Hai cựu quan chức ACB phủ nhận cáo buộc kinh doanh trái phép

01/12/2014 14:46

"ACB có xin phép kinh doanh vàng, khi kinh doanh vàng thì tạo ra trạng thái. ACB mang trạng thái đó đi kinh doanh. Về bản chất là na ná như nhau", cựu tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải nói trong phiên phúc thẩm mở sáng nay tại TAND Tối cao.

Theo án sơ thẩm, Công ty Cổ phần phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Thiên Nam của Nguyễn Đức Kiên đăng ký kinh doanh sản phẩm ngành công nghiệp nhẹ, thương mại, bất động sản…, song không có đăng ký mua bán vàng. Cuối tháng 11/2009, Thiên Nam ký văn bản thoả thuận với Vietbank về việc nhận chuyển giao, kế thừa và tiếp tục thực hiện hợp đồng uỷ thác đầu tư tài chính giữa Vietbank và ACB. Theo đó, Thiên Nam tiếp nhận trạng thái kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam với khối lượng 150.000 ounce, tương đương gần 3.000 tỷ đồng.

Ngày 10/12/2009, Công ty Thiên Nam do ông Lê Quang Trung làm Tổng giám đốc (đã mất) ký hợp đồng 017 với ACB, xác định quy mô giao dịch 150.000 ounce, hạn mức chặn lỗ là 10 triệu USD. Do ngân hàng Nhà nước yêu cầu đóng trạng thái giao dịch vàng tài khoản ở nước ngoài nên cuối tháng 7/2010, Thiên Nam đặt 49 lệnh uỷ thác để tất toán toàn bộ trạng thái vàng tài khoản ở nước ngoài.

Theo cáo buộc, tính từ 30/11/2009 đến 30/7/2010, Thiên Nam đã mua bán trạng thái vàng trên tài khoản ở nước ngoài hơn 462.000 ounce, trị giá gần 10.000 tỷ đồng. Sau khi tất toán, công ty này bị lỗ hơn 413 tỷ đồng và ACB phải ứng tiền cho đối tác nước ngoài, ghi nợ cho Thiên Nam. Ngoài ra, Thiên Nam còn kinh doanh trạng thái vàng trong nước với ACB, số tiền hơn 1.000 tỷ đồng.

Tòa xác định những việc làm này của Thiên Nam đã phạm tội Kinh doanh trái phép.

Bị cáo Lý Xuân Hải trong phiên xử sáng nay
Bị cáo Lý Xuân Hải trong phiên xử sáng nay

TIN LIÊN QUAN

Sáng nay, trả lời HĐXX, bị cáo Lý Xuân Hải, nguyên tổng giám đốc ACB, cho hay sau khi ký hợp đồng 017 với Thiên Nam, ACB không mở giao dịch tài trên khoản nước ngoài cho Thiên Nam. “ACB có xin phép kinh doanh vàng, khi kinh doanh vàng thì tạo ra trạng thái. ACB mang trạng thái đó đi kinh doanh”, ông Hải trình bày đồng thời khẳng định, kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài của ACB là có thật, theo giấy phép được Ngân hàng Nhà nước cấp.

Ông Hải cho rằng, trong bản hợp đồng 017 có hai nội dung. Thứ nhất, Thiên Nam muốn mua vàng thì ACB mua từ nước ngoài mang bán. Ngược lại, nếu Thiên Nam muốn bán, nhà băng này mua và bán lại trên tài khoản nước ngoài. "Hợp đồng giữa ACB và Thiên Nam là kinh doanh trạng thái vàng. Kinh doanh trạng thái vàng và giá vàng về bản chất là na ná, như nhau", cựu tổng giám đốc ACB nói.

Theo bị cáo Hải, trên cơ sở hợp đồng 017, khách hàng muốn mua vàng ở nước ngoài thì ACB sẽ đặt lệnh mua trước rồi báo cho Thiên Nam. Khi vàng mang về trong nước, ACB sẽ quy về tiền đồng, sẽ cộng thêm giá nào đó (thu phí). “Chúng tôi có thoả thuận với khách hàng, chúng tôi mua về thì ăn chênh lệch bao nhiêu đô. ACB mua ở nước ngoài là mua đứt bán đoạn, mang trạng thái đó về VN để bán. Xin toà hiểu, nếu không làm vậy thì ACB sẽ có những rủi ro”, bị cáo từng là tổng giám đốc ACB trình bày.

Sau phần thẩm vấn ông Hải khoảng một tiếng, bị cáo Nguyễn Đức Kiên được dẫn vào phòng xử. Ít phút trình bày tóm tắt nội dung kháng cáo cho cả 4 tội danh, bị cáo này cho rằng, Thiên Nam có giấy phép mua bán hàng hoá. "Theo luật Thương mại tất cả các động sản là hàng hoá. Vàng cũng là hàng hoá", bị cáo nói.

Theo bị cáo này, thời điểm 2009-2010, Thiên Nam kinh doanh tuân thủ theo Pháp lệnh ngoại hối, Nghị định 174, Thông tư 1168. "Quyết định 03 của Ngân hàng Nhà nước chỉ quy định kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài", bị cáo nói.

"Khi Thiên Nam nhận hợp đồng từ Vietbank, các tài khoản đều là âm, không có thanh toán, không có lượng vàng nào được chuyển giao. Toàn bộ số vàng trạng thái chuyển giao đều là âm. Khi kinh doanh với một trạng thái âm thì không thể gọi là kinh doanh trái phép, mà trái phép phải là trạng thái dương", bị cáo Kiên nói.

Về quy trình đặt lệnh, theo lời khai, các phiếu đặt lệnh của ông Trung gửi, bị cáo đều xem và tìm hiểu thị trường trước khi giao dịch với ACB. Bị cáo thực hiện giao dịch trạng thái vàng thông qua hệ thống điện thoại ghi âm tại ACB. Các giao dịch qua điện thoại sau khi khớp lệnh sẽ được thể hiện bằng các phiếu xác nhận do ông Trung (đại diện cho Thiên Nam) ký với ACB. Theo quy định của hợp đồng, không có giọng nói của bị cáo Kiên thì không thực hiện việc đặt lệnh.

Có mặt tại tòa, đại diện Ngân hàng Nhà nước, ông Đặng Văn Thảo cho hay, Quyết định 03 quy định cụ thể việc kinh doanh vàng trên tài khoản. Thiên Nam và ngân hàng ACB phải tuân thủ. Theo điều 2 của Quyết định, kinh doanh vàng trạng thái bắt đầu từ khi phát sinh trạng thái mua – bán. Theo thông lệ quốc tế phải mở tài khoản để kinh doanh vàng ở nước ngoài.

Theo VnExpress

Mới nhất

x
Hai cựu quan chức ACB phủ nhận cáo buộc kinh doanh trái phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO