Hạn chế tỷ lệ hạt lép cho vụ lúa hè thu
Trong sản xuất lúa, một trong những vấn đề mà người dân hiện nay rất quan tâm, đó là tỷ lệ hạt lép khá cao trong vụ hè thu. Đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và hiệu quả trồng lúa. Bởi trong thực tế cho thấy, nếu chúng ta áp dụng tốt các biện pháp làm tăng năng suất lúa, nhưng ruộng lúa bị lép nhiều thì mọi cố gắng đều trở thành vô nghĩa. Năng suất lúa có thể bị giảm nghiêm trọng do lúa lép.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến lúa lép trong vụ lúa hè thu, nhưng phải nói rằng sự đổ ngã là nguyên nhân chính và gây lép nhiều nhất. Tỷ lệ lép nhiều hay ít tùy thuộc vào ruộng lúa bị đổ ngã vào các thời kỳ sinh trưởng khác nhau của cây lúa. Nếu ruộng lúa bị đổ ngã ở thời kỳ trước và ngay sau khi trổ bông thì tỷ lệ lép rất cao và năng suất lúa sẽ giảm rõ rệt. Mặt khác, ruộng lúa bị đổ ngã, việc thuê mướn công cắt cũng khó khăn và giá cao hơn so với ruộng lúa đứng, dẫn đến làm tăng giá thành sản xuất lúa.
Những nguyên nhân dẫn đến lúa bị lép là:
- Do người sản xuất áp dụng các yếu tố kỹ thuật không phù hợp như gieo sạ với mật độ quá dày, bón phân mất cân đối giữa đạm lân và kali, chủ yếu là bón quá nhiều phân đạm ở giai đoạn cuối làm cho cây lúa phát triển lá quá mạnh, làm cho thân cây lúa bị yếu sẽ dẫn đến đổ ngã, bông lúa trổ ra bị ngâm dưới nước sẽ không thụ phấn được làm cho hạt lúa bị lép.
- Do tác động của các yếu tố ngoại cảnh như mưa to, gió lớn. Lúa trổ ra mà gặp cơn bão thì tỷ lệ lép sẽ rất cao, thời tiết quá nóng, quá lạnh, trời âm u không có nắng cũng làm cho khả năng thụ phấn kém, dẫn đến hạt lúa bị lép.
- Do giống: có những giống lúa thường hay có tỷ lệ hạt lép cao trong vụ hè thu như IR64, Jasmin85. Những giống thường cho tỷ lệ hạt lép thấp trong vụ hè thu như OM1490, OM2517... Những giống lúa cao cây sẽ hay bị đổ ngã trong vụ hè thu làm tăng tỷ lệ hạt lép.
- Do sâu bệnh: vào thời kỳ lúa trổ thường hay bị các loại sâu bệnh như sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn trên lá, đạo ôn cổ bông. Ruộng lúa bị hại nặng bởi các loài dịch hại này sẽ làm lúa lép rất nhiều.
Tìm hiểu và nắm được nguyên nhân gây ra lúa lép ở cây lúa, chúng ta sẽ đưa ra được những giải pháp hữu hiệu nhằm giảm tỷ lệ hạt lép của lúa một cách chủ động, trên cơ sở đó sẽ giữ vững được năng suất.
Các biện pháp cụ thể để hạn chế đổ ngã là:
+ Sử dụng các giống lúa cứng cây: trong vụ hè thu đa số các giống lúa cao sản ngắn ngày đều có rạ cứng như OM1490, CS2000, OM2517... Những giống lúa thơm, lúa dài ngày, lúa mùa thường cao cây và yếu rạ.
+ Bố trí thời vụ thích hợp: vụ hè thu ở ĐBSCL, vào các tháng 10, 11 thường hay có mưa to kéo dài và lũ lụt vì vậy cần bố trí mùa vụ hợp lý để thu hoạch trước khi lũ về.
+ Làm đất thật kỹ khi xuống giống nhằm cho bộ rễ phát triển mạnh sẽ giúp cây lúa cứng cây hơn.
+ Áp dụng các biện pháp sạ thưa như sạ theo hàng, lượng giống sạ từ 100-120 kg/lúa/ha để đảm bảo độ thông thoáng trong ruộng lúa sẽ giảm được sâu bệnh
+ Cần bón phân cân đối giữa các loại phân là đạm, lân và kali. Bón đạm nên bón theo bảng so màu lá vừa đáp ứng được nhu cầu sinh trưởng của cây lúa, vừa không gây lãng phí phân đạm. Chú ý bón phân kali sẽ làm cây lúa cứng cáp hơn.
+ Thăm đồng thường xuyên, khi phát hiện có sâu bệnh tới ngưỡng gây hại thì cần xử lý ngay. Trước và sau khi lúa trổ nên phun thuốc Till Supfer sẽ phòng trừ được một số loại bệnh và làm tăng độ phì hạt lúa, màu sắc lúa sáng bóng.
+ Điều tiết nước trong ruộng lúa, tốt nhất nên tháo cạn nước ruộng trước khi cây lúa vào giai đoạn làm đồng, vừa tạo điều kiện thông thoáng ruộng lúa, vừa làm cho bộ rễ phát triển ăn sâu vào đất. Thời gian rút nước khoảng 7 ngày, sau đó cho nước vào và khống chế mức nước ở mức 5-10cm cho đến khi lúa chín. Rút hết nước trước khi thu hoạch lúa 10 ngày.
Theo (Chợ nông nghiệp online) - LY