Hàng Nghệ An khó vào siêu thị?

17/08/2017 08:09

(Baonghean) - Nghệ An có nhiều đặc sản, mỗi địa danh, vùng miền đều có ẩm thực riêng, rất hấp dẫn thực khách. Tuy vậy, hầu hết các mặt hàng đó lại vắng bóng tại các siêu thị.

Từ những gian hàng đặc sản

Những ngày vừa qua, người tiêu dùng thành phố Vinh liên tục được chứng kiến các đợt khai trương cửa hàng sạch, hàng xuất xứ truyền thống của Nghệ An. Đó là siêu thị đặc sản xứ Nghệ - gian hàng giới thiệu và bán khoảng trên 50 sản phẩm đặc sản của xứ Nghệ được đóng gói bao bì, nhãn mác đúng quy chuẩn.

Đây là gian hàng nằm trong dự án "Kinh doanh đặc sản Nghệ Tĩnh" của các giáo viên, sinh viên Trường Đại học Vinh với ý tưởng mang đến cho người tiêu dùng các loại đặc sản mang đậm bản sắc văn hoá con người xứ Nghệ; đồng thời, tạo mối liên kết, tiêu thụ các mặt hàng nông sản do nông dân sản xuất tại các thành phố lớn.

Siêu thị đặc sản xứ Nghệ đa dạng sản phẩm chất lượng, thu hút khách hàng. Ảnh: Thu Huyền
Siêu thị đặc sản xứ Nghệ đa dạng sản phẩm chất lượng, thu hút khách hàng. Ảnh: Thu Huyền

Anh Vũ Mạnh Hoàng - Giám đốc Công ty TNHH thương mại đặc sản Nghệ Tĩnh cho biết: Trong thời gian vừa qua, các thành viên của Công ty đã có những chuyến đi thực tế về nhiều vùng miền của xứ Nghệ để tìm hiểu rõ nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của các đặc sản nơi đây. Chúng tôi đã tìm ra được nhiều gia đình, cơ sở uy tín sản xuất các loại đặc sản quý hiếm ở nhiều vùng khác nhau như: Sữa ong chúa, mật ong, bò giàng miền núi, lạp xường, măng muối tỏi ớt, đồ dệt thổ cẩm... tập trung ở các huyện miền núi Nghệ An.

Ngoài ra, các sản phẩm như tương Nam Đàn, cam Xã Đoài, bưởi Phúc Trạch; một số sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể như nước mắm Hải Giang 1, cá thu nướng Cửa Lò, gà đồi Thanh Chương cũng được bày bán tại siêu thị.

Trước đó, Liên minh HTX tỉnh, Liên hiệp HTX Sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn Nghệ An tổ chức lễ ra mắt và khai trương gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm Xanh Mart Vinh. Gian hàng cung ứng đa dạng hàng hóa nông sản được nông dân trong tỉnh sản xuất có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Gian hàng củ, quả của siêu thị Big C (TP. Vinh) thiếu vắng hàng hóa xuất xứ từ Nghệ An. Ảnh: Thu Huyền
Gian hàng củ, quả của siêu thị Big C (TP. Vinh) thiếu vắng hàng hóa xuất xứ từ Nghệ An. Ảnh: Thu Huyền

Mặc dù, ở thành phố Vinh rộng lớn, còn ít những gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm của nội tỉnh, sản phẩm sạch nhưng nó mở ra hướng liên kết để sản xuất và tiêu thụ hàng nội địa sạch, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy vậy, tại các siêu thị, hàng nội tỉnh vẫn vắng bóng, dù thực tế chúng ta không thiếu sản vật.

Hàng hóa Nghệ An vẫn “vắng” tại các siêu thị

Nghệ An là tỉnh có số lượng doanh nghiệp và hộ kinh doanh tương đối lớn. Toàn tỉnh có 11.868 doanh nghiệp và 143.479 hộ tham gia hoạt động kinh doanh, tạo ra mạng lưới thương mại phát triển rộng khắp với khối lượng hàng hóa lưu thông đa dạng phong phú và ngày càng phát triển. Thực hiện cuộc vận động, số lượng hàng hóa Việt Nam được tiêu thụ tăng lên rõ rệt, nhóm hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ tại Việt Nam đã chiếm tới 90% tổng số hàng hóa bán ra tại các siêu thị, chiếm 70% tại các chợ và thị trường nông thôn. Tuy nhiên, ở góc độ hẹp, hàng Nghệ vẫn thiếu vắng tại các siêu thị lớn nhỏ trên địa bàn, vì sao vậy?

Điển hình, một số mặt hàng khá nổi tiếng với nhiều thương hiệu như cam Vinh, tương Nam Đàn, gà đồi Thanh Chương, chè… thế nhưng các sản phẩm này đều vắng bóng tại các siêu thị, ngay cả thời điểm rộ mùa. Cùng đó, có nhiều trang trại, gia trại và sản phẩm gia cầm, trứng gia cầm rất nhiều nhưng những mặt hàng này cũng khó chen chân tại các siêu thị.

Đến siêu thị MEGA Market Vinh (trước là Metro Vinh), hàng hoá phong phú nhưng gian hàng thực phẩm chủ yếu nhập từ các địa phương khác. Hàng xuất xứ nội tỉnh hiện diện rất hạn chế, chỉ có một ít thịt lợn, thịt bò và rau xanh của trang trại TH. Chị H. nhân viên bán hàng cho biết: “Trước đây, siêu thị có trứng gà của 1 trang trại ở xã Nghi Đức nhưng được thời gian ngắn khách ít mua nên lại phải nhập từ Hà Nội về. Lý do là hàng của mình chưa có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và nhãn mác…”.

Tương tự tại siêu thị Big C, rất nhiều mặt hàng bày bán với doanh thu hàng tháng lên tới hàng tỷ đồng nhưng hàng hóa của Nghệ An lại quá khiêm tốn. Hiện mới chỉ có một ít thịt bò, lợn và rau gia vị nhập vào trong ngày. Lý do siêu thị này cho biết là vì hàng địa phương thiếu cả số lượng và chất lượng, nhất là thiếu những chứng chỉ, chứng nhận nguồn gốc sản xuất sạch...

Quá trình tìm hiểu, chúng tôi đến trang trại của gia đình anh Võ Văn Dự ở phường Đông Vĩnh (TP. Vinh). Trang trại này nuôi hơn 12.000 con gà và được Chi cục Thú y thành phố cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, đảm bảo an toàn thực phẩm nên việc tiêu thụ trứng thuận lợi hơn. Hiện trứng gà của gia đình anh Dự thường xuyên cung cấp cho siêu thị Big C và một vài doanh nghiệp ở KCN Nam Cấm.

Anh Dự cho biết: “Để thuận lợi trong chăn nuôi, nhất là đầu ra cho sản phẩm, tôi đăng ký thành lập Hợp tác xã Dư Ngọc. Từ khi thành lập hợp tác xã có con dấu, đăng ký số tài khoản, có tư cách pháp lý nên việc vay vốn, nhập hàng cho siêu thị, doanh nghiệp cũng thuận tiện hơn. Đặc biệt, sau khi có chứng nhận kiểm dịch động vật, an toàn thực phẩm, trang trại luôn thực hành chăn nuôi sạch vì thế tạo được uy tín với khách hàng...”.

Trứng gà của trang trại anh Dự phường Đông Vĩnh (TP. Vinh) được bày bán ở siêu thị BigC. Ảnh: Thu Huyền
Trứng gà của trang trại anh Dự phường Đông Vĩnh (TP. Vinh) được bày bán ở siêu thị BigC. Ảnh: Thu Huyền

Còn trang trại của anh Phạm Việt Đức ở xóm 12, xã Thanh Hương (Thanh Chương) chăn nuôi lợn, gà theo hướng sinh học được Chi cục chăn nuôi và Thú y Nghệ An cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm từ chăn nuôi, giết mổ, bảo quản, kinh doanh các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm. Bởi vậy sản phẩm thịt lợn của trang trại được siêu thị Maximark ở TP. Vinh ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm hàng ngày và nhiều bếp ăn tập thể đặt hàng…

Tuy nhiên, những mô hình và những sản phẩm nêu trên ở địa bàn Nghệ An chưa nhiều. Chính vì vậy, cuộc cạnh tranh giữa hàng hóa nội tỉnh với ngoại tỉnh và hàng hóa của nước ngoài đang ngày càng gay gắt, không cân sức.

Theo ông Nguyễn Trọng Hùng - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương thì hiện nay hàng Nghệ đã nỗ lực và có rất nhiều thay đổi, chiếm được lòng tin, cảm tình của người tiêu dùng. Nhưng hàng nội thiếu nhãn mác, mẫu mã chưa đẹp, nhiều sản phẩm không được đăng ký an toàn thực phẩm. Ngoài ra, hàng nội tỉnh chất lượng khá nhưng số lượng hạn chế, khi có đơn hàng lớn lại thiếu số lượng; đó là chưa kể mức chiết khấu thấp dẫn đến hàng nội tỉnh thiếu hấp dẫn, khó cạnh tranh cùng một mức giá ở cùng một sản phẩm của các địa phương khác...

Trước sự khốc liệt của cạnh tranh trong kinh tế thị trường, đã đến lúc, hàng nội tỉnh cần có chiến lược xây dựng thương hiệu gắn giữa sản xuất và phân phối chuyên nghiệp hơn.

Thu Huyền

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Hàng Nghệ An khó vào siêu thị?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO