Nghe, thấy ở Châu Bình...
Chúng tôi lên với xã Châu Bình vào ngày 22/7 - thời điểm bão số 3 đổ bộ vào đất liền, mưa lớn liên miên; với những điều được nghe, được thấy, phần nào thấu cảm những âu lo của cán bộ, nhân dân vùng lòng hồ công trình thủy lợi Bản Mồng...

Nhật Lân • 26/07/2025

Dành sự quan tâm cho dự án trọng điểm Quốc gia hồ thủy lợi Bản Mồng, thế nên, từ đầu tháng 5/2025, chúng tôi đã phong thanh về những hệ lụy đang phát sinh ở địa phương này. Ấy là sau khi công trình đập phụ 1 chặn dòng, nước dềnh lên gây ngập lụt nghĩa trang, vùng sản xuất của dân; là hệ thống kênh tiêu bị hư hại, nghẽn dòng, gây sạt lở ảnh hưởng đến đất ở, đất vườn của các hộ dân hai bên kênh; là mối băn khoăn khi vùng lòng hồ bản Mồng tích nước, sẽ có tình trạng dân cư và vùng sản xuất bị cô lập…

Sau cuộc tiếp xúc cử tri xã Châu Bình của đại biểu HĐND tỉnh vào ngày 23/5/2025, chúng tôi kết nối với 1 đại biểu HĐND tỉnh để nắm thêm thông tin, được ông cho biết, cuộc họp hầu như chỉ xoay quanh các vấn đề thuộc Dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng.
Vị đại biểu HĐND tỉnh trao đổi: “Thực tế đang cho thấy, ở Dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng, từ thiết kế ban đầu cho đến quá trình triển khai trong nhiều năm qua đã không đánh giá hết, đánh giá đúng tác động tiêu cực tới điều kiện sản xuất, sinh hoạt của người dân. Bây giờ bất cập đã bộc lộ rõ, cần phải tập trung xử lý với tinh thần vì dân…”.
Ít ngày sau, chúng tôi được tiếp cận Văn bản số 26/BC-MTTQ-BTT ngày 26/5/2025 “Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp giữa năm 2025 đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII” của Ủy ban MTTQ huyện Quỳ Châu (cũ). Qua đó, chứng thực nội dung vị đại biểu HĐND tỉnh trao đổi. Bởi trong vài chục ý kiến cử tri xã Châu Bình được ghi rõ họ tên, nơi cư trú, số điện thoại…, quá nửa là về các vấn đề từ Dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng.

Cử tri Phan Bá Chiến (Bí thư Chi bộ bản Kẻ Tằm) thông tin ngày 30/3/2025, do ngăn đập phụ 1 nên gây ngập nghĩa trang bản Tằm 1 với 180 ngôi mộ; chưa kể có một số ngôi mộ vì ngập nước nên chưa thể kiểm đếm. Ông cho rằng, nguyên nhân là do xác định mốc giới, cao trình nước ngập không chính xác, dẫn đến vùng nghĩa trang không được kiểm đếm, di dời trước lúc ngăn đập phụ 1.
Vì vậy, ông kiến nghị cấp trên cần có ý kiến để chủ đầu tư dự án có phương án bồi thường, di dời toàn bộ ngôi mộ bị ngập trong nước đến vị trí khác; chi trả kinh phí để nhân dân tổ chức lễ cúng theo phong tục, tập quán cho những người đã mất; tìm đất bố trí nghĩa trang mới cho nhân dân…
Đồng thời, cử tri Phan Bá Chiến còn thông tin ở bản Kẻ Tằm có khoảng 30 ha đất nông nghiệp (trong đó, có 6 ha đất 2 lúa) đã bị cô lập nhưng không nằm trong diện tích Nhà nước thu hồi, đề nghị làm đường vào để nhân dân không bị ảnh hưởng trong sản xuất…

Cử tri Lang Viết Đàn (bản Kẻ Khoang) thì cho biết, ở bản có 74 hộ đang bị ảnh hưởng của việc thi công đập phụ số 3, kênh tiêu Châu Bình; trong đó, có 14 hộ mất cả nhà, vườn, đất đai; 9 hộ bị cô lập do ngập nước không có đường di. Cử tri Lang Viết Đàn đề nghị cấp trên quan tâm, có kế hoạch giải phóng mặt bằng; đối với các hộ bị ngập nước không có đường đi thì đề nghị có kế hoạch làm cầu, nâng cấp đường giao thông để nhân dân có đường đi lại.
Còn cử tri Nguyễn Văn Phong (bản Quỳnh 1) phản ánh, hai bờ kênh tiêu Châu Bình đoạn qua bản Quỳnh 1 bị sạt lở, ảnh hưởng đất đai nằm ngoài khu vực đất dự án đã đền bù, ảnh hưởng đến cuộc sống các hộ dân sống hai bên kênh tiêu, đề nghị cấp có thẩm quyền có phương án chống sạt lở kênh tiêu Châu Bình để các hộ hai bên kênh yên tâm sinh sống...



Cùng với ý kiến của các cử tri, MTTQ xã Châu Bình (cũ) còn báo cáo về kiến nghị của nhân dân trong việc Nhà nước cấp đất rừng khu vực Bù Đô trùng với quy hoạch Dự án Hồ thủy lợi bản Mồng. Sự việc này liên quan đến 94 hộ dân các bản Quỳnh 1, Quỳnh 2, bản 3/4, bản Đồng Phầu, bản Kẻ Móng, bản Kẻ Khoang, bản Kẻ Nặm; và nhân dân kiến nghị, đổi diện tích bị cấp trùng sang đất sản xuất để phát triển kinh tế…
Ngày 4/6, chúng tôi đã lên xã Châu Bình (cũ). Ở thời điểm này, dù đang tập trung cho công tác chuẩn bị vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, nhưng với cấp ủy, chính quyền xã, việc xử lý các vấn đề phát sinh từ Dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng là mối quan tâm đặc biệt.
Bí thư Đảng ủy xã Châu Bình (cũ), ông Lê Văn Toan cho biết, kiến nghị về vùng ngập Nghĩa trang bản Kẻ Tằm đã được huyện Quỳ Châu (cũ) và Ban Quản lý Dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng tập trung giải quyết. Nhưng trên địa bàn có rất nhiều vấn đề phức tạp, vướng mắc phát sinh. Đơn cử, tình trạng nước dềnh gây ngập không chỉ ở bản Kẻ Tằm, mà còn tại 2 nghĩa trang của bản Kẻ Móng...; các khu tái định cư vẫn đang dang dở; vùng lòng hồ bản Mồng khi tích nước sẽ có thêm những khu vực bị cô lập, chia cắt…


Ngày 22/7, chúng tôi lại có chuyến ngược lên xã Châu Bình. Thời điểm này, chịu ảnh hưởng bởi bão số 3 nên toàn xã Châu Bình mưa lớn tầm tã. Ghé vào 2 khu tái định cư, gồm khu tái định cư dốc 77 và khu tái định cư sau đập phụ 1, thì vẫn còn nhiều việc phải làm.
Đáng nói, do mưa lớn gây ngập một số hộ dân, nên trên nền đất khu tái định cư sau đập phụ 1 phải đào đoạn mương lớn dài đến 70 – 80m để tiêu thoát nước. Ghé đến hệ thống kênh tiêu ở các bản Kẻ Khoang, bản Quỳnh 1…, dưới lòng kênh đã và đang được nạo vét các lớp bùn đất gây nghẽn dòng, nhưng thấy rõ tình trạng sạt lở ở hai bên kênh. Còn tại bản Kẻ Móng, cả 2 nghĩa trang Kẻ Móng và Tòng Hó nằm sát cầu Cô Ba đều đang trong tình trạng bị nước dâng ngập…

Chúng tôi vào thăm hộ gia đình bà Phạm Thị Chinh ở bản Quỳnh 1 để nắm bắt tình hình sạt lở đất ở, đất vườn có nguyên nhân từ hệ thống kênh tiêu. Nhà và vườn của bà Chinh chỉ cách kênh tiêu chừng 8 – 9m. Trên khu vườn, bà chỉ trồng độc cây keo “để giữ đất khỏi sạt lở và có thêm thu nhập sau khoảng 5 năm”. Thế nhưng, phần đất giáp ranh kênh tiêu đã có tình trạng bị sạt trượt.
Đứng trên nền sân đã đầy vết nứt rạn, bà Chinh cho biết, từ khi có kênh tiêu, mỗi khi mưa to thì đều có tình trạng nước dồn về đẩy đất vườn xuống kênh gây tình trạng sạt lở. Nếu không có biện pháp ngăn ngừa thì sẽ tiếp tục sạt lở, ảnh hưởng đất đai, nhà cửa của nhân dân, gây ách tắc, hư hại hệ thống kênh của Nhà nước.

Trong lo lắng, bà Phạm Thị Chinh nói: “Tôi đã đại diện cho người dân ở đây phản ánh nhiều lần nội dung này nhưng chưa được giải quyết. Các hộ dân sống dọc kênh rất lo lắng. Đêm nào có mưa lớn thì đêm đó không dám ngủ. Tôi mong muốn vấn đề này được giải quyết để tài sản của nhân dân và tài sản của Nhà nước không bị thiệt hại…”.
Theo ông Bùi Hoàng Tùng - Phó trưởng Phòng Kinh tế xã Châu Bình, phản ánh của người dân sống dọc kênh tiêu về tình trạng sạt lở đất ở, đất vườn là chính xác. Tình trạng sạt lở gây bồi lấp kênh tiêu, ách tắc dòng chảy, không thoát được nước.
Vấn đề này đã được xã kiến nghị lên cấp trên, chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng đã chỉ đạo đơn vị thi công nạo vét đất, khơi thông dòng chảy, chống ngập úng cho xã Châu Bình.
Tuy nhiên, đây đang là biện pháp tạm thời, vì kênh tiêu là kênh đất, qua thời gian sẽ tiếp tục gặp mưa lớn xói mòn, sạt lở đất, gây bồi lắng, ách tắc dòng chảy. Vì vậy, xã Châu Bình đang tiếp tục kiến nghị chủ đầu tư nghiên cứu khắc phục các tồn tại này.
“Theo chúng tôi, cần tiếp tục cho hạ mái kênh, nạo vét rộng lòng kênh…”, ông Bùi Hoàng Tùng trao đổi.

Đến trụ sở xã Châu Bình, chúng tôi lại được tiếp cận thêm Báo cáo số 04/BC-MTTQ ngày 17/7/2025 “tổng hợp ý kiến cử tri trước kỳ họp thứ 14, HĐND xã khóa XX, nhiệm kỳ 2021 – 2026” của Ban Thường trực MTTQ xã Châu Bình.
Tại Báo cáo này, có đến 14 đầu mục thuộc lĩnh vực đầu tư – xây dựng; 10 đầu mục lĩnh vực đất đai – môi trường. Trong mỗi đầu mục, thì có nhiều ý kiến kiến nghị, chủ yếu liên quan đến Dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng.
Theo ông Lô Văn Thế - Chủ tịch UBND xã Châu Bình, dự án hồ thủy lợi Bản Mồng kéo dài qua nhiều năm nên có rất nhiều tồn tại. Riêng vùng lòng hồ thuộc xã Châu Bình, sau khi ngăn đập phụ 1 thì đã phát sinh những vấn đề mới. Hiện nay, chính quyền xã và Ban Quản lý dự án Bản Mồng đang tập trung xử lý. Dù vậy, nhiều đầu việc đang dở dang và dự báo có thể sẽ còn những vấn đề phức tạp tiếp tục nảy sinh.


Đối với các nghĩa trang bị ngập nước, xã Châu Bình đã thống nhất với nhân dân về phương án di chuyển mồ mả; cũng đã xác định vị trí đất để xây dựng nghĩa trang mới. Tuy nhiên, để xây dựng hạ tầng thiết yếu như đường vào nghĩa trang mới, sẽ cần thêm thời gian để tổ chức quy hoạch sử dụng đất.
Về hồ sơ trích đo vùng lòng hồ, thời gian qua, xã Châu Bình đã tiếp nhận, nhưng qua một số đợt mưa thì thấy tình trạng nước dềnh dâng ngập một số khu vực ngoài mốc giới đã bàn giao cho xã. Trong những khu vực này, có những vùng sản xuất và hộ gia đình bị cô lập, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất.
Mong muốn của xã là Ban Quản lý Dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng và các cơ quan cấp trên khẩn trương đo đạc lại các vị trí đã được phát hiện để sớm đưa những khu vực đó vào diện thu hồi giải phóng mặt bằng, hoặc có phương án xây dựng đường vào không để ảnh hưởng đến nhân dân.
Về hai khu tái định cư, hiện nay vẫn chưa hoàn thành, trong khi nhiều hộ gia đình có nhu cầu về đất ở nên rất cần đẩy nhanh tiến độ. Vì nếu không có khu tái định cư, xã Châu Bình sẽ gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng…

Đối với các vùng xác định bị cô lập khi lòng hồ tích nước, theo Chủ tịch UBND xã Châu Bình Lô Văn Thế, tập trung ở bản Kẻ Tằm, bản Kẻ Khoang, bản Bình Quang với tổng số 34 hộ gia đình. Riêng bản Bình Quang, sẽ có 19 hộ gia đình và khoảng 1.000 ha đất rừng sản xuất bị cô lập.
“Đây là một nội dung cần sớm được khảo sát, có phương án giải quyết. Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn các cơ quan cấp trên chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế xác định chính xác mực nước dềnh của vùng lòng hồ thủy lợi Bản Mồng, tránh việc sau khi tích nước thì phát sinh những vấn đề mới, khi đó việc xử lý sẽ rất bị động, khó khăn…”, ông Lô Văn Thế trao đổi.

Liên hệ với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An (đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường – chủ đầu tư giải phóng mặt bằng Dự án Hồ thủy lợi Bản Mông giai đoạn 1), được biết, Ban nắm bắt căn bản các vướng mắc trong vùng lòng hồ xã Châu Bình. Và được thông tin, ngày 11/7/2025, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp đã về làm việc với tỉnh để đánh giá tiến độ và giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.
Vào ngày 16/7/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường có thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, trong đó, yêu cầu đơn vị tư vấn phải kiểm tra, đánh giá lại mực nước dềnh, xác định các khu vực, đối tượng bị ảnh hưởng ngập lụt; đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra, rà soát tổng thể để đề xuất, trình UBND tỉnh phương án xây dựng, hoàn trả đường dân sinh...

Như vậy, có thể thấy các vướng mắc ở xã Châu Bình đã và đang được các cơ quan Trung ương và tỉnh quan tâm, đề ra hướng giải quyết. Nhưng dù vậy, mốc thời gian hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng Dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng giai đoạn 1 chỉ còn hơn 5 tháng (ngày 31/12/2025). Thế nên, việc đánh giá chính xác, đầy đủ và xử lý triệt để các vấn đề vướng mắc phát sinh cần phải được khẩn trương thực hiện, để Dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng được hoàn thành, để nhân dân vùng lòng hồ xã Châu Bình được ổn định!
