Hà Nội, những mùa Thu

09/10/2014 14:35

(Baonghean) - Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử của đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, dường như những sự kiện lớn lao liên quan đến “trái tim hồng” của cả nước thường đến vào những ngày Thu. Hà Nội đẹp nhất vào Thu, mùa Thu trở thành một biểu tượng thời tiết của Thủ đô vượt qua bao lằn ranh lịch sử vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp dịu dàng. Năm nay, mùa Thu Hà Nội đến muộn, dường như hơi thu vẫn nấn ná ở đâu đó, chưa bung hết những cơn heo may, những làn gió lạnh vào nội phố, nhưng trên khắp các ngả đường đổ về Hồ Gươm sắc tươi của hoa lá, sắc của rực rỡ đèn điện, khẩu hiệu... đã giăng kín khắp nơi khiến lòng người cũng vì thế mà chộn rộn theo. Năm nay, Hà Nội kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954), được đánh dấu bằng những đoàn quân tiến vào từ các cửa ô...

Mùa Thu đầu tiên đến với đất Thăng Long đó là mùa Thu năm Canh Tuất (1010), Lý Thái Tổ (vị vua khởi nghiệp của vương triều Lý) nhận thấy đất Hoa Lư chật hẹp, bốn bề núi giăng không xứng làm nơi định đô, dựng nước phồn thịnh. Vua nghĩ đến việc dời đô, sử sách buổi ấy ghi: “Xem khắp đất Việt”, thấy chỉ có Đại La là “nơi thắng địa”, “ở trung tâm của trời đất”, “được thế rồng chầu hổ phục, đã thuận hướng Nam - Bắc - Đông - Tây, lại tiện nghi núi sông sau trước”, “mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa”, Lý Thái Tổ bèn soạn “Chiếu dời đô” nổi tiếng sử sách để tham vấn ý kiến quần thần. Vua tôi nhất trí đồng lòng, bèn quyết dời đô từ Hoa Lư ra Đại La.

Một góc phố Hà Nội. Ảnh: Hồ Long
Một góc phố Hà Nội. Ảnh: Hồ Long

Mùa Thu năm 1010, đoàn thuyền dời đô của nhà vua cập bến Thành Đại La. Ngay lúc ấy, theo truyền thuyết, nhà vua nhìn thấy có hình ảnh rồng vàng bay lên, nhân đó đổi tên thành Đại La thành thành Thăng Long.

Định đô tại Thăng Long, Lý Công Uẩn cho đổi tên cố đô Hoa Lư thành phủ Tràng An, đổi tên quê hương Cổ Pháp thành phủ Thiên Đức, chia cả nước làm 24 lộ, gọi Hoan Châu và Ái Châu là trại.

Đến mùa Thu năm 1945, Hà Nội lại trải qua những ngày hào sảng, chính tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Mùa Thu năm ấy là mùa Thu của độc lập, của một tâm thế mới trong mỗi người. Mùa Thu ấy đón người và toàn quân trở về, mùa Thu ấy giọng nói quê hương xứ Nghệ đã khơi dậy biển người ở Quảng trường hòa giọng ngân vang.

Lại nhớ Thu của ngày Hà Nội giải phóng, ngày thu rợp bóng cờ bay. Những trang sử oai hùng của dân tộc qua lời kể của những nhân chứng sống buổi ấy, qua những bức ảnh thước phim vẫn còn lưu giữ lại cảnh những người lính Pháp cuối cùng lặng lẽ rút qua cầu Long Biên. Cầu Long Biên, chiếc cầu không chỉ đơn thuần là mạch máu giao thông, đó còn là một nhân chứng lịch sử của Hà Nội. Chính tại cây cầu này, vào năm 1947, sau khi kìm chân, tiêu hao sinh lực định thành công, các cánh quân của ta được lệnh rút lui ra khỏi Hà Nội để bảo toàn sinh lực. Một cánh quân của ta đã chọn cầu Long Biên, khéo léo dựa vào gầm cầu để lên Nghi Tàm, vượt sông Hồng. Họ bỏ lại “Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng” (Thơ Chính Hữu), với những ánh mắt tự hứa ngày trở lại. Nhiều chiến sĩ trước thời khắc rút lui, vừa chuẩn bị hành trang lên đường, vừa lúi cúi viết lên tường những câu khẩu hiệu: “Hỡi bọn xâm lăng, chúng ta sẽ trở lại đây”, “Nhất định ta sẽ trở về giải phóng Thủ đô”. Hà Nội tiễn những người lính ra đi đợi ngày về, nhưng Hà Nội cũng không thể quên được những người lính đã ngã xuống trong những cuộc giao chiến ở Thành đô và làm sao Hà Nội, người Hà Nội quên được 1 tiểu đội của Đại đội Hồng Hà làm nhiệm vụ yểm trợ cho Trung đoàn Thủ đô sang sông. Lúc quân Pháp phát hiện ra cuộc rút quân bất ngờ của ta, chúng đã lồng lộn truy kích. Tiểu đội đã anh dũng can trường giao chiến, để rồi sau khi tiêu diệt được 17 tên địch, kìm chân giặc cho quân ta rút lui thì toàn bộ chiến sĩ của tiểu đội anh hùng ấy cũng nằm lại với bờ bãi sông Hồng.

Những mất mát hy sinh ấy đã hòa cùng với mất mát hi sinh của cả dân tộc, để rồi thời khắc lịch sử ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và Đại đoàn 308 có nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội. Trung đoàn Thủ đô dẫn đầu đoàn quân giương cao lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" trở về giải phóng Thủ đô. Cánh bộ binh thứ nhất qua Kim Mã, theo lối Hàng Đẫy, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Đào, Hàng Ngang, Cửa Đông vào thành. Cánh bộ binh thứ hai qua ô Cầu Dền theo lối phố Huế, chợ Hôm, Hàng Bài rồi vào khu Đồn Thuỷ. Cánh quân cơ giới, pháo binh, cao xạ... từ sân bay Bạch Mai tiến qua các khu phố đông dân, qua Bờ Hồ, qua chợ Đồng Xuân vào cửa Bắc.

20 vạn dân Hà Nội và hàng chục vạn nông dân ngoại thành đứng chật các ngả đường phố, trên tay cờ Tổ quốc vui mừng đón chính quyền cách mạng và bộ đội nhân dân. Nhân dân các khu xóm lao động đổ ra đường phố... Đồng bào Hà Nội vẫy cờ hoa, thả chim bồ câu, nổi trống, thổi kèn, múa sư tử, đốt pháo... chào đón. Ảnh Bác Hồ được treo những nơi trang trọng nhất. Mọi người chọn những bộ quần áo đẹp nhất để mặc, vui mừng vẫy gọi hoặc xúc động ùa ra đường ôm chặt lấy các anh bộ đội với niềm hân hoan tột độ. Một ngày hội lớn sau 8 năm dài chờ đợi!

Mùa thu Hà Nội đẹp đến thế, ru lòng người đến thế. Nhưng cũng qua những mùa Thu, cả đất nước, cả dân tộc đều phải chứng kiến những đau thương không gì bù đắp nổi...

Mùa Thu năm 1969, trái tim của Bác Hồ - vị Cha già dân tộc ngừng nhịp đập. Hà Nội lại phải trải qua một mùa Thu bầm tím trong tim. Nhà báo Phan Quang, trong một hồi tưởng của mình đã viết lại về thời khắc thương đau ấy ở Hà Nội, ông nhớ lại: Trước khi dắt xe đi làm sớm hơn mọi bữa, tôi bảo cháu trai vừa thức dậy: “Bác Hồ mất rồi, con à.”. Nó buông hai tiếng: “Đừng hòng!”, rồi vùng vằng quay lưng. Hai tiếng ấy cháu chưa bao giờ thốt ra trước mặt người lớn mà chỉ vào những lúc la hét đùa giỡn với bạn bè. Cháu quay lại nhẹ nhàng nói: “Bác Hồ chỉ ốm thôi”. - “Bác Hồ mất thật rồi, con à! Đài vừa báo đó”. - “Con không tin”, nó lại đáp cộc cằn.

Làm sao lứa tuổi cháu tin nổi Bác Hồ không còn ở trên đời này!

Trưa về, nhìn thấy trên bàn học cháu có tờ giấy nắn nót ghi: “Bác Hồ mất lúc 4 giờ 47 phút, ngày 3 tháng 9 năm 1969” - Cháu bảo: “Con viết ra cho khỏi quên”.

Rồi cũng lại một mùa Thu cách đây một năm, nắng hanh hao ngằn ngặt cuối ngày, cây bằng lăng trên đường Điện Biên Phủ bỗng dưng trút lá cũng là lúc Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, người Anh cả của quân đội đã nhắm mắt tiễn biệt trời Thu Hà Nội, tiễn biệt hàng chục triệu người yêu kính Đại tướng.

Tôi vẫn nhớ những hàng dài người nối đuôi nhau thành hình chữ nhật, kéo dài suốt mấy tuyến phố chỉ được để đi vào cánh cửa của ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu, nơi Đại tướng đã từng ở trước khi phải nhập viện vì bệnh trọng. Họ men theo những lối quen, đi vào khoảng sân rợp bóng cây, nắng chen lá chiếu xuống dòng người kìm tiếng khóc bước chậm. Thu vẫn như những mùa Thu trước, nhưng trời thu Hà Nội như bầm đi bởi nước mắt...

Thêm một mùa Thu Hà Nội chứng kiến một sự ra đi, một sự mất mát lớn lao. Nhưng sẽ chẳng ai quên được mùa Thu với những dòng người dằng dặc, với những đoàn người đứng chật các cung đường nơi linh cữu Đại tướng đi qua để về với đất mẹ. Trong đó, đại đa số là những người chưa từng gặp mặt Đại tướng ở ngoài đời, chưa từng sống với những hào quang lịch sử mà Đại tướng đã tạo ra, nhưng sự yêu kính, nhân cách và tài năng của Người đã được truyền qua lớp lớp...! Tôi bỗng thao thiết nhớ câu thơ của nhà thơ Anh Ngọc, một nhà thơ quê Nghệ, viết về “Vị tướng già” mà nguyên mẫu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Một chân ông đã đặt vào lịch sử/ Một chân còn vương vấn với mùa Thu”...

Cầm Sơn

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Hà Nội, những mùa Thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO