Hàng chục giáo viên vùng cao mất nhà sau lũ
(Baonghean.vn) - Lũ chồng lũ khiến nhiều giáo viên vùng cao Nghệ An trong phút chốc bị cuốn trôi nhà. Bước vào năm học mới, họ buộc phải thuê nhà ở tạm để tiếp tục công việc gieo chữ.
Cơn lũ vừa qua đã khiến nhiều trường học trên địa bàn xã Mường Típ, Mường Ải bị ảnh hưởng nặng nề. Ảnh: Duy Khánh |
Cơn bão số 4 đi qua, những cơn mưa lớn ở thượng nguồn khiến mực nước sông Nậm Nơn, Nậm Mộ dâng cao gây sạt lở và ngập lụt hàng loạt nhà ở và các công trình. Kỳ Sơn là địa bàn chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cơn lũ lịch sử, trong đó có nhiều trường học và nhà ở của giáo viên ở các xã Mường Típ, Mường Ải, Mỹ Lý vẫn chưa thể khắc phục xong.
Trước đó, cơn bão số 3 đã đánh sập ký túc xá của giáo viên Trường Tiểu học Mường Ải. Ảnh: Đào Thọ |
Theo thống kê, lũ chồng lũ đã khiến 2 học sinh bị cuốn trôi, 12 trường học bị ảnh hưởng, 53 giáo viên bị thiệt hại nhà cửa. Hiện tại, học sinh ở một số bản vẫn phải lội bùn, vượt suối đến trường, nhiều giáo viên buộc phải thuê nhà ở trọ để tiếp tục dạy học.
Ngôi nhà của cô giáo Lương Thị Hoa bị sạt lở ăn sâu vào trong. Ảnh: Đào Thọ |
Sau cơn bão số 3, chị Lương Thị Hoa, một giáo viên của Trường Tiểu học Mường Ải trú ở bản Xốp Lau đã thuê người hì hục khiêng đá kè lại ngôi nhà đã bị sạt vào đến phần móng. Một phần bờ tường công trình phụ đổ sập xuống suối. Lũ chồng lũ, hiện tại, ngôi nhà của chị vẫn chưa thể ở được bởi càng ngày sạt lở càng ăn sâu vào trong.
Dường như chưa hết bàng hoàng, chị kể lại rằng: Mấy hôm đó trời cứ mưa như trút, nước khe Típ càng lúc càng dâng cao. Mọi người ai nấy lòng nóng như lửa đốt nhưng chẳng ai dám ra phía đó. Chị đành hối thúc mọi người di chuyển đồ đạc đến nơi an toàn. Tất cả các lực lượng được huy động sang khu ký túc của giáo viên Trường Tiểu học Mường Ải bên cạnh nhà chị, phá khóa các căn phòng để cứu lấy tài sản. Hôm sau, khu ký túc ấy bị đánh sập hoàn toàn.
Nhiều nhà giáo viên có nguy cơ bị trôi xuống sông bất cứ lúc nào. Ảnh: Đào Thọ |
Tại Trường PTDTBT THCS Mỹ Lý, 6 giáo viên vẫn đang nơm nớp lo sợ khi cơn lũ đi qua. Thầy Phan Văn Giang, một người có thâm niên công tác tại trường vùng biên này gần 15 năm cho biết: Ngôi nhà này thầy cùng vợ chắt góp vay mượn mới mua được. Sau khi mua xong, thầy bỏ ra số tiền 120 triệu thuê người kè lại phía bờ sông rất chắc chắn. Nhưng ai ngờ, cơn lũ đi qua cuốn luôn xuống sông Nậm Nơn. “Bây giờ đã bước vào năm học mới, cả nhà 4 nhân khẩu chẳng còn chỗ ở phải thuê tạm nhà người dân sinh sống và dạy học” - thầy Giang tâm sự.
Nhà thầy giáo Phan Văn Giang bị lũ cuốn trôi hoàn toàn chỉ còn trơ lại nền. Ảnh: Hồ Phương |
Cùng cảnh ngộ với thầy là gia đình các thầy Vi Quốc Hương, Vi Văn Dương, Nguyễn Văn Hải, Phạm Văn Đồng và cô Phan Thị Thu Hiền. Riêng ngôi nhà sàn của cô Hiền, dù đã được các lực lượng chức năng di dời ra sát mặt đường nhưng vẫn có khả năng sụp đổ bất cứ lúc nào. Ngôi nhà ấy theo chị Hiền, ước tính giá trị hiện tại cũng lên tới chừng nửa tỉ đồng.
Sau lũ, để ổn định tâm lý cho các giáo viên bước vào năm học mới, các ngành chức năng, Phòng Giáo dục và Đào tạo Kỳ Sơn đã kêu gọi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại. Tuy nhiên, nỗi lo trước mắt vẫn còn rất lớn.