Hàn Quốc thu hồi giấy phép 5G băng tần 28 GHz của các nhà khai thác di động

Phan Văn Hòa (Trung tâm Tần số vô tuyến điện Khu vực 6)

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Thông tin từ Chính phủ Hàn Quốc cho biết, 2 trong số 3 nhà khai thác mạng di động của Hàn Quốc đã được yêu cầu trả lại giấy phép 5G băng tần 28 GHz do không đáp ứng các yêu cầu về triển khai mạng lưới của Chính phủ.

Hàn Quốc được xem là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai mạng 5G thương mại vào tháng 4 năm 2019. Tính đến cuối tháng 7 năm 2022, số thuê bao di động 5G của quốc gia này đã đạt 25,1 triệu, chiếm 33,3% tổng số thuê bao di động trên cả nước.

Trước đó, vào tháng 6 năm 2018, Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai cuộc đấu giá phổ tần số cho 5G nhằm mục tiêu thúc đẩy sự đổi mới ngành công nghiệp và dịch vụ dựa trên 5G. Với mục tiêu như vậy, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định phân bổ băng tần 3,5 GHz để triển khai 5G trên toàn quốc, trong khi băng tần 28 GHz dành cho các “điểm nóng” (hot spots) nơi tập trung nhiều thuê bao di động như các sân vận động, sân bay, nhà ga tàu điện ngầm…

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Trong cuộc đấu giá này, cả 3 nhà khai thác di động lớn nhất của Hàn Quốc bao gồm SK Telecom, KT Telecom và LG Uplus đều đã giành được quyền sử dụng phổ tần số ở băng tần 3,5 GHz và 28 GHz. Cuộc đấu giá này cũng đã mang về cho ngân sách Chính phủ 2,776 tỷ USD.

Tuy nhiên, mới đây Chính phủ Hàn Quốc cho biết, họ sẽ thu hồi giấy phép phổ tần số ở băng tần 28 GHz đã được cấp cho các nhà khai thác để triển khai 5G, với lý do các nhà mạng di động thiếu nguồn lực đầu tư và không đáp ứng các yêu cầu của chính phủ trong quá trình triển khai mạng di động 5G ở trong băng tần này.

Theo đó, các nhà khai thác di động KT Telecom và LG Uplus sẽ mất quyền sử dụng phổ tần số ở băng tần 28 GHz mà họ đã giành được trong cuộc đấu giá phổ tần số vào năm 2018 do không triển khai đủ số lượng trạm gốc như cam kết. Trong khi đó, nhà khai thác di động lớn nhất Hàn Quốc, SK Telecom được cho phép kéo dài thời hạn đến tháng 5 năm 2023, sau thời điểm này nếu nhà mạng không thực hiện cam kết triển khai 15.000 trạm gốc trong băng tần 28 GHz thì Chính phủ sẽ thu hồi giấy phép như hai nhà mạng trên.

Giải thích về quyết định này, Bộ Khoa học và CNTT-TT Hàn Quốc cho rằng, các nhà mạng di động đã hoàn thành số lượng trạm gốc quy định ở băng tần 3,5 GHz (22.500 trạm gốc) nhưng tất cả đều không đạt mục tiêu triển khai được 15.000 trạm gốc ở băng tần 28 GHz trên toàn quốc như cam kết với Chính phủ.

“Tính đến thời điểm hiện tại, sau hơn 3 năm kể từ khi phổ tần số trong băng tần 28 GHz được phân bổ, các trạm gốc ở băng tần 28 GHz do các nhà mạng di động xây dựng chỉ chiếm 10% so với cam kết ban đầu và không có thiết bị đầu cuối điện thoại thông minh nào hỗ trợ băng tần 28 GHz ở Hàn Quốc”, Bộ Khoa học và CNTT-TT Hàn Quốc cho biết thêm.

Trên toàn cầu, 5G đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển cả về khía cạnh thị trường và công nghệ. Tuy nhiên, Hàn Quốc là một trong những quốc gia đã sớm chứng minh được những thành công của mình nhằm mở rộng quy mô và xây dựng một chiến lược quốc gia toàn diện nhằm tối đa hóa sự chuyển đổi tiềm năng của mạng 5G.

Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, ngay cả ở các quốc gia có ngành công nghiệp di động phát triển, Chính phủ vẫn đóng vai trò rất quan trọng với tư cách là nhân tố chính thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái 5G. Chính phủ phải đưa ra các chiến lược rõ ràng và áp dụng một quy trình toàn diện trong việc triển khai mạng di động thế hệ mới.

