Hạ tầng là khâu đột phá
(Baonghean) - Với 11/21 xã, thị thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 và điều kiện cơ sở hạ tầng hiện tại thì việc Quỳ Hợp chọn phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn là đúng đắn, vì đây cũng là lĩnh vực huyện còn yếu và thiếu nhất.
Ngay sau khi bắt tay vào triển khai, Quỳ Hợp đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng đối chiếu với tiêu chí NTM, qua đó nhận thấy trong tổng số 20 xã thì chỉ có 4 xã đạt từ 5- 8 tiêu chí, còn lại 16 xã chỉ đạt 5 tiêu chí trở xuống. Cùng với việc chọn 4 xã trong số 20 xã là Tam Hợp, Đồng Hợp, Châu Quang và Nghĩa Xuân có một số thuận lợi làm điểm chỉ đạo, huyện định hướng các xã ngay trong năm 2011 phải lập xong quy hoạch, xây dựng đề án; đồng thời tập trung cho cơ sở hạ tầng là khâu đột phá quan trọng.
Đường giao thông theo chuẩn NTM ở xóm Quyết Tiến, xã Tam Hợp.
Sau 2 năm, số xã đạt từ 5-8 tiêu chí đã tăng từ 4 lên 7 xã, trong đó điển hình nhất là 4 xã được chọn chỉ đạo điểm; còn 13 xã dưới 5 tiêu chí. Về cơ sở hạ tầng, toàn huyện đã đầu tư gần 54 tỷ đồng để tu bổ nâng cấp, làm mới gần 18 km đường, trong đó 15 km đường loại A và 3 km đường loại B. Xây dựng, nâng cấp một số công trình công cộng và phục vụ dân sinh, như công trình nước sạch tập trung ở Liên Hợp, bãi thu gom rác ở Thọ Hợp; trạm xá, trường học ở các xã vùng trong…
Để triển khai được các công trình, hạng mục trên, ngoài nguồn vốn ngân sách đầu tư 5,3 tỷ đồng, huyện Quỳ Hợp còn huy động sự chung tay hưởng ứng của các doanh nghiệp và nhân dân. Trong 2 năm, các doanh nghiệp đã đóng góp được 680 triệu đồng trên tổng số đăng ký là hơn 2 tỷ đồng.
Trong các công trình, hạng mục NTM ở Quỳ Hợp thì giao thông nông thôn vẫn là lĩnh vực có nhiều dấu ấn đậm nét. Đáng chú ý, qua phát động, tuyên truyền, người dân thấy được ý nghĩa của việc làm đường NTM “dân làm, dân thụ hưởng” nên nguồn lực thu hút được sức dân rất lớn.
Tại xã Tam Hợp, một trong những xã chỉ đạo điểm, bà Hoàng Thị Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Ban đầu, người dân rất thận trọng, nên ban chỉ đạo xã phải vận động cán bộ, đảng viên gương mẫu làm trước, từ góp tiền, góp công đến tự nguyện hiến đất, chặt cây. Sau khi được đả thông tư tưởng, chính người dân lại là lực lượng ủng hộ nhiệt thành nhất, ngoài hiến đất, tự tháo dỡ tường bao, có gia đình còn chặt hàng trăm cây keo 3 - 4 tuổi để xóm làm đường. Để hoàn thiện dần các tiêu chí NTM mới, trong 2 năm người dân Tam Hợp đã đóng góp trên 6,6 tỷ đồng, với 13.225 nhân khẩu, bình quân mỗi khẩu đóng gần 5 triệu đồng là không nhỏ.
Một lãnh đạo UBND xã chia sẻ: Thời điểm triển khai NTM không thuận lợi, do các doanh nghiệp trên địa bàn làm ăn khó khăn (xã có gần 20 doanh nghiệp). Nhưng năm 2011 và 2012, gần như không hoạt động nên không huy động được là mấy. Trong khi đó, nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình NTM còn quá ít nên chưa tận dụng được sự ủng hộ của người dân. Cũng vì nguồn hỗ trợ ít, nên thay vì làm cho 19 xóm, xã chỉ chọn 10 xóm để làm. Về phía huyện, ban đầu hứa cho làm 10 km đường bê tông/xã, nhưng sau đó chỉ còn 5 km. Do nguồn cấp trên hỗ trợ ít nên khi đi vận động, cán bộ cơ sở rất khó ăn nói với người dân.
Từ nay đến năm 2015, Quỳ Hợp phấn đấu 4/20 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM và năm 2020 phấn đấu xây dựng thêm 12 xã đạt tiêu chuẩn, chiếm 75%, số xã; các xã còn lại có từ 10-15 tiêu chí. Để thực hiện mục tiêu trên, cùng với đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí sớm hơn, nhất là các mô hình phát triển sản xuất và chỉnh trang đồng ruộng, UBND huyện Quỳ Hợp cũng kiến nghị tỉnh cấp thêm xi măng cho các xã khác (ngoài các xã điểm) để làm giao thông nông thôn. Ngoài ra, tỉnh cần tiếp tục quan tâm, tăng nguồn kinh phí cho các xã thực hiện chương trình NTM mới nói chung, có cơ chế tín dụng đặc thù cho xây dựng NTM và phát triển các ngành nghề, dịch vụ nông thôn...
Nguyễn Hải