nghèo để cấp 741 suất học bổng đầu năm cho các em có nhiều cố gắng và thành tích trong học tập.
Các thầy cô giáo, cũng góp sức khuyến học cho học sinh bằng cách của mình. Về đây, được nghe nhiều câu chuyện về những thầy cô giáo tận lực, tận tâm với học trò. Cô giáo Trịnh Thị Tuyết (Trường THCS Lý Nhật Quang) đã từng đưa rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đi học xa được ở trọ, sinh hoạt miễn phí trong nhà, bỏ tiền túi để mua đồ dùng học tập, sách vở cho các em. Nhiều thầy cô ở các vùng xa đã đến từng nhà học sinh để kèm cặp, bồi dưỡng thêm vì các em ban ngày bận phụ giúp gia đình. Nhờ tấm lòng ấy, đã giữ được bao nhiêu em ở lại với lớp, với trường.
Gặp em Hoàng Quốc Phong (SN 2001, xóm 14, xã Trù Sơn, Đô Lương) là cậu bé đạt HCV Olimpic Toán tuổi thơ toàn quốc (2012), giải Nhì giải Toán qua mạng tỉnh Nghệ An (2013)… để biết rằng, đằng sau những thành tích học tập đáng nể đó của cậu bé, là người cha từng đi theo con trong mọi kỳ thi để làm vững tin đứa con nhút nhát, là người ngày ngày sáng đưa con đến trường cách nhà gần 20km, rồi tất tả trở về đi phụ hồ, làm thuê, chiều lại quay lại đón con về nhà. Người cha ấy - ông Hoàng Quốc Lưu trong ngôi nhà đơn sơ, tâm sự: “Hai vợ chồng tôi làm nông, nghèo thì cũng nghèo rồi, nhưng phải cố gắng cho con học cái chữ. Nhà tôi 5 đứa con đều được tôi cho đi học đến nơi đến chốn. Cho chúng nó đi học, để đứa lớn làm gương cho đứa nhỏ, bày dạy cho nhau học, chứ bố mẹ thì không dạy được chúng nữa”.
Đây chỉ là một vài câu chuyện trong rất nhiều những câu chuyện về sự học trên mảnh đất này. Bằng cách âm thầm, lặng lẽ nhưng đầy nỗ lực, bền bỉ, tất cả “đất và người Đô Lương” đều đang cố gắng để không những duy trì ổn định những thành quả đã có, mà còn vươn lên những đỉnh cao mới.