Hạ đường huyết - những điều bạn cần biết

26/02/2013 20:52

Kỳ 13:

Kỳ 13:Định nghĩa và phân loại Hạ đường huyết

Hạ đường huyết là gì? Nguyên nhân do đâu? Và bao gồm bao nhiêu loại? Cơ chế gây hạ đường huyết thế nào? Các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng ra sao ? Cách chẩn đoán và phương pháp phòng, điều trị cần biết?...Tất cả là mối quan tâm không những của người bệnh, gia đình người bệnh mà còn là điều các bác sỹ lâm sàng cũng rất cần biết để cảnh giác vì hậu quả của hạ đường huyết nếu xử trí chậm sẽ để lại nhiều hậu quả nguy hiểm.

Vì vậy, chúng ta lần lượt cùng tìm hiểu qua các chuyên mục từ kỳ 13 đến kỳ 16, cụ thể như sau:

1. Định nghĩa hạ đường huyết: Hạ Glucose máu (đường huyết) là một trong những biến chứng rất nguy hiểm của bệnh đái tháo đường. Là một trong những cấp cứu nội khoa thường gặp trên lâm sàng, là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở bệnh nhân đái tháo đường sử dụng insulin hoặc sulfamide hạ đường huyết, trong đó tỷ lệ tử vong 3-7% ở bệnh nhân đái tháo đường týp 1.

Hạ đường huyết còn được gọi là hạ đường huyết, để diễn đạt những biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng xảy ra đối với cơ thể người khi nồng độ glucose huyết tương tĩnh mạch dưới 50 mg/dl (2,7 mmol/l).

Tuy nhiên thực tế lâm sàng giới hạn nồng độ đường máu nói trên có thể thay đổi do tình huống lâm sàng cấp hay mạn tùy thuộc vào độ tuổi cũng như bệnh lý đi kèm, nhất là bệnh nhân đái tháo đường có thời gian mắc bệnh kéo dài.

2. Phân loại hạ đường huyết:

Có hai loại hạ đường huyết theo cơ chế bệnh nguyên:

2.1. Hạ đường huyết lúc đói, bao gồm:

- Hạ đường huyết lúc đói kèm cường insulin:
- Hạ đường huyết lúc đói không cường insulin.

2.2. Hạ đường huyết phản ứng (hạ đường huyết không xảy ra lúc đói):

Hạ đường huyết phản ứng xảy ra sau ăn 2-3 giờ hoặc muộn hơn 3-5 giờ.
Vậy hạ đường huyết xảy ra lúc đói và không xảy ra lúc đói do nguyên nhân gì và bao gồm các loại nào, xin hẹn gặp lại các quý vị độc giả trong kỳ 14 thứ 6 tuần này.

Hạ đường huyết - những điều bạn cần biết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO