Hạn chế thiệt hại do biến đổi khí hậu
(Baonghean) - Những năm gần đây, thời tiết có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, gây ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp. Chính vì thế, sản xuất nông nghiệp thông minh nhằm hạn chế thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu là chủ trương mà ngành nông nghiệp tỉnh đang hướng tới. Báo Nghệ An có bài phỏng vấn đồng chí Hồ Ngọc Sỹ - ủy viên BTV Tỉnh ủy, giám đốc Sở NN&PTNT xung quanh vấn đề này.
Đồng chí Hồ Ngọc Sỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT thăm cánh đồng lúa tại Thanh Chương. Ảnh: H.V |
PV: Thời gian qua, Nghệ An liên tiếp xảy ra những đợt lũ lụt gây hậu quả rất nặng nề, vậy xin đồng chí cho biết những thiệt hại của ngành nông nghiệp?
Đồng chí Hồ Ngọc Sỹ: Do đầu năm nền nhiệt độ thấp, ảnh hưởng đến thời kỳ trổ bông của cây lúa, nắng nóng, không khí lạnh đan xen nhau, làm gia tăng các đợt tố lốc, mưa đá. Đặc biệt năm nay mưa bão xuất hiện sớm và liên tục nhiều hơn so với mọi năm, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và đời sống của nhân dân.
Ngay từ đầu năm trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 14 đợt lốc xoáy, mưa đá và giông sét ở các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông, Anh Sơn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Đô Lương, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nghi Lộc và Yên Thành. Trên biển Đông đã xuất hiện 14 cơn bão và 4 đợt áp thấp nhiệt đới, trong đó các cơn bão (số 2, số 6, số 8, số 10 và số 11) đã ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh ta. Đặc biệt, chỉ trong vòng 50 ngày (từ 17/9 đến 21/10/2013), Nghệ An đã phải hứng chịu 3 đợt thiên tai lớn là bão số 8, số 10 và số 11, gây thiệt hại lớn về người, nhà cửa, tài sản, sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng của nhân dân và nhà nước.
Tổng thiệt hại do các đợt lốc xoáy, mưa đá, giông sét, lũ quét, bão số 2, số 6, số 8, số 10 và số 11 gây ra đã làm chết 29 người, bị thương nặng 5 người, gây sập đổ, hư hỏng nặng và sạt lở đất 132 nhà, làm tốc mái 1783 nhà, ngập 32.862 nhà, làm chìm và hư hỏng 14 tàu thuyền của ngư dân, 232 ô tô và phương tiện máy thi công bị ngập, trôi, hư hỏng thiệt hại 45.751,8 ha lúa, hoa màu và nuôi trồng, thuỷ sản, gây hư hỏng rất nhiều công trình giao thông thuỷ lợi và cơ sở hạ tầng khác... Ước tính thiệt hại về kinh tế do thiên tai từ đầu năm đến nay khoảng 2.544,9 tỷ đồng.
PV: Rõ ràng sản xuất nông nghiệp của Nghệ An luôn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiên tai gây ra và để từng bước hạn chế, khắc phục tình trạng này, ngành nông nghiệp đã hưởng ứng chủ trương nông nghiệp thông minh như thế nào và xin đồng chí cho biết một số kết quả cụ thể?
Đồng chí Hồ Ngọc Sỹ: Để từng bước hạn chế, khắc phục tình trạng này, ngành nông nghiệp đã nghiên cứu, tổng kết từ thực tiễn để đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, như: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình diễn biến thời tiết, khí hậu theo hướng: Chuyển dịch một số diện tích trồng lúa vùng khó khăn về nước tưới sang trồng cây khác như mía, trồng rau màu hàng hóa..., vùng ngập lụt thường xuyên sang nuôi trồng thủy sản có hiệu quả hơn. Bố trí thời vụ gieo trồng hợp lý nhằm né tránh thiên tai như: Gieo cấy lúa vụ hè thu đảm bảo thu hoạch trước 31/8 để né tránh lũ lụt, gây ngập úng đầu tháng 9 hằng năm. Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp như: Công nghệ che phủ ni lon, tưới nước nhỏ giọt trong sản xuất nông nghiệp; phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, chăn nuôi trang trại, gia trại, kiểm soát dịch bệnh.
PV: Để ngành nông nghiệp thực hiện có hiệu quả chủ trương nông nghiệp thông minh, thời gian tới cần có những giải pháp gì?
Đồng chí Hồ Ngọc Sỹ: Để thực hiện có hiệu quả chủ trương nông nghiệp thông minh, nhằm hạn chế thiệt hại do những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp và PTNT sẽ thực hiện đồng bộ những giải pháp chủ yếu. Đó là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để mọi người dân, các tổ chức, thấy được những tác động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến đời sống và sản xuất nông nghiệp. Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức, có những hành động thiết thực, góp phần hạn chế, né tránh, chủ động khắc phục hậu quả và giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng hợp lý, thực hiện canh tác bền vững, thân thiện với môi trường, giảm thiểu dùng các loại phân hóa học, hóa chất độc hại trong sản xuất. Đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, công nghệ sản xuất tiên tiến, tiết kiệm năng lượng.
Về chính sách, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư các mô hình, phát triển sản xuất nông nghiệp theo công nghệ cao, tăng năng suất, chất lượng, giá trị nông sản. Tăng cường công tác tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu, nước biển dâng để chủ động ứng phó trong mọi tình huống, góp phần hạn chế thiệt hại về sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.
PV: Cám ơn đồng chí!
Hoàng Vĩnh (Thực hiện)