Ở lần ra mắt đầu tiên vào tháng 4 năm 2019, Hàn Quốc chỉ triển khai dịch vụ 5G thương mại trong phân khúc doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C). Cho đến nay để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các nhà khai thác di động của Hàn Quốc đã và đang cung cấp các dịch vụ 5G chuyên dụng trong phân khúc doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) như các nhà máy thông minh, thiết bị bay không người lái (drone)... Chính phủ Hàn Quốc cũng đang tích cực tài trợ cho các quỹ đầu tư phát triển nhằm vào các dự án 5G trong các ngành chiến lược và dịch vụ cốt lõi của đất nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ, bao gồm miễn thuế cho các khoản đầu tư 5G và khuyến khích chia sẻ mạng lưới ở các khu vực nông thôn, ngoại ô thành thị để tạo điều kiện triển khai nhanh chóng mạng 5G trên phạm vi toàn quốc.

Để đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu về 5G trên toàn cầu, Chính phủ đã xác định tầm nhìn quốc gia về 5G, loại bỏ các rào cản về pháp lý và tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm các cơ quan chính phủ, công ty viễn thông, nhà cung cấp, nhà nghiên cứu và xã hội dân sự.

Tài liệu tham khảo

[1].https://www.rcrwireless.com/20221121/5g/korean-government-cancel-28-ghz-spectrum-local-carriers

[2].https://telecoms.com/518619/korea-recalls-mobile-operators-5g-licences/

[3].https://www.rcrwireless.com/20220916/carriers/south-korea-ends-july-25-million-5g-subscribers

[4]. Entering the 5G era: Lessons from Korea

tin mới

5G sẽ trở thành công nghệ thống trị vào năm 2030?

5G sẽ trở thành công nghệ thống trị vào năm 2030?

(Baonghean.vn) - Theo một báo cáo mới được công bố của Tổ chức nghiên cứu và phân tích độc lập GSMA Intelligence (GSMi) thuộc Hiệp hội Các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSMA), 5G sẽ trở thành công nghệ thống trị và chiếm 56% tổng số kết nối toàn cầu vào năm 2030.

Hé lộ thực tế về chế độ ẩn danh của Google và quyền riêng tư trực tuyến

Hé lộ thực tế về chế độ ẩn danh của Google và quyền riêng tư trực tuyến

(Baonghean.vn) - Chế độ ẩn danh của Google là một tính năng phổ biến trên trình duyệt Chrome. Nó được cho là giúp người dùng duyệt web riêng tư hơn bằng cách không lưu lịch sử duyệt web, cookie hoặc dữ liệu trang web. Tuy nhiên, mức độ bảo mật của chế độ ẩn danh có thể khiến nhiều người bất ngờ.

10 quốc gia dẫn đầu về nghiên cứu và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo

10 quốc gia dẫn đầu về nghiên cứu và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo

(Baonghean.vn) - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển với tốc độ chóng mặt, thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và tương tác với thế giới xung quanh. Các quốc gia trên toàn cầu đang đổ nguồn lực vào nghiên cứu và phát triển AI, với mục tiêu trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực này.

10 người phụ nữ thành công trong lĩnh vực công nghệ

10 người phụ nữ thành công trong lĩnh vực công nghệ

(Baonghean.vn) - Lĩnh vực công nghệ từ lâu được xem là sân chơi của nam giới, với những định kiến về sự phức tạp, khô khan và đòi hỏi tư duy logic mạnh mẽ. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngày càng có nhiều phụ nữ tài năng xuất hiện và khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực này.

TikTok đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ

TikTok đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ

(Baonghean.vn) - Một nhóm các nhà lập pháp thuộc lưỡng đảng Mỹ đã đưa ra dự luật vào ngày 5/3 vừa qua, yêu cầu ByteDance của Trung Quốc phải bán ứng dụng video ngắn TikTok trong vòng 6 tháng nếu không muốn bị cấm tại Mỹ.

4 chiến lược cốt yếu giúp doanh nghiệp bảo vệ dữ liệu khỏi các cuộc tấn công mạng

4 chiến lược cốt yếu giúp doanh nghiệp bảo vệ dữ liệu khỏi các cuộc tấn công mạng

(Baonghean.vn) - Ngày nay, tội phạm mạng không ngừng dùng các thủ đoạn tinh vi để tấn công dữ liệu nhạy cảm của các doanh nghiệp. Do đó, việc xây dựng các chiến lược để bảo vệ dữ liệu khỏi các cuộc tấn công mạng đã trở thành ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp trên toàn thế giới.