Hạ viện Nhật Bản thông qua dự luật về lao động tạm thời
Ngày 11/9, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua Dự luật lao động cho phép các công ty sử dụng lao động tạm thời vô thời hạn nếu sau mỗi 3 năm các công ty này chuyển việc cho họ.
Các lao động Nhật Bản làm việc trong một nhà máy sản xuất xe hơi. (Nguồn: japantimes.co.jp) |
Dự luật trên được sửa đổi từ luật phái cử lao động và cũng đã được Thượng viện Nhật Bản thông qua.
Đây được coi là bước đi quan trọng đầu tiên trong chiến lược phát triển thị trường lao động của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Dự luật được sự ủng hộ các nghị sỹ của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP) và đối tác trong liên minh là đảng Công minh mới (NKP).
Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 30/9.
Bộ trưởng Lao động Nhật Bản Yasuhisa Shiozaki cho biết luật sẽ giúp các lao động tạm thời có được công việc mong muốn và sẽ tạo điều kiện cho họ trở thành lao động dài hạn.
Theo luật lao động hiện hành, thời hạn thuê lao động tạm thời thông qua các công ty tuyển dụng lao động không được quá 3 năm đối với cùng một công việc, trừ 26 công việc yêu cầu các kỹ năng chuyên sâu như phiên dịch viên và thư ký.
Với việc dỡ bỏ thời hạn 3 năm, luật sửa đổi sẽ cho phép các chủ doanh nghiệp sau khi hết hợp đồng được tiếp tục được sử dụng nguồn lao động tạm thời cho vị trí công việc đó với điều kiện họ phải thuê các lao động khác nhau sau mỗi 3 năm và phải tôn trọng ý kiến của người lao động.
Với những người lao động tạm thời làm cùng một công việc trong 3 năm liền, các công ty môi giới (tuyển dụng lao động) liên quan sẽ phải đề nghị chủ doanh nghiệp tiếp tục ký hợp đồng trực tiếp hoặc tìm một công việc tạm thời mới cho lao động đó.
Luật mới cũng yêu cầu các công ty môi giới phải có giấy phép của chính phủ mới bắt đầu hoạt động, đồng thời sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ.
Tính đến tháng 6/2014, Nhật Bản có khoảng 1,26 triệu lao động tạm thời.
Theo Vietnam+
TIN LIÊN QUAN |
---|