“Hai phía chân trời” - Bộ phim hay về đề tài người Việt ở nước ngoài
(Baonghean) Bộ phim truyền hình Hai phía chân trời được chuyển thể từ tiểu thuyết Máu của tuyết, do chính tác giả, nhà văn Trần Hoài Vân viết kịch bản, đạo diễn Trần Quốc Trọng và Vũ Trường Khoa thực hiện. Đây là dự án của Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam VFC (2012) phát trên sóng VTV1 vào giờ vàng, đang thu hút sự chú ý của người xem.
Chủ đề của phim là những câu chuyện nói về cuộc sống của những Việt kiều đang sinh sống tại châu Âu, bối cảnh là ở Cộng hòa Séc. Bao số phận đắng cay, những bi kịch xót xa, dữ dội, giữa miền tuyết trắng giá lạnh của vùng biên giới mà người xa xứ đang phải chịu đựng để mưu sinh. Cái giá phải trả cho những đồng tiền mà họ kiếm được thấm đẫm bao nước mắt, mồ hôi tủi nhục, thậm chí phải hy sinh cả mạng sống, đã phản ánh một hiện thực khách quan, sinh động về những mảng đời sáng, tối của thị trường người lao động của ta ở nước ngoài. Đồng thời phim cũng cho khán giả thấy được tình cảm của những người Việt Nam xa quê hương luôn sống vì người khác, trong một cố kết cộng đồng dân tộc.
Các cảnh quay trong phim "Hai phía chân trời"
Họ là những người đến miền đất hứa với nhiều lý do, hoàn cảnh khác nhau (có cả hợp pháp và không hợp pháp) nhưng đều giống nhau một mục đích là để kiếm tiền. Có người đi sang du học, hết hạn không về nước mà tìm cách ở lại để làm ăn. Có người vì nghe theo bạn bè, người thân rủ rê mà ảo tưởng ra đi để mong được đổi đời, đã vượt biên trái phép chấp nhận cuộc sống tị nạn, bất chấp hiểm nguy để kiếm tiền bằng mọi giá, mong cải thiện cuộc sống gia đình... Đó là nhân vật Tình - một người mẹ để tuột mất đứa con gái chết chìm khi tìm cách vượt biên qua sông và không thôi bị ám ảnh đến nỗi không dám trở về nhà. Trần Vinh - một con người làm đủ nghề để kiếm sống, mong tích cóp được chút tiền trước khi về nước nhưng rồi lại phải trắng tay, dính cả vào vòng lao lý, nhưng khi ra tù vẫn sẵn sàng cưu mang một cậu bé con lai người Việt, để rồi lại bị hiểu nhầm; là ông Lê - một doanh nhân thành đạt vừa đáng trân trọng với tấm lòng nhân ái dành cho cộng đồng, vừa đáng sợ với những toan tính để tồn tại; là Luật sư Minh - ra nước ngoài học Luật không về, ở lại làm nghề tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho Việt kiều nhưng ẩn sau đó là các phi vụ làm tiền trắng trợn...
Mỗi nhân vật trong phim đều phải chịu đựng một số phận, nỗi đau riêng khi phải vật lộn, lo toan cuộc sống. Dữ dội là thế nhưng phim đã có những cảnh quay thật đẹp, đáng suy ngẫm về cách các nhân vật yêu, sống và dám quên mình vì người khác! Sợi chỉ xuyên suốt trong phim là tình đồng bào, sự yêu thương đùm bọc, đỡ đần, gắn kết với nhau giữa những người đồng hương xa Tổ quốc đang sinh sống, làm ăn ở nơi đất khách quê người. Đồng thời, phim cũng mang một thông điệp đến cho người xem trong nước biết được cuộc sống của kiều bào ta ở nước ngoài như thế nào, để họ hiểu và bớt đi sự ảo tưởng về những miền đất hứa.
Thật xúc động khi xem những thước phim tái hiện lại cảnh bà con mình mới sang đã gặp phải những cạm bẫy đau lòng, khi bị bọn ma cô, đầu gấu người Việt chấn lột, sát phạt đến rùng rợn. Những cảnh các cô gái ngây thơ, ngơ ngác bị bắt nhốt vào hầm tối và bị hãm hiếp một cách xót xa, tủi nhục. Họ đã được Trần Vinh cứu thoát như một “vị cứu tinh” đầy nhân văn, cao thượng. Người xem cũng rất xúc động trước những mối quan hệ tình cảm, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn giữa người Việt và công dân nước sở tại. Lời nhân vật Lê sám hối trước bàn thờ giỗ mẹ về lời hứa của 20 năm trước, khi ông nhận giấy báo đi học nước ngoàì: “Mẹ ơi! Con sẽ học thật giỏi để trở về phục vụ đất nước, làm nhiều việc có ích để giúp đỡ những người nghèo như mẹ. Con sẽ lấy vợ, đẻ cháu đích tôn cho mẹ bế bồng!” Vậy mà tuổi 49 rồi ông vẫn sống độc thân, côi cút nơi xứ người, ông đang linh cảm tới một ngày không xa sẽ được đi gặp mẹ, bởi căn bệnh trầm kha giai đoạn cuối đang gặm nhấm tâm hồn và thể xác ông mà ông đang dấu kín mọi người. Những đồng tiền bao năm kiếm được, ông đã dùng vào các việc làm từ thiện, đầu tư dự án công trình phúc lợi mà cứ sợ thời gian không còn kịp nữa.
Hậu trường phim "Hai phía chân trời" trong tuyết giá tại CH Séc.
Ảnh trong bài: Internet.
Được biết, dự án phim “Hai phía chân trời” tuy được đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng để làm được một bộ phim với bối cảnh chính chủ yếu là ở nước ngoài thì vẫn là một kinh phí eo hẹp. Điều kiện cách xa về địa lý, khó khăn, vất vả, hoàn cảnh làm việc trong thời tiết khắc nghiệt là những trở ngại mà ê kíp làm phim phải vượt qua để có được những thước phim chân thực, sinh động nhất về cuộc sống của người Việt xa xứ. “Làm bộ phim này chúng tôi thấy mình liều, nhưng không liều thì không thể có được một bộ phim hay!” - Giám đốc hãng phim Đỗ Thanh Hải đã nói vậy. Phim cũng đã quy tụ được dàn diễn viên ăn ý, có thực lực diễn xuất như NSƯT Mạnh Cường, NSƯT Lê Vy (đang định cư ở Pháp), diễn viên Xuân Bắc, Lê Vũ Long, Kiều Thanh, Vi Cầm... Phim còn có sự tham gia của các diễn viên đa quốc gia như Đức, Pháp, Nhà hát kịch Praha Cộng hòa Séc và không thể không kể đến sự quan tâm, giúp đỡ nhiệt tình của Đại sứ quán ta và cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, để bộ phim có được thành công như mong muốn.
Làm phim về cộng đồng người Việt ở nước ngoài là đề tài mới, kể cả phim truyền hình và điện ảnh. Có thể xem “Hai phía chân trời” mở đầu cho một dòng phim mới mà xã hội đang quan tâm trong xu thế hội nhập toàn cầu, một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Hy vọng bộ phim sẽ là dấu ấn đáng ghi nhận cho phim truyện truyền hình Việt Nam được phát sóng hiện nay.
Lê Lân (47, Đặng Thúc Hứa, Vinh)