Hàng chục lao động nghèo có nguy cơ bị lừa XKLĐ

30/01/2013 15:01

(Baonghean) - Vừa qua, Báo Nghệ An đã nhận được đơn kêu cứu của nhiều lao động tại các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu. Trong đơn, các lao động tố cáo đã bị một số đối tượng lừa đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan để chiếm đoạt tiền…

Theo nội dung đơn, những người tố cáo cho biết, họ là những lao động nghèo ở các xã Quỳnh Thọ, Quỳnh Ngọc, Sơn Hải, An Hòa (Quỳnh Lưu); Diễn Hùng (Diễn Châu) bị bà Trần Thị Đức, trú tại số nhà 58, đường Trần Quang Diệu, phường Trường Thi, Thành phố Vinh lừa gạt chạy cho đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan theo chính sách hỗ trợ người nghèo để lấy tiền. Tổng số người bị bà Đức lừa lên đến con số 33. Người bị lừa nhiều nhất 19 triệu đồng, ít nhất 10 triệu đồng và tổng số tiền lên tới 500 triệu đồng.

Cũng trong đơn nêu, đã nhiều lần họ tập trung đến nơi bà Đức cư trú để đòi lại tiền nhưng bà Đức quanh co không chịu trả. Không những thế, các lao động còn bị bà Đức thách thức, thậm chí chửi bới, hăm dọa.

Lần theo bản danh sách của 33 người đứng tên trong đơn, chúng tôi đã về các xã Diễn Hùng, Sơn Hải để xác minh sự việc. Tại nhà các ông, bà: Hồ Thị Hồng (sinh năm 1969) xóm 11, xã Sơn Hải; Phạm Văn Ngà (sinh năm 1966) xóm 11, xã Sơn Hải; Hồ Anh Hùng (1972) xóm 12, xã Sơn Hải; Trần Thị Thọ (sinh năm 1968) xóm 1, xã Diễn Hùng… là thân nhân của những người đứng tên trong đơn. Tất cả đều khẳng định nội dung của đơn đúng sự thật. Họ còn cho biết, không những đã gửi đơn cho các cơ quan báo chí mà còn gửi đến Công an huyện Quỳnh Lưu, Thành phố Vinh và Công an tỉnh với hy vọng các cơ quan này vạch trần được bộ mặt của những kẻ lừa đảo và thu hồi tiền giúp họ.



Bố con ông Phạm Văn Ngà - Phạm Thị Hương tường trình sự việc với phóng viên.

Tìm hiểu cách thức môi giới, các ông, bà có tên trên cho biết, các đối tượng lừa đảo XKLĐ đã dẫn dụ họ là có một bộ phận đưa người sang Đài Loan chỉ sau thời gian 2 tháng làm thủ tục. Thời gian đi nhanh là bởi có nhiều công ty sản xuất bánh kẹo, vỏ điện thoại, hộp nhựa đựng cơm… của Đài Loan cần lao động gấp. Sang Đài Loan làm việc, mỗi lao động được nhận mỗi tháng 17 triệu đồng (tiền Việt), chưa kể tăng ca, thứ bảy, chủ nhật. Kinh phí đi hết 120 triệu đồng. Trước mắt nộp 20 triệu đồng. Sang Đài Loan, sẽ trừ dần mỗi tháng 3 triệu đồng… Đối với những trường hợp hộ nghèo, sẽ được “giảm” tiền nộp ban đầu xuống 10 - 14 triệu đồng. Bởi gia cảnh khó khăn, trước cơ hội có một không hai để “đổi đời”, các lao động đã gắng gượng vay lãi suất cao, thế chấp đất đai, nhà cửa, bán trâu bò, lúa… để lấy tiền nộp cho con cái đi xuất khẩu lao động.



Biên lai nộp tiền đi XKLĐ của một lao động đang cất giữ.

Quả thực, gia cảnh những người chúng tôi đã gặp đều rất khó khăn. Gia đình ông Phạm Văn Ngà là hộ nghèo của xã Sơn Hải. Phạm Thị Hương - con gái của ông Ngà - trước khi làm thủ tục XKLĐ, đang làm “ôsin” ở Hà Nội. Vì nghỉ chờ đi XKLĐ, bây giờ Hương cũng mất luôn công việc tại Hà Nội. Tương tự là trường hợp gia đình bà Trần Thị Thọ, vì hy vọng đi lao động ở Đài Loan, Nguyễn Bá Thăng (con trai bà Thọ) đã nghỉ việc ở một công ty ở Hà Nội. Nay “tiền mất, tật mang”, Thăng bị cơ quan cho nghỉ việc…

Theo Công an Thành phố Vinh, tổng số người gửi đơn tố cáo bị lừa đảo XKLĐ lên tới trên 70 người đều là người dân tại các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu và Nghi Lộc. Công an thành phố đã tiến hành làm việc với 4 người có tên trong đơn và triệu tập bà Trần Thị Đức để tiến hành xác minh rõ sự việc. Sau 2 lần triệu tập (vào ngày 25/12/2012 và ngày 18/1/2013), bà Trần Thị Đức (tức Trần Thị Thanh Cần) đã đến Công an Thành phố Vinh để làm việc. Tại đây, bà Đức đã tường trình lại những nội dung liên quan đến việc “chạy” XKLĐ. Theo đó, bà Đức nhận làm môi giới, tìm kiếm lao động XKLĐ cho bà Hoàng Thị Anh Đào, trú tại nhà 68, ngõ 15, đường Đội Quyên, phường Cửa Nam. Sau khi tuyển chọn được lao động, bà Đức sẽ dẫn họ ra Hà Nội khám sức khỏe, làm hồ sơ… để Công ty Nhân lực quốc tế (Mỹ Đình, Hà Nội) đưa họ sang làm việc tại một công ty sản xuất bánh kẹo tại Đài Loan. Những người XKLĐ được nợ phí, chỉ mất tiền hồ sơ và khám sức khỏe, vì đây là chương trình xóa đói giảm nghèo. Bà Đức đã cho con rể là Nguyễn Chiêu Dương về Sơn Hải thông báo với bạn bè, anh em ( Dương quê ở xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu) tìm người đi XKLĐ...

Trong bản tường trình được lập ngày 22/1/2013, do cơ quan công an Thành phố Vinh lưu giữ, bà Đức khẳng định không biết gì về việc thu tiền, vì tất cả là do con rể thực hiện. Bà Đức chỉ được chuyển đến 1,3 triệu đồng/mỗi người đi XKLĐ để sau đó đưa đi Hà Nội làm các thủ tục khám sức khỏe, tiêm thuốc phòng dịch… Đồng thời, bà Đức cho rằng, giữa Công ty Nhân lực quốc tế và Công ty ở Đài Loan có chút trục trặc nên thời gian đưa người đi XKLĐ bị chậm chứ không có chuyện lừa đảo…

Đối chiếu đơn tố cáo, bản tường trình của bà Đức và một số tài liệu thu thập được, theo cán bộ điều tra Công an Thành phố Vinh, hiện chưa thể khẳng định có sự lừa đảo XKLĐ, nhưng có sự bất minh trong việc thu tiền của những người đi XKLĐ. Thời gian tới, Công an thành phố sẽ tiến hành làm việc với Nguyễn Chiêu Dương (đang bị tập trung cai nghiện tại Trung tâm giáo dục cộng đồng) để làm rõ việc thu tiền, đồng thời sẽ tiếp tục đẩy nhanh công tác điều tra làm rõ sự việc.


Hà Thanh - Hà Giang

Mới nhất

x
Hàng chục lao động nghèo có nguy cơ bị lừa XKLĐ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO