Hàng loạt bất cập trong dự án Luật Trợ giúp pháp lý sửa đổi

10/11/2016 15:34

(Baonghean.vn) - Sáng 10/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trợ giúp pháp lý sửa đổi. Phát biểu tại hội trường, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (đoàn Nghệ An) bày tỏ sự đồng tình cao về ý tưởng xây dựng một mô hình trợ giúp pháp lý (TGPL) tinh gọn, chuyên nghiệp hóa, chất lượng cao, đồng thời cũng chỉ ra hàng loạt bất cập của dự luật này.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang phát biểu thảo luận tại hội trường.
Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang phát biểu thảo luận tại hội trường.

"Việc thu gọn phạm vi TGPL; thu gọn cộng tác viên và nhất là việc cắt các chi nhánh TGPL mà từ lâu được coi như là chân rết của trung tâm TGPL thực sự là một ý tưởng rất mạnh dạn, như là một ca "phẫu thuật". Vì theo tôi ý tưởng này sẽ giảm bớt đi quyền lợi của ngành, tuy nhiên đứng ở góc độ lợi ích chung, lợi ích của Nhà nước, của người dân thì lại rất có lợi" - Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An nêu quan điểm.

Góp ý cho dự án Luật, bà Trang cho biết, hiện nay, nước ta đang tồn tại hai loại dịch vụ pháp lý miễn phí: một là do Nhà nước tổ chức thực hiện, hai là dịch vụ pháp lý thiện nguyện do các tổ chức khác thực hiện. Dịch vụ pháp lý thiện nguyện do nhiều cá nhân, chủ thể cung ứng; điều kiện, tiêu chuẩn dịch vụ phụ thuộc vào ý chí, nguồn lực của cá nhân, chủ thể này.

Theo vị đại biểu, Luật TGPL chỉ điều chỉnh hoạt động thuộc nhóm thứ nhất, tức là chỉ điều chỉnh việc cung cấp dịch vụ pháp lý do Nhà nước thực hiện; Nhà nước có quyền thu hút những người có trình độ chuyên môn về pháp luật để thực hiện TGPL (bằng cách trả lương hoặc ký kết hợp đồng).

"Điều này không làm ảnh hưởng đến những người có trình độ chuyên môn pháp luật, thực tiễn, am hiểu về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, phong tục tập quán… tham gia cung cấp dịch vụ pháp lý cho người yếu thế; họ có thể tham gia nhóm cung cấp dịch vụ pháp lý thiện nguyện như đã đề cập trên" - vị đại biểu ghi nhận.

Tuy nhiên, bà vẫn đề nghị ban soạn thảo cân nhắc thêm đối với hoạt động tham gia tố tụng và đại diện ngoại tố tụng thì chỉ ký hợp đồng với 3 nhóm người là trợ giúp viên, luật sư, người tư vấn pháp luật như dự thảo. Riêng hoạt động tư vấn pháp luật, ngoài Luật sư, tư vấn viên pháp luật nên mở rộng ký hợp đồng với những người am hiểu chuyên sâu các lĩnh vực kinh tế xã hội, phong tục tập quán, ngôn ngữ địa phương…

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị dự thảo quy định rõ việc ký kết hợp đồng với tổ chức Luật sư, tư vấn pháp luật không bị giới hạn bởi địa bàn; luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ở tỉnh này có thể được ký kết hợp đồng với cơ quan quản lý Nhà nước TGPL tỉnh khác. Quy định này sẽ khắc phục được ở một số địa phương, đội ngũ này, số lượng, chất lượng còn hạn chế, dẫn đến thiếu nguồn lực thực hiện TGPL.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang cũng cho rằng, về cơ quan ký kết hợp đồng, việc giao trách nhiệm ký kết hợp đồng cho trung tâm TGPL là không phù hợp. Để trung tâm TGPL tập trung chuyên môn, theo bà, nên giao trách nhiệm ký kết hợp đồng cho Sở Tư pháp; trung tâm TGPL là một đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý, giống các đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư pháp khác như: Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, Phòng Công chứng thuộc Sở Tư pháp - chỉ là đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi với đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh trao đổi bên lề phiên họp. Ảnh: Anh Tuấn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi với đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An bên lề phiên họp. Ảnh: Anh Tuấn.

Liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại của các trợ giúp viên, trung tâm TGPL, dự thảo quy định, trường hợp có tranh chấp, thiệt hại giữa người được TGPL với trợ giúp viên, trung tâm TGPL liên quan đến việc thực hiện TGPL thì việc giải quyết tranh chấp được thực hiện theo pháp luật về dân sự.

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An cho rằng, cần nghiên cứu lại quy định này. Bởi vì trung tâm TGPL là đơn vị sự nghiệp không có thu; trợ giúp viên là công chức (trường hợp là người đứng đầu trung tâm TGPL), viên chức.

Họ là những người được Nhà nước giao trách nhiệm cung cấp dịch vụ công – dịch vụ TGPL cho những người yếu thế; là hoạt động đậm tính nhân đạo, nhân văn. Nhưng theo dự thảo thì khi TGPL nếu có tranh chấp, sai sót, gây hậu quả thì phải giải quyết tranh chấp, bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự.

"Theo chúng tôi, quy định như vậy, trách nhiệm không tương xứng, không phù hợp bản chất vấn đề và cũng không công bằng giữa trợ giúp viên, trung tâm TGPL với các công chức, viên chức, đơn vị sự nghiệp công lập khác", vị đại biểu nêu.

Mặc dù chưa được tiếp cận tổng kết, đánh giá thực tiễn việc tranh chấp, giải quyết bồi thường thiệt hại trong TGPL thời gian qua, tuy nhiên, đại biểu tỉnh Nghệ An tin chắc rằng khi kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế sâu thì tính chất các vụ việc TGPL sẽ ngày càng phức tạp, việc tranh chấp, bồi thường thiệt hại cũng sẽ điễn ra không đơn giản.

Vì vậy, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang đề nghị, cần nghiên cứu nghiêm túc, thấu đáo vấn đề này để có cơ sở pháp lý xử lý vấn đề vừa đảm bảo quyền lợi người được TGPL nhưng đảm bảo công bằng, phát huy được trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo của trợ giúp viên, trung tâm TGPL.

Các đại biểu thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Các đại biểu thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Ảnh: Anh Tuấn.

Trước đó, với 89,88% đại biểu đã tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Tại Nghị quyết này, Quốc hội quyết nghị, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 tối đa là 2 triệu tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương là 1.120.000 tỷ đồng (vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng, vốn trong nước 820.000 tỷ đồng), trong đó phát hành 260.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ (gồm cả 60.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 chuyển sang), tiền bán vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp là 250.000 tỷ đồng. Vốn cân đối ngân sách địa phương là 880.000 tỷ đồng.

Dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn theo mức dự phòng chung 10% theo từng nguồn vốn; các bộ, ngành trung ương và địa phương dành 10% dự phòng trên tổng mức vốn được phân bổ theo kế hoạch trung hạn theo từng nguồn vốn…

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).

Dương Gim - Diệp Anh - Anh Tuấn

TIN LIÊN QUAN

Hàng loạt bất cập trong dự án Luật Trợ giúp pháp lý sửa đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO