Hàng mã bình dân cúng ông Công, ông Táo "hút" khách
Năm nay, thị trường hàng mã phục vụ ngày tiễn ông Công ông Táo về chầu trời đã bắt đầu rục rịch từ đầu tháng Chạp. Tuy nhiên, theo đánh giá của những người kinh doanh mặt hàng này ở phố Hàng Mã, Hàng Lược và Lương Văn Can, năm nay lượng người mua ít hơn và chủ yếu tập trung mua hàng giá bình dân.
Từ đầu tháng 12 âm lịch, trên các con phố của thủ đô đã xuất hiện những người gánh đồ ông Công ông Táo đi bán. Những ngày này, lượng người bán hàng rong tăng lên đáng kể, cùng với đó, các cửa hàng bán đồ lễ phục vụ ngày 23 tháng Chạp cũng bày bán đủ mẫu mã đa dạng đồ thần linh và thần bếp.
Theo khảo sát của phóng viên, hàng mã cúng lễ năm nay không có gì mới, vẫn là những bộ quần áo, hài, mũ, cá chép, tiền vàng, ngựa giấy…để tiễn ông Táo về trời.
Giá cả loại hàng hóa này cũng tùy theo mẫu mã, kích cỡ, chất liệu có thể dao động từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng.
Mỗi cặp đồ lễ gồm 1 bộ thần linh và 3 bộ thần bếp. Một bộ “ông Công, ông Táo” gồm 3 mũ, 3 bộ quần áo được làm với cỡ nhỏ, cỡ trung bình và cỡ to.
Những bộ ông Công, ông Táo giá bình dân được người mua lựa chọn nhiều hơn.
Bộ cỡ nhỏ làm bằng giấy màu có giá rẻ nhất, chỉ từ 40.000 - 60.000 đồng/bộ. Bộ cỡ trung bình có giá từ 90.000 - 110.000 đồng/bộ và loại to giá từ 140.000-160.000 đồng/bộ. Đắt nhất là loại mã làm bằng giấy màu bóng, có mùi thơm và in hoa văn chìm, giá không dưới 300.000 đồng/bộ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của những người bán hàng mã, năm nay, người dân chủ yếu chọn mua các bộ lễ giá trung bình, có giá 40.000 – 60.000 đồng/bộ, loại bộ giá vài trăm nghìn rất ít người mua, hoặc chỉ là những người đã đặt hàng trước.
Cô Bảo, người bán hàng mã ở Hàng Mã cho biết, từ đầu tháng tới giờ, cô bán chạy nhất là bộ ông Công ông Táo giá vài chục ngàn, loại đắt hơn rất ít người mua. Có người thì mua thêm ngựa giấy hay cá chép, những mặt hàng khác như nhà lầu, xe hơi, tivi thì gần như không bán được.
Chị Loan, bán hàng mã ở phố Hàng Lược chia sẻ: “Bán đã chậm thì chớ, có người còn bảo, mua cá chép cúng là được, chứ mua bộ đồ giấy về đốt không biết các cụ có nhận được không nên họ không mua.”
Hiện tại sức mua còn khá yếu nhưng từ ngày 20 trở đi, những người bán hàng mã hi vọng sức mua sẽ tăng dần lên, bởi theo tín ngưỡng của phần đông người dân, nhiều thứ có thể không mua chứ đồ cúng lễ thì khó có thể tiết kiệm được.
Theo Lao động